SGK “made in VN ” đầu tiên về Saxophone

VH- NXB Âm nhạc vừa trình làng cuốn sách Phương pháp học Saxophone. Đây được xem là cuốn sách giáo khoa (SGK) “made in VN” đầu tiên dành cho Saxophone. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ - giảng viên Saxophone Phan Anh Dũng, tác giả cuốn sách.

Phương pháp học Saxophone được xem là cuốn SGK đầu tiên cho Saxophone của VN. Vậy từ trước tới nay chúng ta học và giảng dạy Saxophone bằng sách giáo khoa gì? - Nghệ sĩ, giảng viên Phan Anh Dũng: Theo tôi được biết thì từ trước tới nay chưa có cuốn SGK nào giảng dạy Saxophone bằng tiếng Việt dành cho người VN. Trước đây tôi và các đồng nghiệp khi giảng dạy bộ môn kèn Saxophone tại các trường nghệ thuật đều sử dụng SGK của nước ngoài để giảng dạy. Ý tưởng biên soạn cuốn Phương pháp học Saxophone của anh bắt đầu từ lúc nào? - Trong nhiều năm giảng dạy bộ môn kèn Saxophone tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội tôi nhận thấy nhiều điểm các SGK dạy Saxophone của nước ngoài chưa phù hợp với người Việt. Do vậy tôi quyết định bắt tay vào biên soạn bộ SGK này từ năm 2004 đến năm 2010. Vừa qua, sách đã được NXB Âm nhạc phát hành. Đến khi cuốn SGK này được phát hành thì tôi mới thấy được nhu cầu của người Việt chơi Saxophone là khá đông, cuốn SGK này đã được nhiều người chơi Saxophone trong nước và người Việt định cư tại các nước Đức, Mỹ, Úc, Nhật... sử dụng. Biên soạn một cuốn sách giáo khoa cho một nhạc cụ là việc không đơn giản, huống hồ đây là cuốn SGK đầu tiên về Saxophone ở VN. Tại sao anh không tập hợp, kêu gọi sự tham gia của nhiều giảng viên, nghệ sĩ khác mà thực hiện cuốn sách này một mình? - Có chứ, khi biên soạn tôi cũng có tham khảo ý kiến của những người đã từng viết SGK cho các nhạc cụ khác như NS Tạ Tấn… Thực tế là số lượng giảng viên dạy bộ môn kèn Saxophone chính quy chỉ có vài người nên việc kêu gọi mọi người cùng biên soạn không phải đơn giản. Khó khăn lớn nhất trong khi biên soạn SGK là từ trước tới nay chưa có cuốn SGK nào dành cho người Việt để tham khảo, do vậy tốn khá nhiều thời gian. Nhiều lúc tôi cũng thấy nản, như khi đã hoàn thành tập 1 tôi ngồi nhẩm tính mất tới gần 4 năm để hoàn thành một tập sách dày gần 150 trang. Bởi lẽ khi viết xong đưa ra để giảng dạy có nhiều điểm chưa hợp lý lại phải chỉnh sửa nhiều lần. Đôi lúc tự đặt ra tình huống mình là người đi học Saxophone để đặt ra những câu hỏi và tìm ra những câu trả lời vừa ngắn gọn lại dễ hiểu. Tôi cũng có cái may mắn là chơi thành thạo vài nhạc cụ như: Violon, kèn Clarinet… do vậy việc tham khảo thêm các SGK của các nhạc cụ khác cũng giúp tôi vững tin trong khi biên soạn. Saxophone là một cây kèn phương Tây mới du nhập vào VN. Để Việt hóa những bản nhạc, kỹ thuật... anh triển khai như thế nào? Có những bản nhạc, bài hát VN nào được đưa vào trong cuốn sách này? - Về phần kỹ thuật của Saxophone thì không thể Việt hóa được bởi lẽ âm nhạc có những ngôn ngữ chung. Tôi chỉ “Việt hóa” cách gọi của một vài bộ phận của cây kèn Saxophone cho đơn giản, dễ hiểu. Biên soạn SGK dành cho người Việt chắc chắn là phải có những bản nhạc Việt. Những bản nhạc Việt được tôi đưa vào SGK như: Bèo dạt mây trôi, Xe chỉ luồn kim, Làng tôi, Diễm xưa… xen kẽ với những bản nhạc quốc tế nhằm làm cho người mới tập Saxophone không bị nhàm chán, lạ lẫm. Nói cho cùng sách cũng là một thứ hàng hóa để bán. Liệu tập sách sẽ được thị trường đón nhận? Các phương án phát hành tập sách của anh như thế nào? Có thể đưa cuốn sách vào làm tài liệu giảng dạy ở các trường VHNT không? - Tôi biên soạn bộ sách này trước hết để từng bước hoàn thiện kỹ năng giảng dạy của tôi. Đồng thời qua cuốn SGK này tôi sẽ kết bạn được với nhiều người chơi Saxophone. Tính đến nay cuốn SGK này đã bán được trên 400 cuốn. Tôi đã sử dụng cuốn sách này dạy các học sinh của tôi tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội từ năm 2008. Vài vị giáo viên âm nhạc của các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cũng đang sử dụng cuốn sách này để giảng dạy. Ngay cả những cuốn SGK khoa học cơ bản cũng phải sửa chữa, chỉnh lý nhiều lần. Sau khi hoàn thành tập sách này, anh thấy cần phải bổ sung như thế nào? Nên tiếp tục ra sao để có giáo trình Saxophone “made in VN” hoàn chỉnh? - Hiện tại tôi cũng đang chỉnh lý để tái bản cuốn sách này và in tiếp tập 2 vào dịp cuối năm. Cuốn sách đã được nhận Giải thưởng Âm nhạc năm 2010 do Hội Nhạc sĩ VN trao tặng hồi đầu năm 2011. Đây cũng là sự động viên để tôi tiếp tục biên soạn tiếp cuốn Nâng cao kỹ thuật Saxophone. Việc chỉnh sửa, bổ sung nội dung cho SGK mỗi lần tái bản là rất cần thiết bởi lẽ cứ sau 10 năm thì tư duy âm nhạc đã có chuyển khác. Nhưng đó là việc tương lai, bởi tạo dựng giáo trình hay Việt hóa sách giáo khoa cho Saxophone là công việc lâu dài, không dễ ngày một ngày hai. PHÚC NGHỆ (thực hiện)

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/38297.vho