Siêu bão đổ bộ, 28 người chết và mất tích

Khoảng hơn 4 giờ chiều nay 29-9, siêu bão số 9 (Ketsana) đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, tâm bão vào thẳng các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (tức là từ 103 - 133 km/giờ), giật cấp 13-14. Thông tin ban đầu cho biết đã có 28 người thiệt mạng và mất tích.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, dự báo trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định. Như vậy chiều nay 29-9, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đến 22 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão vào địa phận tỉnh Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 - 88 km/h), giật cấp 10.

Bão số 9 sắp đổ bộ vào Đà Nẵng (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương)

Theo báo cáo của các địa phương về ban chỉ dạo tiền phương đặt tại Đà Nẵng, tính đến 15 giờ chiều 29-9 đã có 23 người chết, 5 người mất tích, 12 người bị thương do bão số 9.

Trong đó, Huế có 2 người chết, Đà Nẵng: 3; Quảng Nam: 3; Quảng Ngãi: 2; Bình Định: 4; Kon Tum: 9. Trong số 5 người mất tích, có 2 người ở Bình Định và 3 người ở Quảng Ngãi. Trong số 12 người bị thương, Huế có 7 người, Phú yên: 2 người và Quảng Ngãi: 3 người.

Tổng cộng có 39 tàu cá bị đánh chìm

Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.

Xem bản tin về bão trên kênh VTV1

Đà Nẵng gồng mình gánh siêu bão

Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải đã đến Đà Nẵng vào lúc 10 giờ sáng 29-9 và trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão lũ tại các nơi xung yếu. Như vậy, đúng 3 năm sau khi hứng chịu cơn bão Xangsane, Đà Nẵng một lần nữa phải chịu một trận bão cực mạnh khác.

Nước sông Hàn (TP Đà Nẵng) hung hãn dâng cao (Ảnh: T.Sách)

Theo ghi nhận ban đầu của phóng viên NLĐO, nhiều ngôi nhà và đường phố của TP Đà Nẵng đã bị mưa gió “quần” tả tơi. Với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, hầu hết các hoạt động ở Đà Nẵng đã bị tê liệt.

Đường phố TP Đà Nẵng la liệt tôn bay, cây cối bật gốc (Ảnh: T.Sách)

Dọc theo các đường Lê Thánh Tôn, Quang Trung, Nguyễn Lương Bằng, Trần Phú, Lê Duẩn, nhiều biển báo và hàng ngàn cây xanh ngã đổ la liệt, nhiều khu vực mất điện, mất nước hoàn toàn từ tối qua. Công ty điện lực Đà Nẵng cho biết lưới điện 110KV ở An Đồn, Ngũ Hành Sơn... bị mất hoàn toàn. Trước tình trạng này, Điện lực Đà Nẵng chỉ cố gắng duy trì cho một số cơ quan xung yếu, làm nhiệm vụ chống lụt bão.

Mưa lớn đã làm ngập lụt nhiều tuyến đường trong thành phố Đà Nẵng. Nước sông Hàn tràn lên đường Bạch Đằng gây ngập lụt tới 20cm. Đường Nguyễn Tất Thành - con đường ven biển đẹp nhất nước - hoàn toàn bị vùi lấp trong nước biển. Sóng quét sâu vào lề đường gần 2m, khiến giao thông bị đình trệ.

Các đường Trần Phú, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Quang Trung bị ngập nặng, đặc biệt, trên đường Trần Cao Vân có đoạn nước ngập lụt tới 80cm, tràn vào cả trong nhà nhiều hộ dân.

Đường Nguyễn Tất Thành tan nát trong bão dữ (Ảnh: T.Sách)

Một số vùng ven biển như phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà), dọc đường Nguyễn Tất Thành, nhiều nhà dân bị tốc mái. Mưa gió kết hợp với thủy triều dâng đã làm ngập cục bộ một số tuyến đường.

Nước lũ lên nhanh làm 2 chiếc xe chở khách bị chết máy tại đường rẽ vào phía nam hầm đường bộ Hải Vân khiến gần 80 hành khách bị mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ quận Liên Chiểu phải triển khai lực lượng đưa người và hành lý đến nơi trú bão an toàn.

UBND các quận huyện của TP Đà Nẵng huy động các phương tiện tại chỗ tiếp tục sơ tán thêm 13.000 người dân đến nơi an toàn, đưa tổng số di dân sơ tán của Đà Nẵng lên đến 33.000 người. Lệnh cấm di chuyển đã được ban hành tại Đà Nẵng, kể cả với xe ô tô, ngoại trừ xe đặc chủng của các lực lượng chức năng làm công tác cứu nạn cứu hộ.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại trên toàn Đà Nẵng, nhưng đã xác định được có 2 người thiệt mạng tại TP Đà Nẵng. Ngoài ra, một người đàn ông bị bệnh câm (chưa rõ danh tính) ở cảng Tiên Sa bị tôn bay cứa sâu vào cổ, nguy hiểm đến tính mạng. Rất may người này đã được lực lượng Biên phòng chốt ở đây kịp thời sơ cứu và đưa về bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu.

Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Nam, gây mưa to kết hợp với gió giật mạnh, lũ các sông đang lên nhanh. Các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang... nhiều nơi đã bị sạt lở núi làm ách tắc giao thông.

Tại Hội An (Quảng Nam), nước biển đã dâng cao ở cửa biển Cửa Đại, ngập hết các khu dân cư ven biển. Còn trong phố cổ, nước lũ đã dâng lên mức báo động 3, nhấm chìm hầu hết các đường phố. Từ tối hôm qua, 28-9, 7.000 người dân Hội An đã phải di tản khẩn cấp. Tương tự, khu vực ven biển của các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều mưa rất to, nước biển dâng cao nhanh chóng.

Thừa Thiên - Huế: Giao thông hoàn toàn tê liệt

Mưa lớn trong ngày 28 và 29-9 đã khiến mực nước tất cả các sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đều vượt mức báo động 3. Mưa lớn cũng gây ngập lụt nhiều tuyến đường nội thành, đặc biệt là các tuyến đường xung quanh và ngay chính khu vực Đại Nội bị ngập sâu 1m.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho biết từ 2 giờ sáng 29-9, gió đã mạnh lên cấp 7, 8 và hiện nay đã là cấp 10, 11; lượng mưa trú.t xuống là 400-500mm. Triều cường dâng cao 3-5m, khiến nước biển không ngừng xâm thực vào đất liền, có nơi vào sâu đến 30m. “Ở Huế đã có 2 người chết, 100 nhà bị tốc mái, khoảng 20 nhà sập đổ. Hiện chúng tôi tiếp tục di dời người dân ở ven biển và đầm phá. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang kiểm soát được tình hình và giữ cho thông tin liên lạc thông suốt”, ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.

Đường vào thôn Lưu Khánh, xã Phú Dương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đã ngập sâu trong nước (Ảnh: B.Thùy)

Sau đợt di dời dân lần một ngày 28-9, do mức độ ảnh hưởng của bão quá lớn nên lực lượng vũ trang và các chính quyền địa phương buộc phải tiếp tục di dời dân thêm lần nữa. Đã có thêm 300 hộ dân sống ven biển thôn An Dương- xã Phú Thuận, huyện Phú Vang phải tiếp tục di dời.

Giao thông trên địa bàn tỉnh gần như tê liệt. Đến trưa ngày 29-9, các tuyến đường về các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Nam Đông, Hương Trà, Phong Điền đều bị ngập lụt gây ách tắc. Hàng loạt hệ thống cây xanh ở thành phố Huế và dọc đường quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc bị bật gốc, đánh gãy gây cản trở đi lại.

Trưa 29-9, người dân ở TP Huế vẫn chuẩn bị đồ đạc chạy lũ (Ảnh: B.Thùy)

Cây bị ngã đổ ngang đường, gây ách tắc giao thông ở Huế (Ảnh: B.Thùy)

Vào rạng sáng nay (29-9), chuyến tàu SE5 đi Hà Nội- TP HCM đã buộc phải dừng lại ở ga Huế do hệ thống đường sắt đoạn qua huyện Phú Lộc và đèo Hải Vân bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn đường quốc lộ 1A đoạn qua huyện thị trấn Lăng Cô- huyện Phú Lộc bị ngập 0,8m khiến cho các phương tiện giao thông cũng như người dân đều không thể đi lại được.

Gió lớn cũng đã đánh sập và cuốn phăng hàng trăm nóc nhà. Tại huyện Quảng Điền, gần 80 ngôi nhà dân bị sập và tốc mái; hàng trăm nhà dân (chưa thống kê hết) ở huyện Phú Lộc cũng bị gió đánh sập và hất tung mái; nhiều công trình, cơ quan và nhà dân ở thành phố Huế cũng bị cuốn phăng tôn lợp; riêng địa bàn huyện Nam Đông mất điện hoàn toàn từ chiều tối ngày 28-9.

Nhà người dân ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) bị tốc mái (Ảnh: B.Thùy)

Bão chưa qua, lũ đã tới khiến hàng nghìn hộ ở các vùng thấp trũng của thành phố Huế như phường Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Bình, Xuân Phú bị ngập chìm và các huyện Phong Điền, Quảng Điên, Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy đều ngập chìm trong nước.

