Sang tên nhà cho Việt kiều

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài gọi là Việt kiều, việc đứng tên sở hữu nhà tại Việt Nam không phụ thuộc vào việc người đó có còn giữ quốc tịch Việt Nam hay không.

Hỏi: Cha mẹ tôi có ba con, trong đó một người sống với cha ở nước ngoài. Mẹ tôi mất năm 1999 nhưng không có di chúc. Tài sản của cha mẹ để lại là căn nhà em gái tôi đang ở. Nay người em ở nước ngoài muốn để căn nhà trên cho cha tôi, còn tôi thì muốn bán. Xin hỏi cha tôi có nhập quốc tịch Việt Nam lại để đứng tên được không? Tôi muốn bán được không, hoặc ủy quyền cho người khác quản lý được không? (Nguyễn Văn Toàn, Biên Hòa, Đồng Nai)

Trả lời: Theo thư, căn nhà trên thuộc sở hữu chung của các đồng thừa kế và đang có tranh chấp (các bên không thống nhất việc giải quyết di sản) thì các thành viên phải đợi tranh chấp được giải quyết xong mới có thể tính chuyện định đoạt nhà. Riêng về việc ủy quyền quản lý nhà ở, theo Điều 121 Luật Nhà ở, chủ sở hữu nhà ở được ủy quyền cho người khác thực hiện trách nhiệm chủ sở hữu trong quản lý nhà ở. Nội dung và thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng ủy quyền.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài gọi là Việt kiều, việc đứng tên sở hữu nhà tại Việt Nam không phụ thuộc vào việc người đó có còn giữ quốc tịch Việt Nam hay không. Việt kiều thuộc các đối tượng quy định được cơ quan có thẩm quyền của VN cho phép cư trú tại VN từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại VN. Những đối tượng này gồm: người có quốc tịch VN, người gốc VN thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại VN theo pháp luật về đầu tư, người có công đóng góp cho đất nước v.v… (Luật số 34/2009/QH12 ngày 18/6/2009 sửa đổi bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật đất đai)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/phapluat/tuvan-pl/Sang-ten-nha-cho-Viet-kieu/20104/90317.datviet