Sao thể thao khi không còn là sao

Đối với những VĐV chuyên nghiệp, đặc biệt là các ngôi sao, cuộc sống sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu của họ luôn là mối quan tâm của người hâm mộ, và ở Việt Nam, không hiếm những trường hợp đã có sự chuẩn bị hoặc bắt nhịp lý tưởng cho tương lai.

Công Vinh quyết tâm học Luật để “chuẩn hóa bản thân”.

Ngôi sao trên sân, ngôi sao trong phòng thi

Xin được bắt đầu câu chuyện này với Công Vinh, tân sinh viên hệ tại chức trường ĐH Luật Hà Nội. Ngày 5/1/2016 vừa qua, Công Vinh đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào ĐH Luật Hà Nội với tổng số điểm là 21 điểm cho 3 môn Văn, Sử, Địa, mà theo xác nhận của TS Nguyễn Triều Dương, Phó khoa Tại chức, ĐH Luật Hà Nội, thì Công Vinh đạt điểm số cao thứ 3 trong số 80 thí sinh trúng tuyển.

Ban đầu, Công Vinh nhập học tại Hà Nội từ ngày 17/1, tất nhiên là với sự cho phép của CLB chủ quản B.Bình Dương, và sau đấy Công Vinh sẽ xin phép trường ĐH Luật cho chuyển vào học tại TP HCM để tiện sinh hoạt gia đình cũng như phù hợp với lịch hoạt động của đội bóng ở Bình Dương.

Công Vinh không phải là cầu thủ Việt Nam học luật, bởi trước Vinh đã có một tuyển thủ quốc gia khác là Nguyễn Hồng Sơn nhận bằng Cử nhân Luật, nhưng lâu nay người ta chỉ thấy Hồng Sơn trong vai trò một HLV chứ ít thấy Hồng Sơn hiện diện ở cương vị khác liên quan tới lĩnh vực luật.

Giải thích lý do vì sao lại chọn ngành luật chứ không phải bất cứ ngành nghề nào khác để theo học, Công Vinh cho biết: “Vinh đăng ký chuyên ngành Luật vì Vinh nghĩ trong cuộc sống cần phải có sự am hiểu luật. Kể cả kinh doanh hay làm gì đi nữa thì hiểu luật sẽ tốt hơn. Vì vậy ngành nghề Vinh sẽ theo học là luật doanh nghiệp, luật hành chính. Khi tốt nghiệp thì sẽ giúp ích cho cuộc sống của Vinh sau này”.

Hiện tại, Công Vinh đang ở năm hợp đồng thứ 2 với B.Bình Dương và tiền đạo này còn gắn bó với đội bóng đất Thủ thêm một năm nữa. Với đẳng cấp cũng như lối sinh hoạt chuyên nghiệp bấy lâu nay, Công Vinh được nhận định là có thể thi đấu đỉnh cao thêm ít nhất 2, 3 năm nữa.

Bản thân Công Vinh cũng xác nhận điều này song anh cũng nói rằng không muốn kết thúc sự nghiệp cầu thủ theo kiểu như vậy. Vì thế, Công Vinh đã quyết định theo học ngành luật để phục vụ cho cuộc sống sau khi chia tay nghề cầu thủ.

Công Vinh tâm sự: “Để chuẩn bị hành trang riêng cho mình thì Vinh sẽ chọn những công việc khác, có thể không liên quan đến bóng đá, như là học HLV giống các cầu thủ khác đã làm.

Vinh phải chuẩn bị hành trang cho mình được đầy đủ kiến thức cho mảng công việc mới nên Vinh đã chọn việc đi thi Đại học. Quan điểm của Vinh là xã hội Việt Nam bây giờ làm gì cũng phải có bằng cấp và nghiệp vụ nên Vinh cũng phải chuẩn hóa bản thân”.

