Sẽ bế tắc nếu chỉ buộc cơ quan Nhà nước phải cung cấp thông tin

Triết lý làm Luật Tiếp cận thông tin không nên theo hướng chỉ buộc cơ quan Nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin mà nên theo hướng buộc toàn xã hội phải công khai thông tin và cách thức cho người dân tiếp cận thông tin.

Góp ý về quá trình xây dựng Luật Tiếp cận thông tin (TCTT), ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phân tích: "Việc xây dựng Luật TCTT được tiến hành theo kiểu nghịch lý là "sinh con rồi mới sinh cha".

Quy định về công khai, minh bạch thông tin, TCTT đã có ở ti tỉ luật rồi, giờ mới đẻ ra luật "mẹ" về nguyên tắc công khai TCTT. Việc TCTT trên các lĩnh vực lại vô cùng phong phú, những nguyên lý về TCTT của mỗi lĩnh vực lại không theo trường phái nào. Bởi vậy, rất khó để xây dựng Luật TCTT".

Ông Nguyễn Đình Quyền.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Quyền, đọc dự thảo Luật TCTT do Bộ Tư pháp soạn thảo và đang lấy ý kiến đóng góp thì thấy một trong những triết lý rõ nhất là buộc cơ quan Nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người dân. Nhưng nếu theo triết lý này thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

"Trong điều kiện cải cách hành chính, tư pháp hiện nay, không thể "đẻ" ra bộ máy để đi cung cấp thông tin được. Nếu đi theo hướng cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin thì không bao giờ chúng ta thành công trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin", ông Quyền nói.

Bà Trần Thị Lan Hương, đại diện WB Việt Nam: "Tại Việt Nam đã có hơn 300 văn bản pháp luật có quy định liên quan tới quyền TCTT của người dân, nhưng vẫn đang có khoảng cách lớn giữa quy định với việc thực thi. Đơn cử, theo kết quả nghiên cứu mới về công khai thông tin trong quản lý đất đai ở Việt Nam vừa công bố cuối năm 2014, mới chỉ có ¼ tỉnh, thành phố tham gia khảo sát công bố bản đồ sử dụng quy hoạch đất, 1/10 tỉnh, thành phố công bố bản đồ hiện trạng sử dụng đất trên mạng, 1/5 số xã cung cấp tài liệu liên quan đến quy hoạch sử dụng đất. Dù rằng theo các Luật Đất đai, CNTT, Phòng chống tham nhũng, thì những thông tin này đều thuộc diện phải công khai, minh bạch".

Ông Quyền cũng dẫn chứng một ví dụ mà ông cho rằng "rất khôi hài trong việc TCTT". Đó là Luật Phòng chống tham nhũng quy định mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch, song trên thực tế rất khó khả thi. Vẫn có không ít cơ quan chỉ "công khai thông tin" trong các hội nghị tổng kết của mình, với thành phần tham dự rất hạn chế.

Với góc nhìn của một chuyên gia, ông Nguyễn Đình Quyền gợi ý: Triết lý làm Luật TCTT nên theo hướng bắt buộc tất cả các hoạt động trong bộ máy Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp Nhà nước sử dụng ngân sách Nhà nước, và cả xã hội công dân đều phải công khai thông tin (trừ những thông tin thuộc diện phải đảm bảo bí mật như bí mật Nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân), và Luật này hướng dẫn cách thức cho người dân trong việc tiếp cận thông tin công khai đó.

"Nên chăng thông tin cần phải được công bố công khai, minh bạch, người dân có thể tự động vào mạng Internet để tra cứu, chứ không cần phải có giấy xin phép ông nọ bà kia rồi mới được cung cấp thông tin", ông Quyền nhấn mạnh.

Hơn một lần khuyến nghị rằng trách nhiệm công khai thông tin phải là trách nhiệm của cả xã hội công dân chứ không chỉ riêng cơ quan Nhà nước, ông Quyền phân tích thêm: "Xã hội công dân cũng rất cần công khai thông tin. Chính phủ loay hoay 10 năm nay về việc ban hành Nghị định quy định kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn nhưng vẫn không làm được. Bởi vì tài sản là một thứ có thể dịch chuyển, nếu không kiểm soát được tài sản của toàn xã hội thì không kiểm soát được tài sản của người có chức vụ khi người có tài sản có thể nhờ người khác giữ hộ".

Những ý kiến đóng góp nêu trên vừa được ông Nguyễn Đình Quyền chia sẻ tại buổi Đối thoại chính sách về Luật TCTT vừa được phối hợp tổ chức tại Hà Nội bởi Tổ chức Việt Nam minh bạch (VTP), Quỹ Hợp tác Phát triển (CDF), Truyền thông MEC và Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG).

Bình Minh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/se-be-tac-neu-chi-buoc-co-quan-nha-nuoc-phai-cung-cap-thong-tin-post172761.info