Sách vẫn 'ngủ' trong thư viện

Thư viện cần tự đổi mới mình, tích cực tìm kiếm độc giả là một trong những nội dung được đông đảo các đại biểu thảo luận tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện do Bộ VHTT&DL tổ chức, ngày 1/12 tại Hà Nội.

Nâng cao văn hóa đọc không chỉ trông chờ vào Thư viện. Ảnh: TL.

Theo Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL), hiện cả nước có 659 thư viện cấp huyện. Cùng với đó, thư viện các cơ sở đại học và phổ thông cũng được phát triển, cả nước có khoảng 400 thư viện đại học, cao đẳng và 24.746 thư viện trường phổ thông. Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thư viện cho biết, tính đến tháng 12-2014, có hơn 37 triệu bản sách, 9.000 tên báo, tạp chí. Mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng được bổ sung mới khoảng hơn 700.000 bản… Ngoài việc đầu tư cho hệ thống thư viện từ tiền ngân sách Nhà nước, nhiều dự án hợp tác nước ngoài cũng được triển khai để nâng cao năng lực cho hệ thống thư viện trong nước...

Dẫu vậy, theo bà Ngà, mạng lưới thư viện đã phát triển rộng khắp, nhưng chưa phát huy được vai trò, chất lượng; hiệu quả hoạt động còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Sự chênh lệch về mức độ phát triển của các thư viện thành phố và nông thôn, vùng đồng bằng với miền núi còn cao. Ông Nguyễn Xuân Thanh - Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hóa đề nghị, để hoạt động của hệ thống thư viện cấp huyện thực sự có hiệu quả, việc quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi hoạt động hiện nay của các thư viện. Đó là việc chủ động tìm kiếm bạn đọc, thay vì trông chờ bạn đọc tìm đến như trước đây. Thực chất, đây cũng là những mong muốn “đánh thức” những cuốn sách đang còn ngủ vùi trong thư viện.

Nhưng đánh thức bằng cách nào, thì những giải pháp đưa ra lại đang chồng chéo nhau. Đơn cử như cách đây ít lâu, Vụ Thư viện cũng đã tổ chức một hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030”. Nhưng những chỉ tiêu và kỳ vọng đưa ra khiến người ta cảm thấy băn khoăn hơn là vui mừng.

Cụ thể, đề án hướng tới mục tiêu chung là phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nhằm hình thành thói quen và phát triển nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào đọc trong xã hội, xây dựng thế hệ đọc tương lai, chú trọng tầng lớp thanh, thiếu niên. Trong đó, mục tiêu đặt ra cho năm 2020 gồm: 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại, có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện; 50% thư viện cấp huyện có trụ sở độc lập, có kinh phí đảm bảo cho hoạt động; 30% xã có thư viện cấp xã với vốn tài liệu phong phú; 30% thôn, bản có phòng đọc sách của cộng đồng để việc luôn chuyển sách và sử dụng sách hiệu quả…

Được biết, số tiền dự kiến để thực hiện đề án này vào khoảng 230 tỉ đồng. Với những hoạt động như: tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa việc đọc sách; cung cấp tài liệu hướng dẫn phương pháp đọc sách, khai thác thông tin cho giáo viên, cán bộ thư viện; xây dựng bộ sưu tập số quốc gia và sách số cho nông thôn...

Trong tổng tiền đầu tư 230 tỉ đồng cho 5 năm đầu tiên thực hiện, có một khoản chi quan trọng, dành ngân sách 60 tỉ đồng cho thư viện huyện nông thôn và miền núi. Song có một thực tế là lâu nay số sách in ra hàng năm chỉ nằm chủ yếu ở các đô thị lớn, còn vùng sâu vùng xa vẫn khan hiếm các ấn phẩm. Hơn thế, sách được trang bị cho các thư viện lâu nay không thiếu, nhưng vì nhiều lý do, mà nó không thể đến được với độc giả. Nên lâu lâu lại thấy các thư viện có những đợt thanh lý lớn - để đón những đợt sách mới. Do đó, người ta cũng rất băn khoăn: liệu 60 tỉ đồng có góp phần tạo ra động lực mới cho văn hóa đọc ở nông thôn hay không? (bởi chắc chắn sẽ có một phần không nhỏ trong số đó chi vào việc xây dựng thư viện, cơ sở trang thiết bị vật chất…)

Ai cũng hiểu, việc nâng cao văn hóa đọc không chỉ là công việc của ngành văn hóa, của Vụ Thư viện mà nó cần sự lan tỏa từ cộng đồng, trong cộng đồng. Rằng thời gian 5, 10, 15 năm để khơi dậy văn hóa đọc, khơi dậy tình yêu với sách không thể nói là dài hay ngắn. Nhưng nếu chỉ bàn đến việc đầu tư cho cái vỏ của thư viện hoành tráng mà bất cần biết sách có đến tay bạn đọc hay không… thì những nỗ lực Nâng cao hiệu quả hoạt động của Thư viện vẫn chỉ là hô hào trên giấy.

Minh Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/sach-van-ngu-trong-thu-vien/77805