SDR sẽ thay thế USD?

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại London (Anh) hôm 2/4, Nga tỏ ý muốn khởi động thảo luận vấn đề cải cách hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế ngay tại hội nghị và đề xuất một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới thay thế đồng USD. Đề xuất này đã được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Venezuela... Chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chuyển sang dùng đồng tiền SDR thay vì lệ thuộc vào USD. Tuy vậy, đề nghị này chưa được thị trường tiền tệ thế giới chú ý.

SDR sẽ thay thế USD? Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại London (Anh) hôm 2/4, Nga tỏ ý muốn khởi động thảo luận vấn đề cải cách hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế ngay tại hội nghị và đề xuất một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới thay thế đồng USD. Đề xuất này đã được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Venezuela... Chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chuyển sang dùng đồng tiền SDR thay vì lệ thuộc vào USD. Tuy vậy, đề nghị này chưa được thị trường tiền tệ thế giới chú ý. Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2009 đã được tổ chức tại khu du lịch Bác Ngao của Thành phố Qionghai thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, từ 17 đến 19/4 vừa qua, Trung Quốc lại tiếp tục nhắc lại đề xuất này và đề nghị đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ tính giá trị của đồng SDR. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên lên tiếng đề nghị cộng đồng quốc tế nên tạo cho SDR cơ hội mở rộng tầm quan trọng. Theo ông, việc đem đồng SDR vào sử dụng rộng rãi có thể nới lỏng sự phụ thuộc vào một loại tiền của quốc gia nào đó và biện pháp này sẽ giúp quốc tế thoát khỏi ảnh hưởng từ những chính sách tiền tệ của một nước riêng lẻ. Đồng SDR là tiền của quốc gia nào? SDR (Special Drawing Right) - Quyền rút vốn đặc biệt là đơn vị tiền tệ quy ước của một số nước thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đóng vai trò là một bộ phận trong dự trữ quốc tế của các nước thành viên. SDR được IMF đặt ra năm 1969 theo đề nghị của 10 nước trong Câu lạc bộ Paris gồm Bỉ, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Đức. Đồng tiền này ra đời với mục đích là giảm thiểu những hạn chế trong việc sử dụng đồng đôla và vàng, vốn được là những công cụ thanh toán quốc tế duy nhất. SDR ra đời đã bổ sung vào quỹ dự trữ tiền tệ thế giới, làm cho hoạt động thanh toán quốc tế được thông suốt hơn, đồng thời khiến cho thị trường hối đoái ổn định hơn. SDR ra đời chủ yếu là để chống đỡ cho hệ thống tiền tệ Bretton Woods. Tuy nhiên sau đó, hệ thống này đã sụp đổ và một số đồng tiền mạnh được thả nổi. Thêm vào đó sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn đã tạo thuận lợi cho tín dụng phát triển. Do đó nhu cầu sử dụng đồng SDR cũng giảm xuống. Có thể coi SDR như là một đồng tiền "danh nghĩa" vì nó không có hình dạng vật chất cụ thể, được IMF tạo ra và tồn tại dưới dạng các khoản mục kế toán đặc biệt do quỹ quản lý. SDR được định nghĩa như là một rổ tiền tệ thế giới và được định giá bằng số bình quân gia quyền của các đồng tiền mạnh như đô la Mỹ, Bảng Anh, Euro và Yên Nhật. IMF tiến hành phân bổ đồng SDR cho các nước thành viên đồng thời cũng được chính phủ các nước thành viên hỗ trợ. Giá quy đổi theo đôla của SDR được niêm yết hàng ngày trên website của IMF. Giá này được xác định dựa vào số lượng giao dịch của 4 đồng tiền trên quy đổi ra đôla dựa theo tỷ giá hối đoái niêm yết vào buổi trưa mỗi ngày trên thị trường tiền tệ London. Khi được khai sinh, SDR là tài sản dự trữ có tính chất quốc tế nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia thành viên. SDR có thể được sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa