Sản phẩm du lịch Đền Hùng

Là đất cội nguồn của dân tộc, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ chứa đựng kho tàng truyền thuyết, huyền thoại, các lễ hội đình đám, trong đó di sản hát Xoan đã hoàn thiện hồ sơ trình Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Các di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể của vùng đất phát tích, thực sự là nguồn tiềm năng để chế biến các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo hết sức hấp dẫn.

Tuy nhiên thực tế nguồn tiềm năng dồi dào này trong những năm qua lại chưa được khai thác chế biến để có được những sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ nhu cầu con người. Chúng ta biết rằng, văn hóa tồn tại ở 2 dạng vật thể và phi vật thể, từ đó mà chế biến ra 2 dạng sản phẩm du lịch văn hóa. Sức hấp dẫn của một điểm du lịch chỉ có được khi khai thác đồng thời cả hai sản phẩm này. Văn hóa vật thể đó là những cái người ta có thể cầm nắm để cảm nhận song với văn hóa phi vật thể thì lại hoàn toàn khác. Chế biến văn hóa phi vật thể thành sản phẩm hàng hóa là điều không đơn giản, bởi đây là sản phẩm đặc biệt, người mua không thể cầm nắm được mà chỉ thông qua sự cảm nhận của mình. Do đó sản phẩm cũng phải phù hợp với nhận thức và tri thức của từng đối tượng khách. Hiện nay đời sống ngày càng phát triển thì du lịch văn hóa để được thẩm nhận giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, tắm mình trong các lễ hội truyền thống, tìm hiểu các phong tục tập quán, ẩm thực dường như đã trở thành “cầu” thấm sâu trong nội tại của nhiều người. Có thể thấy làn sóng du lịch được khách du lịch tạo ra hướng về các địa phương có tua tuyến điểm du lịch hấp dẫn rất rõ nét. Sức hấp dẫn của tua tuyến điểm du lịch phụ thuộc vào sự độc đáo, đơn nhất, đặc sắc của nó. Thủ đô Hà nội rất nhiều điểm đến, song bao giờ Hồ Gươm, Tháp Rùa, cầu Thê Húc, phố cổ cũng là điểm đến đầu tiên của du khách. Đơn giản chỉ vì nó gắn với sự tích của 1000 năm cố đô Thăng Long do vua Lý Công Uẩn lập nên. Đến với Huế du khách ai chẳng muốn có những giờ phút đi thuyền trên sông Hương thăm phong cảnh sông Hưong, núi Ngự, nghe điệu hò Huế mượt mà lắng đọng. Song Cung điện, lăng tẩm mới là điểm nhấn trong tua du lịch Huế. Tìm hiểu các yếu tố tự nhiên của Đền Hùng gắn với Việt Trì kinh đô Văn Lang, đất cội nguồn, phát tích của dân tộc chứa đựng trong đó huyền thoại và lịch sử về một Nhà nước đầu tiên, kinh đô đầu tiên, mới thấy rằng nền văn hóa văn minh của buổi bình minh dựng nước vừa đơn nhất vừa đặc sắc mà chỉ khai thác riêng một khía cạnh này thôi đã hấp dẫn và thỏa mãn nhu cầu của du khách. Tại Việt Trì- Đền Hùng chúng ta có các địa danh như Tiên Cát, Minh Nông, Dữu Lâu, Lầu Thượng, Lầu Hạ, Mộ Xy, Bảo Đà, Hương Trầm, Thậm Thình, Cẩm Đội của thời Hùng Vương. Mỗi địa danh gợi cho chúng ta nhớ lại những sự tích: Vua Hùng kén rể, dạy dân cấy lúa, vua Hùng đi săn, sự tích bánh trưng bánh dày, tích rước chúa gái về nhà chồng, hội bơi chải trên sông Lô, làn điệu hát Xoan, hát ghẹo. Qua tài liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa thời đại Hùng Vương thì nếu lấy Đền Hùng làm tâm thì trong bán kính 20km có tới 50 làng cổ và vượt ra ngoài phạm vi đó có tới trên 20 làng cổ khác mang những dấu ấn của thời đại Hùng Vương. Các làng cổ chứa đựng trong đó tập quán sinh hoạt cộng đồng, ngành nghề thủ công, đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân Lạc Việt nếu được phục dựng sẽ thu hút được du khách. Việc tái tạo đền đài cung phủ kinh đô cổ thời Hùng Vương sẽ là rất khó vì có ai đã biết được kiểu dáng, hình hài của nó ra sao song quy hoạch các điểm du lịch để có nơi trồng lúa nếp hương làm bánh trưng, bánh dày, có cánh đồng vua Hùng dạy dân cấy lúa, nơi vua Hùng luyện tập quân sỹ cưỡi ngựa, bắn cung, bến sông diễn tích bơi chải, diễn trò bách nghệ khôi hài, chơi chọi gà...tin chắc các điểm du lịch đó sẽ cuốn hút du khách thêm nhiều ngày lưu lại đất Tổ. Phú Thọ có khu di tích Làng Cả (Việt Trì) với những hiện vật khảo cổ minh chứng về thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử. Vì thế khu di tích này có giá trị độc nhất vô nhị cần phải được nâng tầm trở thành điểm nhấn của tua du lịch