Săn đồ mỹ nghệ “thủy tùng”

QĐND Online - Thời gan gần đây, do sự đồn thổi về “tác dụng chữc bệnh của gỗ “thủy tùng” mà nhiều người đổ xô tới Đắc Lắc để săn lùng mua đồ mỹ nghệ như độc bình, lục bình, bình hoa, tượng Di-lặc, bộ Tam đa, cóc vàng... được chế tác từ gỗ thủy tùng. Thị hiếu này đã làm “nóng” thêm nạn khai thác, trục vớt trái phép gỗ thủy tùng ở các huyện Ea H’leo và Krông Năng (Đắc Lắc) và đe dọa đến sự an toàn của hai khu bảo tồn thủy tùng còn lại cuối cùng ở Việt Nam tại xã Ea Ral, huyện Ea Hleo và xã Trấp Ksơr, huyện Krông Năn, nếu không ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả, thì thủy tùng-loại cây quý hiếm sẽ bị tuyệt chủng.

Thủy tùng (hay còn gọi là thông nước) là loại cây gỗ có thân to, cây trưởng thành cao hơn 20 m, đường kính gốc có thể lên tới hơn 1m, vân gỗ đẹp, gỗ có mùi thơm nên thường được dùng chế tác đồ mỹ nghệ. Thủy tùng có giá trị kinh tế và khoa học, có tên trong Sách đỏ Việt Nam, được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, là một trong 10 loài thông được ưu tiên bảo tồn. Nghị định 32/2006/NĐ-CP về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, thủy tùng được xếp vào nhóm Ia, nghiêm cấm chế biến kinh doanh vì mục đích thương mại. Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố thủy tùng là một trong những loài cây bị săn lùng ráo riết nhất. Ở nước ta, Đắc Lắc là tỉnh duy nhất còn lại hai khu bảo tồn thủy tùng. Theo điều tra mới đây của Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc về thủy tùng, cho thấy: Tại huyện Ea H’Leo còn khoảng 200 cây và tại huyện Krông Năng còn 30 cây. Tại khu bảo tồn Ea Ral, tỉnh Đắc Lắc đã cho thành lập Trạm Quản lý bảo vệ cây thủy tùng Ea Ral; còn tại huyện Krông Năng, ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương thực hiện khá nghiêm ngặt công tác bảo tồn, thậm chí phải thuê cả hộ dân gần khu vực có thủy tùng, tham gia bảo vệ từng cá thể thủy tùng, nhưng thủy tùng vẫn bị đốn hạ trái phép. Từ đầu năm đến nay, riêng ở Ea H’Leo đã có 4 cây bị lâm tặc khai thác trộm. Hàng chục m3 gỗ thủy tùng khai thác trái phép đã bị lực lượng Kiểm lâm bắt giữ, nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính, thậm chí có những đối tượng bị truy tố hình sự về hành vi khai thác trái phép thủy tùng, vậy mà xem ra những cây thủy tùng cuối cùng ở Đắc Lắc vẫn chưa thực sự an toàn. Ngay tại thành phố Buôn Ma Thuột, cũng không mấy khó khăn để tìm một địa chỉ chế tác, bán đồ mỹ nghệ được làm từ gỗ thủy tùng. Còn tại các huyện như Krông Búc, Krông Năng và Ea H’leo, thì gỗ thủy tùng được chất đống trong khá nhiều nhà dân; hoạt động của các cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ từ thủy tùng cũng khá công khai. Tiếp cận một vài cơ sở bán gỗ thủy tùng và chế tác lục bình, độc bình, tượng Di-lặc…bằng gỗ thủy tùng ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, chúng tôi nhận thấy những sản phẩm được làm từ cây gỗ quý hiếm này có giá khá cao: 1 cặp lục bình cao 30-40 cm, đường kính 15-20 cm có giá từ 1-2 triệu đồng; 1 tượng phật Di-lặc cao 1,4 m có giá 40 triệu đồng; tượng cao 50 cm có giá 5-7 triệu đồng; bộ Tam đa (Phúc-Lộc-Thọ) cao khoảng 40 cm có giá cả chục triệu đồng; một khúc gỗ cành thủy tùng đường kính 10 cm, dài 30-40 cm cũng có giá vài trăm nghìn đồng. Giá cả mặt hàng mỹ nghệ từ gỗ thủy tùng còn tùy thuộc vào tay nghề của thợ chế tác và gỗ thủy tùng đã ngâm nước lâu ngày hay mới được khai thác. Một tay “sành điệu” thú chơi gỗ thủy tùng ở Đắc Lắc giới thiệu: “Nếu là gỗ thủy tùng đã ngâm nước lâu ngày thường có màu xanh đen, vân gỗ nổi rõ rất đẹp giá cao; còn gỗ thủy tùng tươi, mới khai thác thì có màu vàng và vân mờ nhạt hơn, vì vậy giá sẽ rẻ hơn”. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào những năm 1980 khi tỉnh Đắc Lắc đầu tư xây dựng hồ thủy lợi Ea Ral, một khối lượng lớn thủy tùng bị chặt hạ. Thời điểm đó, người ta chưa để ý đến việc khai thác gỗ thủy tùng, thủy tùng cũng chưa có giá, nên đa số người dân trong vùng chỉ sử dụng gỗ thủy tùng làm củi. Vì vậy hiện còn khá nhiều gỗ thủy tùng ngâm dưới lòng hồ Ea Ral. Khoảng 1 năm trở lại đây, khi nạn săn lùng thủy tùng nóng bỏng, nhiều người dân địa phương đã đổ xô về hồ Ea Ral để trục vớt gỗ thủy tùng bán. Kiểm lâm và chính quyền địa phương đã tổ chức ngăn chặn nhưng công việc này rất khó khăn và tốn công, tốn của mà gỗ thủy tùng vẫn tiếp tục bị trục vớt. Nên chăng, với những cây gỗ đã bị chặt hạ trước đó, tỉnh Đắc Lắc cần cho phép tận thu và bán đấu giá. Như vậy vừa tăng thêm khoản thu, lại tránh thất thoát một khối lượng lớn gỗ quý hiếm. Bên cạnh đó, trước tình trạng mua bán, chế tác và buôn bán đồ mỹ nghệ được làm từ cây thủy tùng đang khá rầm rộ như hiện nay chính quyền địa phương và ngành chức năng ở Đắc Lắc cũng cần có biện pháp ngăn chặn. Bản thân những người có thú chơi đồ mỹ nghệ bằng gỗ thủy tùng cũng nên hiểu rõ gỗ thủy tùng thực sự quý hiếm bởi cá thể thủy tùng còn quá ít ỏi, chứ nó không hề có tác dụng chữa bệnh như một thứ “thần dược” mà người ta đang đồn thổi. Bài và ảnh: Bình Định

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/57/57/122996/Default.aspx