các nước thành viên IMF với quỹ này cũng như trong thanh toán cán cân thương mại giữa các quốc gia. Khi giải ngân, có thể quy đổi ra một loại tiền tệ mạnh nào đó như đôla Mỹ, Euro, Yên Nhật... tùy tình huống. Tuy nhiên nó chỉ là đơn vị quy ước, chỉ được sử dụng để tính toán chứ không thực sự tồn tại trong lưu thông, do vậy người ta không thể tiêu nó như các loại tiền tệ khác. Ngày nay, SDR ít được sử dụng như một tài sản dự trữ, chức năng chính của nó là sử dụng như một tài khoản tại IMF của các nước thành viên và một số tổ chức quốc tế khác. Quốc gia nắm giữ SDR có thể đổi ra các đồng tiền khác theo hai cách: - Thông qua thỏa thuận trao đổi tiền với các nước thành viên khác. - Thông qua một thành viên được chỉ định, có địa vị đối ngoại cao để trao đổi với một thành viên khác có vị thế yếu hơn. Cơ hội cho đồng SDR và nhiều đồng tiền khác Thay đổi trật tự thế giới mới là điều được truyền thông quốc tế nhắc nhiều sau hội nghị G20 họp tại Luân-đôn đầu tháng 4 vừa rồi với sự trở lại của các định chế quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Chỉ vài năm trước từng có ý kiến cho các tổ chức này không còn là cần thiết, thì giờ các nước đều nhanh chóng cam kết đóng góp thêm tiền để củng cố các định chế này. Quyền lực của các nước đang phát triển tại IMF và WB cũng được tăng cường với việc chấm dứt tình trạng chỉ Mỹ và châu Âu luân phiên nắm chức vụ lãnh đạo của hai tổ chức này. Một điểm nhấn đáng chú ý là việc Mỹ đánh mất vị trí chi phối của mình và giờ chỉ còn ở vị trí cường quốc mạnh thay vì một siêu cường đơn độc như trước. Sự xuất hiện của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia cùng tiếng nói ngày càng tăng của Brazil, Nga... cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của các nước đang phát triển. Trong động thái thay đổi trật tự quyền lực, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp 40 tỉ USD trong các khoản vay mới cho IMF trong khi Ả-rập Xê-út cũng cam kết một khoản tiền cho vay lớn. Dù Trung Quốc chưa thể hiện nhiều tại hội nghị lần này nhưng các nước tham gia đều nhìn nhận sự vươn lên của Trung Quốc là thực tế. Trong xu hướng hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã không quá phụ thuộc vào đồng USD trong cơ cấu rổ đồng tiền dự trữ của mình, cơ cấu dự trữ ngoại hối của các nước đã có sự đa dạng hóa với sự góp mặt của một số ngoại tệ khác. Theo số liệu thống kê của IMF, dự trữ bằng đồng USD của các nước trên thế giới có xu hướng giảm dần từ mức 69% vào năm 2002 xuống còn khoảng 63% vào năm 2008 và tăng dần tỷ trọng các đồng tiền khác. Đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu trong tương lai, người ta đưa ra khuyến nghị về cơ cấu 3 trụ cột gồm đô la Mỹ, Euro và Nhân dân tệ. Ba đồng tiền này tạo ra những sự lựa chọn cho các công ty và các quốc gia khi chọn đồng tiền trong hoạt động thanh toán. Bất cứ đồng tiền nào có xu hướng giảm giá, thì các quốc gia sẽ từ bỏ đồng tiền đó. Bất cứ đồng tiền nào thể hiện xu thế tăng giá, thì các quốc gia lại mua vào đồng tiền đó. Với 3 đồng tiền cạnh tranh với nhau và hỗ trợ cho nhau sẽ tạo ra một hệ thống tài chính quốc tế ổn định ở mức tương đối. Nhưng để quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ hãy còn là một chặng đường dài ở phía trước. Đồng nhân dân tệ sẽ không thể trở thành một đồng tiền quốc tế trước khi hình thành một thị trường vốn hoàn thiện và trở thành một đồng tiền chuyển đổi tự do. Đứng trước một thị trường tài chính toàn cầu không ổn định, các quốc gia và các công ty đang tìm cách bảo vệ giá trị đồng tiền. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đề ra một công cụ để bảo toàn giá trị dự trữ bằng cách gắn liền SDR với một rổ tiền. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung quốc Châu Tiểu Xuyên đã đưa ra đề nghị thay thế đồng tiền quốc gia bằng SDR để làm đồng tiền dự trữ quốc tế đã thu hút được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo IMF và có thể được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp thường niên năm nay. Thay vì phải chờ đợi vô thời hạn, các nước Châu Á cần phải đi tiên phong trong hành động. Dựa trên cơ sở sáng kiến Chiềng Mai, trong khi mở rộng quy mô dự trữ của mình, các nước nên thảo luận việc đưa SDR trở thành đồng tiền dự trữ bằng gia quyền GDP của từng nước và neo vào một rổ các đồng tiền quốc tế. Thông qua biện pháp này, việc hợp tác tài chính giữa các nước Châu Á sẽ được thúc đẩy và sẽ đạt được 3 mục tiêu là : - Tăng cường hạn chế rủi ro cho các quốc gia Châu Á; - Đảm bảo sự an toàn về ngoại hối cho các nước Châu Á; - Tăng cường sự hấp dẫn của các nước Châu Á, để thúc đẩy IMF thực hiện thí điểm việc mở rộng sử dụng SDR. Lợi ích của đồng SDR Đưa đồng SDR vào lưu thông không chỉ cung cấp thêm nguồn lực tài chính cho IMF mà còn giúp tổ chức này giải quyết được vấn đề mất cân đối trong tiếng nói và quyền đại diện của các quốc gia đang phát triển trong IMF, nơi mà Hoa Kỳ đang giữ quyền phủ quyết đối với các quyết định lớn và quan trọng. Ông Châu Tiểu Xuyên cũng trình bày một số bước việc mở rộng sử dụng đồng SDR đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dự trữ ngoại tệ của các nước thành viên: - Thiết lập một hệ thống thanh toán giữa đồng SDR và các đồng tiền khác để đồng SDR có thể được chấp nhận rộng rãi trong thương mại toàn cầu và các giao dịch tài chính. Hiện tại, đồng SDR mới chỉ được coi là một đồng tiền danh nghĩa của các chính phủ và các thể chế quốc tế. - Thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng đồng SDR trong thương mại, giá cả hàng hóa, đầu tư và kế toán doanh nghiệp. - Thiết lập bộ tiêu chí để quy đổi các tài sản có giá sang đồng SDR để tăng sức hấp dẫn của đồng tiền này. IMF có thể nghiên cứu để đưa ra các chứng khoán quy đổi dựa trên đồng SDR như là một bước khởi đầu tốt cho kế hoạch mở rộng việc sử dụng đồng tiền này. - Nâng cao hơn nữa việc định giá và lưu thông của đồng SDR. Cần đưa thêm nhiều đồng tiền của các nền kinh tế lớn vào rổ tính giá trị của đồng SDR. Giới phân tích cho rằng việc đề nghị thay thế đồng USD bằng một loại ngoại tệ dự trữ khác đã phản ánh phần nào lo ngại của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ đồng USD sụp đổ trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế. Trong đó, có quan ngại về khả năng thanh toán của Mỹ. Và khi các cỗ máy in tiền của Mỹ phải hoạt động hết công suất thì nguy cơ siêu lạm phát là hoàn toàn có thể xảy ra. Thế giới muốn tìm đồng ngoại tệ dự trữ khác để thay thế, nhằm phá vỡ sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế Phía các nước ủng hộ cải cách hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế tại Hội nghị cấp cao G20 vừa rồi cho rằng, hệ thống hiện nay không thích hợp và chứa đựng nhiều nguy cơ. Để thực hiện kế hoạch này, trong giai đoạn đầu, các nước phát hành đồng tiền dự trữ nhất thiết phải đưa ra một chính sách kinh tế vĩ mô có trách nhiệm hơn, tránh những hành động có thể gây hậu quả cho các đối tác. Tuy nhiên, trước mắt thế giới nghiêng về giải bài toán ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục và duy trì tăng trưởng hơn là tính đến một hệ thống tiền tệ và tài chính mới có thể phản ánh trung thực toàn cảnh kinh tế thế giới, ở đó loại trừ sự độc quyền của đồng USD. Thủ tướng Anh G.Brown cho rằng, thế giới phải vượt qua 5 thử thách lớn để cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Trong đó, có nhiệm vụ bảo đảm nguồn quỹ thích hợp cho các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để những tổ chức này can thiệp vào các nền kinh tế thị trường mới nổi đang chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/32057-sdr-se-thay-the-usd