Việt Trì - Đền Hùng. Thật mừng là dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tại Việt Trì, nhà bảo tàng nhằm lưu giữ và trưng bày các hiện vật lịch sử của thời đại Hùng Vương đã được xây dựng đưa vào sử dụng phục vụ du khách. Ngoài trưng bày các hiện vật lịch sử, tại bảo tàng cần có sa bàn các địa danh cổ xưa, văn hóa sinh hoạt cộng đồng qua các thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước của các địa phương trong tỉnh và cả nước, qua đó làm nổi bật bản sắc con người và thiên nhiên vùng đất Tổ. Tại khu di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng cần phải được xây dựng thành một lãnh địa hành hương và du lịch thường nhật. Khu vực coi là lãnh địa hành hương ở Đền Hùng (núi Nghĩa Lĩnh) có các di tích đền chùa, tuy không quá đồ sộ, không quá cầu kỳ về kiến trúc, song đó lại là những giá trị đích thực chính là khu vực cần được bảo tồn nghiêm ngặt Tại đây cần hết sức tránh hiện đại hóa di tích, chạy theo thị hiếu của du khách. Hiện đại hóa di tích, trái nguyên tắc bảo tồn, sẽ làm mất đi giá trị đích thực của di tích, không bao giờ có thể lấy lại được. Ngoài khu bảo tồn nghiêm ngặt nên quy hoạch khu du lịch đa năng nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, đến với thiên nhiên xanh, ẩm thực của du khách. Đầu tư tạo cho cảnh sắc thêm sinh động, hấp dẫn, nhiều loại hình sản phảm vừa nuôi sống được các hoạt động của nó, lại vừa phục vụ được ý nguyện của con người, thỏa mãn được nhu cầu tinh thần của họ trong hành trình về nơi cội nguồn văn hóa dân tộc. Cần tổ chức một hệ thống dịch vụ du lịch văn hóa độc đáo, tái tạo lễ nghi, phong tục thời Hùng Vương. Ẩm thực và quà lưu niệm cho du khách trong hành trình về Đền Hùng là gì? Bây giờ chúng ta đã có thứ gạo nếp gà gáy (Yên Lập) là thứ gạo ngon, đặc sản. Tuy nhiên giống gạo ngon này chưa nhiều, chưa mang tính sản xuất hàng hóa. Cần lai tạo để có thêm các giống gạo ngon khác cung cấp cho thị trường Đền Hùng làm quà cho du khách. Đền Hùng hiện đang được trồng nhiều cây xanh, song hiện mới chỉ quan tâm trồng cây hoa, cây lấy gỗ bản địa mà hiếm có các loại cây ăn quả. Nên chăng quy hoạch tập trung trồng các đồi cây ăn quả quý đặc trưng vùng Trung du miền núi. Lựa chọn, lai tạo những giống cây cho quả ngon như cây mít, sấu, trám đen, trám trắng, sồi... là những cây bản địa hợp thổ nhưỡng tại đây vừa làm phong phú hệ sinh thái, vừa cho quả làm quà quý cho du khách, lâu dài lấy gỗ phục vụ tôn tạo tu bổ di tích. Các xã khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn có giống gà nhiều cựa, là giống gà quý trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Giống gà này cần lai tạo phát triển thành hàng hóa để chế biến trở thanh món ăn đặc sản... Phú Thọ chiếc nôi của người Lạc Việt, là nơi ra đời nhà nước đầu tiên, kinh đô đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các địa phương trong tỉnh Phú Thọ chứa đựng kho tàng truyền thuyết, huyền thoại, các lễ hội đình đám, các di tích lịch sử văn hóa của vùng đất phát tích. Trong đó Đền Hùng và vùng phụ cận được coi là đất thiêng chứa đựng hàm lượng văn hóa độc nhất vô nhị. Tầm vóc của khu di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng và vùng phụ cận có đủ các điều kiện cần và đủ để quy hoạch xây dựng thành khu du lịch đa năng làm tăng sức hấp dẫn của tua du lịch văn hóa về với cội nguồn. Để phát triển hoạt động du lịch, khai thác tốt hơn những tiềm năng, cần tập trung khảo sát các tuyến điểm du lịch tại những địa phương có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa được khai thác tương xứng để xây dựng các tua, tuyến, điểm du lịch mới, các sản phẩm du lịch mới. Tăng cường quảng bá giới thiệu rộng rãi hơn với đối tác trong nước và nước ngoài các dự án đầu tư tại công viên Văn Lang; nước khoáng nóng Thanh Thủy, hồ Ao Châu (Hạ Hòa)... Việc tạo ra các sản phẩm du lịch cần phải có sự phối hợp của các ngành, các địa phương và nhân dân. Như vậy chúng ta không chỉ thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, mà qua đó còn tạo ra được đa dạng các sản phẩm tinh, mang nét độc đáo, hấp dẫn khách du lịch về với quê hương đất Tô.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=20&itemid=9680