Rừng ngập mặn ven biển: Giảm mạnh diện tích và chất lượng

Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, hạn chế tác hại của sóng, bão, xói lở, bảo vệ môi trường, cung cấp gỗ, thủy sản,…cho nhân dân vùng ven biển. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do nhu cầu phát triển sản xuất và áp lực về dân số, diện tích rừng ngập mặn đang giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng. Nếu không có biện pháp quản lý, bảo vệ kịp thời sẽ không đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế bền vững.

Phát triển du lịch ở mũi Cà Mau nhưng vẫn phải chú ý tới trồng rừng

Xói lở nghiêm trọng

Ở Cà Mau, diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp nghiêm trọng, năm 2012 tỉnh Cà Mau có gần 200 nghìn héc ta rừng ngập mặn ven biển nhưng hiện chỉ còn khoảng 1.037 héc ta, theo đó bờ biển cũng bị sạt lở nghiêm trọng, trung bình một năm mất khoảng 900 héc ta. Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay tỉnh có khoảng 14 điểm sạt lở bờ biển. Mặc dù các ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục, nhưng hiệu quả không cao, không bền vững. Các ngành chức năng của Cà Mau đã nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do người dân thường xuyên chặt phá rừng ngập mặn để lấy gỗ hầm than bán, nhất là ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn thấp, nhưng Kiên Giang lại có đường bờ biển dài nhất trong các tỉnh khu vực ĐBSCL trên 205 km, tuy nhiên hiện nay có tới 35 km bờ biển đang bị xói lở nghiêm trọng. Có những nơi mức độ xói lở hàng năm lên đến 25 km. Thời gian qua, tại đây có nhiều công trình xây dựng ở ngay bờ biển xung yếu trong khi các kênh đổ ra biển không có rừng phòng hộ dẫn đến xói lở ngày càng nghiêm trọng.

Tổng Cục Lâm nghiệp cũng đã cảnh báo về tình trạng chặt phá rừng ngập mặn để chuyển sang mục đích khác xảy ra thường xuyên tại nhiều địa phương. Cụ thể 10 năm qua, tổng diện tích rừng vùng ĐBSCL bị thiệt hại là trên 11.700 ha, trong đó rừng phòng hộ trên 4.800 ha, rừng đặc dụng là gần 140 ha và rừng sản xuất là trên 6.800 héc ta. Bên cạnh đó các nơi còn chặt phá rừng, chặt cây, củi, lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm, khai thác lâm đặc sản, nuôi trồng hải sản trên đường bờ biển đã tác động xấu đến diện tích rừng ngập mặn ven biển.

Nói về thực trạng rừng ngập mặn đang bị suy giảm, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp, Nguyễn Quang Dương, đã nhận định: Vùng ĐBSCL hiện còn có 479 km đường đê biển chưa có đai rừng phòng hộ, chiếm 38,1% tổng số chiều dài đê biển các tỉnh. Hiện nhiều đoạn bờ biển và cửa sông đang bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 310,6 km, nhiều nhất là ở Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng ngập mặn. Trong đó hệ thống tổ chức, cơ chế chính sách và các giải pháp để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển còn nhiều điểm bất cập thậm chí là chưa phù hợp.

Khẩn trương khắc phục

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp của thiên tai và mực nước biển dâng, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển nhằm chống xói lở, bảo vệ đê biển là hết sức cần thiết và cấp bách. Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, Dương Quốc Việt đã đưa ra giải pháp: Các địa phương khi xác định công tác quy hoạch trồng và bảo vệ rừng, cần phải chú ý đến việc xây dựng và bảo vệ đê. Khi chọn loại cây trồng và mật độ trồng phải tính toán kỹ, mỗi vùng sẽ có một loại cây trồng phù hợp, tập trung mọi nguồn lực đầu tư rừng phòng hộ bảo vệ đê biển, ổn định dân cư. Ông Võ Đình Tuyên, Chuyên viên chính, Vụ Kinh tế ngành (Văn Phòng Chính phủ), nhấn mạnh việc chính quyền các địa phương cần phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng ngập mặn ven biển cũng như trong việc thực hiện các chính sách hiện có. Nên giao khoán việc giữ rừng cho người dân tại địa phương, đồng thời nâng thu nhập cho người giữ rừng…

Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho rằng: Các địa phương phải nhanh chóng rà soát lại quy hoạch hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển theo tính chất liên ngành. Trong đó, chú trọng quy hoạch sử dụng đất để thống nhất quản lý giữa lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều, thủy sản… chọn các loại cây trồng phù hợp với từng thổ nhưỡng. Về công tác quản lý cần phải tính toán lại một cách cụ thể hơn, tuy nhiên trước mắt mỗi địa phương phải có một đầu mối quản lý. Tuyệt đối không chuyển diện tích rừng ven biển sang mục đích sử dụng khác.

Trung Kiên

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=52752&menu=1366&style=1