Sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, công nghiệp sao đạt tăng trưởng 10%?

Năm 2016, xu thế hội nhập sẽ tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt đặc biệt đối với các ngành công nghiệp cơ bản.

Trong năm 2015, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng khá ấn tượng (với mức tăng 9,64%) góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP ở mức 6,68% so với năm trước, xác lập vị trí đi đầu trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế. Vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 là tăng 6,7% so với năm 2015, tương ứng khu vực công nghiệp - xây dựng phải tăng khoảng 10%.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với cùng thời điểm năm 2015.

Bộ Công Thương nhận định, sản xuất công nghiệp tháng đầu năm duy trì ổn định và có tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn thấp. (Ảnh: KT)

Cùng với đó, năm 2016, khi hợp tác thuế quan ưu đãi trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực, cùng với đó là rất nhiều các cam kết thương mại tự do (FTA) được thực thi, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được miễn giảm thuế đến 0%, sẽ tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn, rất cần những chính sách mạnh mẽ hơn để các ngành công nghiệp cơ bản phát triển bền vững.

Đã có rất nhiều giải pháp được các doanh nghiệp thực hiện, trong đó, quản trị doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất cho hiệu quả rõ rệt. Ông Vũ Ngọc Quý - PGD Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai (Vimico) cho biết, trước tình hình biến động rất xấu của giá cả thị trường, công ty đã phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc trao đổi, đối thoại đối với người lao động để chia sẻ với lãnh đạo công ty trong quá trình hoạt động sản xuất. Song song với đó, công ty cũng đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp điều hành và quản trị chi phí để giảm giá thành sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong khi đó, thời gian qua sản xuất công nghiệp mới tăng cao ở một số nhóm ngành có vốn đầu tư nước ngoài; Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thừa nhận, trình độ công nghệ của ngành công nghiệp nước ta còn lạc hậu, kể cả so với các nước trong khu vực, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn thấp.

“Có những sản phẩm công nghiệp trên thực tế vượt quá trình độ phát triển của chúng ta hiện nay. Điều này tạo áp lực cho ngành công nghiệp trong nước khi vừa phải lựa chọn sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nhưng cũng phải tính đến khả năng có thể làm được. Đặc biệt, những sản phẩm công nghệ rất cao trên thế giới cũng chỉ có một số ít hãng như của G7, hay EU, Hoa Kỳ mới có điều kiện để sản xuất, ví dụ như Tua bin máy phát nếu muốn chế tạo trong giai đoạn hiện nay sẽ là quá xa tầm với của ngành công nghiệp chế tạo.

“Để làm được những sản phẩm như vậy, nền tảng hạ tầng của công nghiệp Việt Nam phải đủ vững chắc, ví dụ như công nghệ vật liệu, về thiết kế, chế tạo cơ bản, đặc biệt là ngành công nghệ vật liệu của chúng ta hiện nay còn rất nhiều hạn chế”, ông Hoài cho biết.

Trong một cuộc họp gần đây, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nêu rõ thực tế: Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp vẫn còn chậm và chưa bền vững. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành công nghiệp vẫn chậm, khả năng cạnh tranh hạn chế. Sản xuất công nghiệp chưa tham gia sâu, rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

“Đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong đó có các sản phẩm điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử… mặc dù có sự tăng trưởng và tăng trưởng liên tục trong thời gian vừa qua, nhưng chúng ta chưa hàm nghĩa đến sự phát triển bền vững. Phát triển bền vững còn chứa đựng rất nhiều yếu tố của kết cấu sản xuất cũng như các khía cạnh của giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ và năng suất lao động… Chưa kể đến chúng ta còn phải khẳng định yếu tố bền vững trong việc tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu mà chúng ta còn yếu và chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có được sản phẩm có được thị phần và có được vai trò bền vững trong ngành công nghiệp ở Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Ngành công nghiệp bước vào năm 2016 với rất nhiều khó khăn tồn tại đó cộng với những thách thức của hội nhập rộng và sâu bởi các cam kết quốc tế. Để đạt được tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 13%, trong năm 2016 này, cơ quan quản lý nhà nước đang đặt mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩm và thực hiện các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/san-pham-thieu-suc-canh-tranh-cong-nghiep-sao-dat-tang-truong-10-476028.vov