Săn xe đạp "nghĩa địa" ở Campuchia

Xe đạp "nghĩa địa" đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Thế nhưng người mua không quan tâm xe có xuất xứ từ đâu, được sản xuất và lưu hành như thế nào. Chúng tôi thử xâm nhập vào một chợ biên giới ở Campuchia để làm rõ thực hư...

"Vượt biên" mua ngựa sắt "nghĩa địa" Thời gian gần đây, số cán bộ, công chức và học sinh có nhu cầu sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại ngày càng cao. Tuy nhiên, giá xe đạp "hàng hiệu" được bán ở các cửa hàng hiện không rẻ chút nào; mỗi chiếc ít nhất cũng từ 1,5 triệu đồng trở lên. Còn các loại xe đạp tầm tầm thì cũng trên 500.000 đồng/ chiếc. Xe đạp "hiệu" thì đắt quá. Xe "thường" rẻ hơn nhưng chất lượng không cao, mau cũ, dễ hư" - anh Nguyễn Văn Công, ở Q.1, TP.HCM, cho biết. Chính vì vậy mà anh chọn mua xe đạp "nghĩa địa" có xuất xứ từ Nhật với giá hơn 1 triệu đồng. Cũng như anh Công, có rất nhiều người chuộng loại xe lậu vì có khá nhiều ưu điểm: trọng lượng nhẹ, bền chắc, nước sơn đẹp...Theo những người mua xe đạp lậu, họ không gặp trở ngại nào khi mua xe này. Nhiều người cho hay sở dĩ đi xe đạp đột nhiên "được mùa" là do giá xăng tăng cao. Sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại (tất nhiên là ở cự ly gần) cho tiết kiệm chi phí chi tiêu. Theo lời mách nước của những"thổ địa" ở huyện Châu Thành (Tây Ninh), chúng tôi quyết định "xuất ngoại chui" sang chợ huyện Rômê Hét, tỉnh Svây Riêng (Campuchia) để "mua xe đạp Nhật". Từ biên giới, mất khoảng 45 phút để lội ruộng bằng xe gắn máy, băng qua nhiều phum sóc chúng tôi đến chợ huyện Rômê Hét (người Việt gọi là chợ Cây Dầu). Chợ chỉ lớn ngang cỡ một chợ xã ở Việt Nam, nhưng có đến gần cả chục cửa hàng "chuyên doanh" xe đạp "nghĩa địa". Một chủ cửa hàng người Việt gốc Hoa cho biết, xe "nghĩa địa" được đưa từ Nhật về Campuchia. "Ba cái đồ này ở Nhật người ta bỏ không xài nữa, mình đem về tân trang lại, cái nào xài được thì xài, cái nào hư thì sửa. Cũ nhưng bền lắm", bà Ba On, chủ cửa hàng xe đạp lớn nhất chợ Cây Dầu, nói. Ở đây cách buôn bán khá lạ. Khách cứ việc chọn thoải mái cho đến khi "nghía" được một chiếc vừa ý thì ngã giá (nhưng số tiền mà người bán "hồi quả" thường không quá 5.000 ria, tương đương 20.000 VNĐ). Khách muốn đổi phụ tùng nào có cùng giá hoặc cao thấp hơn một chút đỉnh trong đám xe nát dựng tại cửa hàng thì cứ việc bảo thợ tháo ra, lắp vào. "Sao ở đây họ buôn bán dễ chịu quá vậy?", tôi hỏi người dẫn đường. "Thổ địa" này tủm tỉm cười: "Không phải đâu, chẳng qua là do mình thích cái này hơn cái kia rồi chọn lựa thay đổi chứ chất lượng thì như nhau thôi. Những món đồ "zin", có giá trị thì họ đã tháo ra, cất riêng để bán đồ món". Như để chứng minh điều vừa nói, người dẫn đường bảo bà Ba: "Lấy cho tôi cây đèn cảm ứng và cái chuông xịn". Lập tức, bà chủ ra phía sau, lui cui lục tìm chừng 2 phút rồi mang ra...một rổ đèn và mấy cái chuông xe đạp. "Chuông giá 2.500 ria một cái, đèn thường 10.000 ria, đèn cảm ứng 20.000 ria" - bà nói. Muôn màu "chẻ" xe Bà Ba On cho biết, xe đạp ở chợ Cây Dầu được "nhập" chủ yếu từ các tỉnh như: Svây Riêng, Kông-pông Chàm, Siêm Riệp, thủ đô Phnôm-pênh...Xe "nghĩa địa" được "nhập tiểu ngạch" vào Việt Nam qua một số xã thuộc các huyện biên giới của Tây Ninh như Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành...Trong đó, nhiều nhất là Châu Thành và Bến Cầu. Và hầu hết là xe "bình dân", có giá khá bèo, cao nhất cũng chỉ khoảng hơn một triệu đồng. "Còn khách Sài Gòn thì qua đặt hẳn một hai lô hàng rồi mang ngược về hướng chợ Bàu Quách (BaVet, gần cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Tây Ninh), mỗi chuyến kiếm cũng khá" - bà On bật mí. Điều này được một người "hiểu biết" mua bán xe "nghĩa địa" ở huyện Bến Cầu khẳng định: "Xe "nghĩa địa" về Việt Nam qua ngõ Mộc Bài thì phong phú hơn khu vực Châu Thành với đủ chủng loại: xe địa hình, xe đua, xe sườn nhôm, xe sườn inox, xe chạy bằng lab, xe điện...Có xe giá chỉ tầm 600.000 đồng nhưng cũng có những chiếc lên đến 3 triệu đồng". Trong lúc chờ thợ ráp xe cho người dẫn đường, chúng tôi tranh thủ "khai thác" bà Ba On về việc làm thế nào đưa xe về Việt Nam cho "an toàn". Bà Ba cho biết nếu không rành đường đi nước bước thì cứ qua chợ Cây Dầu chọn xe xong thì bà sẽ "nhờ" người chẻ về xã Biên Giới (huyện Châu Thành) với giá 40.000 đồng/ chiếc. "Bảo đảm là sẽ đưa xe về tới bển cho cậu", bà Ba quả quyết. Khoảng 15h30 phút, người dẫn đường chất chiếc xe đạp vừa mua với giá 650.000 VNĐ lên xe gắn máy khởi hành về hướng Tây Ninh. Vừa đi, ông này vừa bảo: "Chẻ xe đạp không có gì khó, xe gắn máy còn "chẻ" được huống gì...". Khi vừa qua khỏi khu vực chợ Cây Dầu, còn cách ấp Tân Định của xã Biên Giới (Châu Thành) chừng hơn 2 km đường đất, người dẫn đường cho biết phía trước có 4 "trạm gác" của lính Campuchia. Nếu không quen biết thì phải "đóng thuế" mỗi trạm khoảng 10.000 đồng VNĐ. Nhưng tôi có cách khác, chỉ tốn bằng một phần tư", ông vừa nói vừa dẫn xe vào nhà một người dân gần đó "gửi". Chúng tôi đi xe gắn máy về xã Biên Giới, chờ trong một quán nước khoảng 20 phút thì một thanh niên người Campuchia "chẻ" chiếc xe đạp vừa mua về tới. Mua cỡ nào cũng có Chúng tôi rảo một vòng quanh chợ Hòa Bình (huyện Châu Thành), sau một hồi thăm hỏi, chúng tôi tìm đến 2 cửa hàng xe đạp "nghĩa địa" núp dưới "chiêu bài" tiệm sửa xe đạp nghèo nàn. Ngoài vài chiếc "xe đạp Việt Nam" cũ, "gia tài" trong các cửa hàng chỉ có vài chiếc xe "nghĩa địa". Thấy chúng tôi chê xe không đẹp người bán bảo: "Nếu cần xe xịn thì cứ đặt hàng. Một người quen của tôi ở Bến Cầu vừa bị bắt mấy chục chiếc, tôi không dám trữ nhiều. Tôi còn gởi ở nhà người quen quanh đây gần chục chiếc nhưng cũng cỡ này thôi". Đến một cửa hàng khác ở xã Long Thuận (huyện Bến Cầu), ngoài mặt tiền cửa hàng bày 5 chiếc xe "nghĩa địa" khá cũ. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu được xem xe "khá" hơn, bà chủ cửa hàng lập tức sai người dẫn về 4 chiếc xe còn khá tốt với giá từ một triệu đồng trở lên. Thì ra, họ gởi xe để tránh bị ngành chức năng phát hiện, thu giữ. "Hàng" sắp hết. Khoảng 3 ngày nữa ghé lại muốn xe "cỡ nào cũng có. Chồng tôi vừa đi Phnôm-pênh "lấy hàng", bà chủ cửa hàng cho biết. Ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết: "Việc mua bán, vận chuyển xe đạp lậu đã gần như không còn trong khoảng ba năm qua. Tuy nhiên, gần đây, hoạt động này có dấu hiệu tăng trở lại. Khi phát hiện, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về kinh doanh hàng nhập khẩu trái phép..." Theo ông Phong, hành vi mua bán, vận chuyển xe đạp từ Campuchia vào Việt Nam là trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh xe đạp của doanh nghiệp trong nước. Theo Hiền Như

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/kinhte/398561/index.html