Rùng rợn cảnh ô nhiễm ở làng nghề làm bún

Sau cơn mưa tầm tã, cả làng bún ngập trong làn nước thải đen ngòm, bốc mùi nồng nặc chảy lênh láng qua các đoạn đường.

Cả làng"bốc mùi"

Sau một thời gian dài sống chung với làng bún, do quá sức chịu đựng, người dân đã làm đơn cầu cứu gởi cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Chúng tôi có mặt tại khu dân cư gần sân vận động Diên Thủy để nắm tình hình. Sau cơn mưa tầm tã, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là làn nước thải đen ngòm, bốc mùi nồng nặc chảy lênh láng qua các đoạn đường. Mới vài mươi phút chúng tôi đã thấy ngợp, huống chi người dân nơi đây phải chịu đựng suốt bao năm qua. Bế đứa con trên tay chị Lê Thị Hồng Đào chia sẻ: “Cứ mỗi khi vào mùa mưa, chúng tôi rất khổ sở khi phải ngửi mùi thối từ ao nước thải trước nhà mà các hộ làm bún thải ra. Có lẽ do phải sống trong môi trường ô nhiễm thế này nên trẻ con trong khu vực cứ bệnh suốt”. Vừa nói chị vừa chỉ vào đứa con còi cọc cạnh mình.

Theo hướng tay của chị Đào, chúng tôi thấy cái ao rộng chừng vài trăm mét vuông - nơi chứa nước thải của nhiều hộ làm bún thông qua hệ thống đường ống ngầm dưới đất. Một số người dân cho biết, 10 năm trước UBND thị trấn Diên Khánh cho múc đất nâng sân vận động Diên Thủy và đó cũng chính là lý do hình thành cái ao này. Sau đó, nó nghiễm nhiên trở thành nơi chứa nước thải của làng bún. Hàng chục hộ sống xung quanh đoạn này đều bức xúc trước tình trạng ô nhiễm kéo dài cả chục năm trời, một số gia đình đang tính đến việc chuyển đi nơi khác vì không thể chịu đựng thêm nữa. Chị Hân bày tỏ: “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn gởi chính quyền địa phương nhờ giải quyết nhưng họ chỉ xuống kiểm tra, xử phạt các hộ xả nước thải mà không thấy đưa ra biện pháp khắc phục nào. Cuối cùng đâu cũng lại hoàn đấy!”.

Một người làm bún cho biết: “Nghề này phải dùng rất nhiều nước. Nhà nào có ý thức thì xả trong khuôn viên nhà mình và sử dụng phương pháp dân gian để vừa hạn chế nước bẩn thấm vào đất vừa bớt được mùi hôi. Tuy nhiên, thực tế thì các hộ đều xả thải trực tiếp ra môi trường”.

Ao chứa nước thải của các cơ sở sản xuất bún

Lan sang nguồn nước

Theo ông Nguyễn Xuân Đảng - Tổ trưởng tổ 10 thị trấn Diên Khánh, nghề làm bún ở địa phương tập trung chủ yếu tại tổ và suốt nhiều năm qua họ vẫn xả thải thẳng ra môi trường. Đó chính là lý do khiến người dân nơi đây không chỉ chịu đựng việc môi trường sống bị ô nhiễm mà còn phải sử dụng cả nguồn nước giếng không đảm bảo vệ sinh”. Ông Đảng nói thêm, có hộ đã khoan đến 8 giếng để lấy nước sạch sử dụng nhưng nguồn nước vẫn bị ảnh hưởng. Được biết chẳng có hộ nào trong khu vực này dám dùng giếng đào, mà phải khoan để sử dụng. Điều đáng lo là nguồn nước vẫn có mùi hôi nên phải lọc lại trước khi sử dụng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Châu - Chủ tịch UBND thị trấn Diên Khánh - cho biết: “Làng nghề làm bún, bánh phở, bánh tráng này hình thành từ rất lâu rồi. Địa phương cũng nhiều lần nhận được đơn phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Dù đã liên tục phối hợp với Đội Y tế dự phòng của huyện và các ngành chức năng kiểm tra về môi trường đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, nhưng chủ yếu là xử phạt hành chính và nhắc nhở. Vừa rồi, công ty cấp thoát nước cũng đã đến khu vực này khảo sát để lên dự toán trình UBND tỉnh đấu nối nước máy để người dân sử dụng cho an toàn...”.

Việc giải quyết thiếu dứt khoát của chính quyền địa phương khiến người dân bất an về tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề. Câu hỏi đặt ra là không biết đến bao giờ vấn đề này mới được cải thiện để người dân yên tâm sinh sống?

Theo CA TP Hồ Chí Minh

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/rung-ron-canh-o-nhiem-o-lang-nghe-lam-bun-a4545.html