Siêu giải đấu châu Âu: Ý tưởng hay, thực hành khó

Khán giả có muốn hàng năm theo dõi những đội bóng châu Âu mạnh nhất gặp nhau ít nhất 2 lần? Ý tưởng này đang manh nha trong làng bóng đá Cựu lục địa.

Bạn có muốn xem một giải vô địch mà chỉ có các CLB lớn nhất châu Âu mới góp mặt? Chỉ có MU, Arsenal , Chelsea , Man City, Real, Barca, Bayern Munich, Dortmund, Juventus, AC Milan, Inter, PSG, Porto và các đội mạnh khác góp mặt?

Về mặt lý thuyết, một giải đấu như thế sẽ hấp dẫn khán giả ngay từ đầu bởi chỉ các đội bóng lớn thi đấu với nhau. Mỗi trận đấu là một cuộc đọ sức căng thẳng và fan mỗi đội sẽ không được chứng kiến những chiến thắng dễ dàng. Doanh thu của giải đấu chắc chắn sẽ rất lớn khi người ta bỏ tiền để xem cuộc chơi của những người khổng lồ Goliath mà không phải thấy một “David” nào xuất hiện để ném đá.

Danh hiệu vô địch châu Âu vốn luôn được gắn bên cạnh UEFA Champions League, giải đấu có sự góp mặt của các vòng knock-out để loại từng đội cho tới khi chỉ còn 2 đại diện cuối cùng. Nhưng còn một giải đấu theo thể thức vòng tròn 2 lượt đi và về? Như vậy thì hàng năm MU sẽ gặp Barcelona hai lần chứ không còn phải chờ đợi đứng cùng bảng hay cùng nhánh knock-out ở Champions League nữa.

Năm 2009, ý tưởng về một “siêu giải đấu”, một Super League dành cho các CLB châu Âu, đã được đề cập trong các cuộc gặp của Hiệp hội CLB bóng đá châu Âu (ECA) bởi chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid vì “không phải lúc này những đội bóng mạnh nhất cũng gặp nhau ở Champions League”. Năm 2013, Unal Aysal, chủ tịch của Galatasaray, đề xuất rằng 15-20 CLB dự giải Super League này, mỗi mùa sẽ có 3-5 đội bị thải loại để đưa đội mới vào, hay thậm chí Super League sẽ là giải đấu có 2 hạng và 38 đội tham dự, có lên & xuống hạng.

Nếu một Super League ra đời, MU và Real Madrid sẽ gặp nhau đều đặn

Thế nhưng liệu ý tưởng cho một “Super League” châu Âu có thành hiện thực? Có một số điểm sau cản trở ý tưởng ấy hiện thực hóa:

1. Thi đấu vào lúc nào? Các CLB vẫn thuộc hệ thống giải VĐQG của mỗi nước và do đó phải thi đấu trong hệ thống này, với một lịch thi đấu được sắp xếp để họ chơi tới cuối mùa giải. Vậy Super League châu Âu sẽ thi đấu khi nào khi mà các CLB còn phải đá theo hệ thống thi đấu trong nước lẫn Champions League? Liệu Super League có thể được tổ chức trong những năm có giải đấu quốc tế (World Cup, EURO, Copa America) tổ chức trong mùa hè?

2. Bão hòa Champions League. Như Karl-Heinz Rummenigge phát biểu cách đây 3 năm, UEFA Champions League chính là “Super League” của châu Âu. Sự ra đời của một giải đấu khác sẽ khiến Champions League mất giá trị hấp dẫn, giải đấu vốn đã thu về hàng tỷ euro kể từ khi ra đời và được mọi đội bóng châu Âu chấp nhận.

3. Bóng đá Anh. Vấn đề của nhiều giải VĐQG là sự độc tôn của chỉ một hoặc vài CLB, như La Liga với Real & Barca, Bundesliga với Bayern Munich hay Ligue 1 với Paris Saint-Germain. Trong khi đó Premier League giữ nguyên sức cạnh tranh gay cấn của giải đấu và ngay cả với sức hấp dẫn của Champions League, các CLB Anh vẫn tập trung vào mặt trận trong nước bởi tính cạnh tranh cao và tiền thưởng cũng cao không kém.

4. Nhanh nhạt. Barcelona gặp MU thỉnh thoảng ở Champions League là một cảm xúc thú vị, nhưng gặp nhau hàng năm 2 lần ở một Super League có thể khiến trận đấu mất ít nhiều tính tươi mới, nhất là nếu hai đội bóng rơi vào những giai đoạn sa sút về thành tích. Một trận derby Manchester hay derby Merseyside luôn căng thẳng, nhưng MU – Barca chưa chắc đã gay cấn bằng.

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/bong-da/sieu-giai-dau-chau-au-y-tuong-hay-thuc-hanh-kho-c48a766105.html