Sản xuất nước mát trị bệnh từ cây thuốc nam

Bắt đầu một ngày mới là các dược sĩ lại hào hứng sản xuất "nước mát" hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh như: giải độc, mát gan, lợi tiểu, nhuận trường...

Nước mát được đóng nhãn trước khi đưa ra thị trường

Mới sáu giờ sáng, mùi thơm của các loại tuốc nam ở Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM. Bắt đầu một ngày mới là các dược sĩ lại hào hứng sản xuất "nước mát" hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh như: giải độc, mát gan, lợi tiểu, nhuận trường, kích thích tiêu hóa, phòng giảm sốt, đau họng...

Dùng cỏ ngọt thay mía đường

Vừa khuấy thuốc, dược sĩ (DS) Lê Thị Dung - Tổ trưởng Tổ sắc thuốc vui vẻ hỏi đố: “Trong vô số mùi thơm này, nhà báo có phân biệt được đâu là mùi rau má, đâu là mùi rễ tranh không?”. Một dãy 12 nồi thuốc đầu tiên đang sôi, hơi nước bốc ngùn ngụt, nên đứng gần mà chúng tôi gần như không thể nhìn rõ mặt nhau.

Trong lúc chờ mẻ thuốc đầu tiên, nhân viên Nguyễn Tiến Đăng tiếp tục nhanh nhẹn mở từng gói nguyên liệu chứa rễ tranh, củ sả, trần bì, cam thảo nam, gừng tươi… đã được phân sẵn liều lượng, bỏ đều vào dây chuyền 12 nồi inox khác nhau. Anh giải thích: “Bỏ dược liệu vào nồi không thể tùy hứng, thích thứ nào thì bỏ thứ đó nhiều hơn. Các vị thuốc được chia đúng liều lượng đến từng gram để đảm bảo tính chính xác của hàm lượng thuốc.

Ví dụ, rau má chỉ bỏ chính xác 0,5kg, lá muồng trâu thì 0,25kg…”. Khi 10 loại dược liệu được bỏ vào nồi, hệ thống nước lạnh đồng loạt được xả vào ngập dược liệu chừng 3cm. Thời gian ngâm khoảng 10 phút để dược liệu trương nở, sau đó mới điều chỉnh lượng nước phù hợp với hàm lượng thuốc. Mỗi nồi thuốc chứa đến 20 lít.

Sau khi ngâm thuốc, hệ thống 12 nồi thuốc bắt đầu được đun nóng bằng hơi nước. Theo DS Dung, nếu nấu bằng lửa thì thuốc dễ mất chất, biến chất có thể gây độc hại; kỹ thuật nấu bằng hơi nước sẽ đảm bảo chất lượng thuốc hơn. Mỗi nồi thuốc đều có một van cấp hơi và một van cấp nước nóng. Sau 30 phút, hệ thống nước thuốc đầu tiên “chín” tới.

Chưa kịp xả nước thuốc ra khỏi nồi, chị Dung hớt cho tôi một ngụm nước mát còn đang nóng để nếm thử. Ngoài mùi thơm của các vị thuốc nam, tôi cứ phân vân với vị ngọt tê tê ở đầu lưỡi, ngọt thanh nhưng không phải là đường.

Thấy khách thắc mắc, chị kéo tôi đến kho dược liệu, đem “bảo bối” ra khoe: “Chất tạo ngọt chính cho nước mát là cỏ ngọt, hoàn toàn không bỏ tí đường nào. Hoạt chất chính trong cỏ ngọt có tên là Steviol, có độ ngọt gấp 300 lần so với mía đường. Do đó chỉ cần bỏ 0,5g là đủ để nấu đến 1.000 chai. Vị ngọt của loại cỏ này còn là bí quyết cho bệnh nhân kiêng đường như bệnh tiểu đường, cao huyết áp… vẫn uống được”.

Mỗi nồi thuốc được nấu hai lần, lần thứ hai nấu trong 15 phút, sau đó kỹ thuật viên sẽ trộn hai nước này lại để nguội, chờ lắng - lọc cặn bằng vải lọc và bông gòn. Nước mát này lại được đưa vào máy quay ly tâm để tiếp tục tách cặn, rồi mới chiết vào từng chai thủy tinh, đóng nắp, dán nhãn. Đóng chai nước mát xong, các nhân viên sẽ đẩy toàn bộ lô hàng vào máy hấp để tiệt trùng ở nhiệt độ 121 độ C.

DS Dung cho biết: “Sau 30 phút tiệt trùng, toàn bộ lô nước mát này tiếp tục được đẩy đến bộ phận kiểm nghiệm thuốc Đông y của Viện. Sau năm ngày kiểm tra, nếu phát hiện ngẫu nhiên chai nào không đạt chất lượng thì phải bỏ nguyên cả lô thuốc đó. Nhờ kỹ thuật tiệt trùng chuẩn mà chúng tôi để đến một năm vẫn không hư, không cần dùng chất bảo quản, chất chống nấm mốc”.

Chữa được nhiều bệnh

ThS-DS Nguyễn Thị Xuân Phương, Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết: “Bài thuốc “nước mát” này xuất phát từ miền Đông Nam bộ vào những năm 1950 do bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế sưu tầm từ lương y Võ Văn Hưng và áp dụng trong thời kháng chiến chống Pháp.

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/song-khoe/san-xuat-nuoc-mat-tri-benh-tu-cay-thuoc-nam-68999/