Sao nhiều trẻ mắc bệnh người già ?

“Gần 15% học sinh ở lứa tuổi Tiểu học tại TP.HCM mắc phải căn bệnh tăng huyết áp mà nguyên nhân chính gây ra do tình trạng thừa cân, béo phì và lười vận động.” Đó là con số được Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đưa ra.

hình ảnh học sinh béo phì trở nên khá phổ biến (ảnh minh họa)

Theo Trung tâm này “Bệnh lý trên xuất phát từ tình trạng thừa cân, béo phì, lười vận động của học sinh. Kết quả kiểm tra tổng trạng sức khỏe học sinh tại tất cả các quận, huyện cho thấy, có tới 41,9% học sinh trên toàn thành phố bị thừa cân béo phì, trong đó 19% trẻ bị béo phì, chủ yếu rơi vào nhóm học sinh cấp 1”.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, tăng huyết áp được y học xếp vào nhóm bệnh “giết người thầm lặng”. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến nhiều học sinh tiểu học mắc bệnh tăng huyết áp, đó là sự thay đổi lối sống theo chiều hướng không có lợi cho sức khỏe cũng như nhận thức của các bậc phụ huynh, học sinh về dinh dưỡng và sức khỏe còn nhiều hạn chế. Nếu phụ huynh không chú ý đến chế độ ăn uống và tập luyện thể thao hàng ngày, các bé sẽ rất dễ mắc phải căn bệnh này.

Những báo cáo tổng kết trên làm không ít người giật mình, bởi lẽ những căn bệnh như tăng huyết áp xưa nay thường rơi vào những người trung niên, độ tuổi căng thẳng và áp lực lớn với công việc, cũng như những người già sau một thời gian có cuộc sống sung túc mà không quan tâm đúng mức tới chăm sóc sức khỏe cũng như có lượng vận động hợp lý. Thì nay những đứa trẻ tuổi đến trường lại mắc căn bệnh cao huyết áp, mà tỷ lệ học sinh mắc bệnh tăng huyết áp trong độ tuổi này chiếm tới 15% trên tổng số trẻ, nguyên do bởi thừa cân béo phì.

Với từng yếu tố gây nên căn bệnh cao huyết áp, béo phì, thừa cân thì tốt nhất các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ số, vì công nghệ số có sức thu hút rất lớn. Thương xuyên cho trẻ vận động nơi các sân chơi thể thao, lành mạnh, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Ở trường học, thiết kế cho các học sinh những giờ thể dục thú vị, lôi cuốn, các giờ ngoại khóa cho các em vận động nhiều hơn nữa. Trên hết, giảm bớt giờ học tăng giờ chơi, hạn chế cho con em học thêm là trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Còn Bác sĩ Phạm Thị Nguyệt Ánh - Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM cho biết, ở TP.HCM hơn 22% học sinh vẹo cột sống. Có nhiều nguyên nhân làm trẻ cong vẹo cột sống nhưng nguyên nhân được điểm mặt chỉ tên như ngồi sai tư thế, bàn ghế sai quy cách, lao động nặng... Vấn đề ngồi sai tư thế thì là ngồi ở đâu? Nếu tại trường học thì bàn ghế gần chục năm nay tại các cơ sở giáo dục công lập đều thay gần hết những bàn ghế không bảo đảm an toàn, chiều cao giữa bàn và ghế ngồi rồi, có nơi còn thiết kế riêng biệt từng loại bàn cho chiều cao học sinh nữa.

Còn các cơ sở ngoài công lập thì môi trường giáo dục của họ hướng tới phục vụ là ưu tiên nên cơ sở vật chất càng khỏi phải nói. Vậy ở đâu?, Ở nhà chăng, trẻ ở TP.HCM đâu có ở nhà nhiều bằng giờ gặp bạn bè thầy cô (vì học suốt ngày mà)! Còn lao động nặng nhọc! Nghe có vẻ nguyên nhân phù hợp với căn bệnh này, nhưng độ tuổi học sinh tại TP.HCM còn ngồi trên yên xe ba mẹ chở tới trường hằng ngày, đâu đã đi làm mà tỷ lệ vẹo cột sống lớn dữ vậy! Vậy nguyên nhân chính là gì? Hay trẻ trốn nhà chơi game online nhỉ? Cũng đâu nhiều vậy. Đây là câu hỏi đang cần có lời giải thỏa đáng để có hướng khắc phục.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/sao-nhieu-tre-mac-benh-nguoi-gia-514303.bld