Đã có hai học sinh thiệt mạng trong mưa bão là Nguyễn Thị Thiên Lý và Nguyễn Huy 16 tuổi. Vào lúc khoảng 11 giờ ngày 28-9, khi đi ngang qua đập xả lũ Hồ Truồi (xã Lộc Hòa- huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) thì bị nước cuốn trôi. Hiện chính quyền địa phương và gia đình đã tìm thấy thi thể của hai em học sinh này.

- Tại Quảng Ngãi, mưa to kèm theo gió cấp 6 giật cấp 10 đã gây ngập TP Quảng Ngãi, tốc mái nhiều ngôi nhà, nhổ bật gốc cây cối. Huyện đảo Lý Sơn – nơi đầu tiên bị bão số 9 uy hiếp đã mất liên lạc với đất liền.

Người dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đi di tản (Ảnh: NLĐO)

Người dân huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đưa thuyền lên bờ trú bão (Ảnh: l.An)

Đà Nẵng: Hàng trăm người hôi của trong mưa bão

Từ sáng sớm 29-9, lợi dụng tình hình lộn xộn sau một đêm mưa gió, hàng trăm người ở TP Đà Nẵng ùa ra đường hôi của. Họ đi bằng các phương tiện khác nhau, lượm lặt những thứ bị gió thổi bay ra đường như biển quảng cáo, tôn… Nhiều người trong số này còn lợi dụng sơ hở của người dân để… chôm đồ.

Hôi của trong mưa bão (Ảnh: T.Sách)

Trong khi đó, có lẽ do tâm lý chủ quan, nhiều gia đình đã không kịp chuẩn bị lương thực thực phẩm nên từ sớm, nhiều người dân đã đổ xô đến các cửa quầy tạp hóa mua hàng. Do mưa gió, nhiều cửa hàng chỉ mở hé cho một người lọt vào, gây cảnh chen chúc nhau. Bán chạy nhất có lẽ là mì gói. Chủ 1 quầy tạp hóa cho biết: “Mới mở cửa được hơn 1 tiếng đã bán được trên 100 thùng mì gói”.

Một số thương nhân còn có sáng kiến chở thịt heo trên các ô tô để đi bán dạo và chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ, họ đã bán sạch 3-4 con heo…

* Lúc 10 giờ sáng 29-9, trong lúc mưa to, gió lớn nhưng nhiều bạn trẻ (16-18 tuổi) vẫn kéo nhau ra công viên bãi biển Phạm Văn Đồng để ngắm biển và tắm mưa (!). Một bạn nam trong nhóm cười nói: “Chúng em ra đây để tìm …cảm giác lạ. Sóng như thế này thì ở phương Tây họ dùng để lướt sóng!”.
T. Sách

Lâm Đồng: Cây đổ đè chết một cô giáo

Vào lúc 7 giờ 20 phút sáng 29-9, một cây thông già cao hơn 30 m trong một biệt thự bên đường Trần Hưng Đạo (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bất ngờ đổ, đè chết chị Phùng Thị Thanh (SN 1977, giáo viên Trường THPT Trần Phú – Đà Lạt).

Theo nhiều người chứng kiến, do ảnh hưởng bão số 9 nên Đà Lạt có gió to từ sáng sớm. Chị Phùng Thị Thanh chạy xe máy chở con chị đi học, vừa đến trước ngôi biệt thự này thì cây thông bất ngờ đổ ập xuống đường, đập trúng đầu chị Thanh, làm chị chết tại chỗ.

Đứa con chị (chưa rõ họ tên) bị thương nặng, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Ngay sau xe chị Thanh là 2 học sinh khác đi xe đạp điện, rất may 2 cháu không bị thương nhưng 2 xe đạp điện cũng bị hư hỏng.

Cũng trong sáng sớm 29-9, một cây thông khác ở đường Lữ Gia – TP Đà Lạt cũng bị đổ, làm sập một quán phở và hư hỏng một chiếc xe máy. Chủ quán cho biết do thấy có mưa to gió lớn nên quán đóng cửa, nếu không thì tai họa thật khôn lường.
B.T.M

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10g ngày 30-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới sẽ nằm ở Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là 39 - 49 km/h), giật cấp 7.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 8 đến cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Chèn mái nhà chống bão ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị (Ảnh: L.An)

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Kom Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 5m.

Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, vùng biển các tỉnh Bình Thuận - Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Tiếp tục cập nhật
Bạn đọc chia sẽ thông tin, hình ảnh về bão gởi tại đây.

B.T.M - Nhóm PV miền Trung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20090929104437488p0c1002/sieu-bao-da-do-bo-quang-nam-quang-ngai.htm