Trong nhiều lần trò chuyện với báo chí, Công Vinh từng nói rằng anh không muốn theo đuổi nghề HLV, và lựa chọn của anh sau khi treo giày sẽ là một ngành nghề khác, có thể liên quan hoặc không liên quan tới bóng đá nhưng chắc chắn không phải là HLV, một công việc áp lực và khắc nghiệt không kém nghề cầu thủ.

Lúc nào cũng chạy

Nếu như Công Vinh chuẩn bị cho cuộc sống “hậu cầu thủ” ngay từ khi còn đang ở đỉnh cao phong độ thì Vũ Thị Hương, một ngôi sao khác của thể thao Việt Nam, lại bắt đầu sự nghiệp mới ngay sau khi chia tay đường chạy 100m, bệ phóng đã làm nên tên tuổi của Hương ở sân chơi quốc tế suốt 10 năm qua.

Tháng 10 năm ngoái, tức là chưa đầy một năm sau khi giải nghệ, Vũ Thị Hương đã cho ra mắt ra mắt Công ty TNHH MTV truyền thông thể thao Vũ Thị Hương do chị sáng lập và điều hành, và lĩnh vực hoạt động chính là tổ chức các hoạt động liên quan đến thể thao.

Vũ Thị Hương trong vai trò mới.

Ngay sau khi ra mắt, Công ty của Vũ Thị Hương đã tham gia hỗ trợ tổ chức Hội thao sinh viên toàn TP HCM tại làng Đại học Thủ Đức, và ngay sau đấy là Hội thao sinh viên toàn TP HCM năm 2015.

Chỉ riêng việc lựa chọn địa điểm hoạt động chính của Công ty TNHH MTV truyền thông thể thao Vũ Thị Hương ở TP HCM, thành phố năng động bậc nhất song cũng là thị trường cạnh tranh khắc nghiệt bậc nhất ở TP HCM, là bằng chứng cho thấy không hề có sự khác biệt giữa Vũ Thị Hương ngôi sao điền kinh và Vũ Thị Hương doanh nhân, nghĩa là chị luôn sẵn sàng đương đầu với những thử thách lớn nhất.

Vũ Thị Hương cho biết chị đã ấp ủ giấc mơ kinh doanh từ khi còn là VĐV nên Hương luôn tranh thủ mọi cơ hội tham gia các hoạt động quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Tháng 6 năm ngoái, Vũ Thị Hương xuất hiện tại SEA Games 28 ở Singapore trong vai trò Đại sứ để tặng quà động viên cho các VĐV đoàn thể thao Việt Nam, và người ta đã được chứng kiến hình ảnh Vũ Thị Hương rất duyên dáng, năng động và tự tin trong vai trò của một doanh nghiệp.

Hiện tại Vũ Thị Hương đang rất bận rộn với công việc mới và để gặp chị bây giờ còn khó hơn rất nhiều so với khi Vũ Thị Hương còn là VĐV điền kinh cự ly ngắn. Vũ Thị Hương cho biết Công ty của chị đã ký được hợp đồng với một số ngôi sao thể thao Việt Nam có ngoại hình và thành tích để họ tham dự những sự kiện từ thể thao cho tới thời trang, quảng cáo như ngôi sao showbiz.

Được hỏi về sự khác biệt giữa 2 công việc VĐV và doanh nhân, Vũ Thị Hương dí dỏm so sánh: “Bây giờ công việc của tôi còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn chưa là gì so với trước kia. Ngày trước chỉ một mình tôi chạy trên đường piste, còn bây giờ Công ty của tôi có rất nhiều bạn bè hỗ trợ”. Vì thế, dù rất vất vả vì luôn phải ngược xuôi Nam Bắc nhưng Vũ Thị Hương vẫn luôn tươi rói mỗi khi nhắc tới công việc hiện tại của mình.

Theo Huy Anh (Ngày Nay)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/sao-the-thao-khi-khong-con-la-sao/87504