Rủ nhau đi hái nấm tràm

Những cơn mưa rào đổ xuống ào ào rồi thoắt tạnh, trời lại trong veo. Do thời tiết nóng ẩm thất thường nên khắp các vùng đồi nấm tràm bắt đầu mọc rộ. Người dân các xã miền núi ở tỉnh Quảng Bình lại rủ nhau đi hái nấm tràm. Suốt những dải đồi, vùng rừng rộn ràng tiếng gọi, cười đùa, trò chuyện… Giữa trưa hoặc cuối chiều, dọc đường Hồ Chí Minh hay trên các nẻo đường, nấm tràm được các o, các chị bày bán rất nhiều.

Nấm tràm – món quà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng đồi núi

Nụ nấm - món quà thiên nhiên ban tặng

Cuối xuân đầu hạ, hoa tràm nở rộ khắp vùng rừng Chôông Soóc, ở thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Những vạt tràm xum xuê cao vút nở đầy hoa rực vàng trong nắng. Nhụy hoa tràm theo gió bay tỏa đi khắp mọi cánh rừng. Qua tháng 7, thời tiết nóng ẩm, sau những cơn mưa rào xối xả, nấm tràm đội lớp lá mục mọc lên. Buổi đầu, những cái nấm nụ bé xíu màu nâu bóng. Cái thì mọc đơn lẻ, nhưng cũng có nhiều cái chụm chân vào nhau thành cả một chùm vươn đầu hứng nắng, hứng gió mà lớn nhanh trông thấy.

Quàng trong tay chiếc giỏ đựng nấm, chị Đinh Thị Dung (ở xã Yên Hóa) cười bẽn lẽn cho biết, những ngày gần đây rừng tràm sau hiên nhà được tưới mát bởi những đợt mưa rào. Sau cơn mưa, nấm tràm lại đua nhau mọc nên chị cùng nhóm bạn đi hái về để chế biến thức ăn và mang ra chợ bán. Hỏi về nguồn gốc của nấm tràm thì không chỉ chị Dung mà hầu hết mọi người trong nhóm đều lắc đầu không biết.
Tìm đến các cụ cao tuổi ở trong xã Yên Hóa, chúng tôi được chia sẻ là do loại nấm này mọc trong rừng tràm nên gọi là nấm tràm. Nhưng nhiều chỗ không hề có cây tràm mà chỉ toàn sim, muông hay có vùng toàn cây bạch đàn vẫn có loại nấm này mọc. Có cụ lại giải thích rằng, có thể nấm tràm mọc từ nhụy tràm. Những ngày hè, nhụy tràm theo gió bay tỏa đi khắp mọi nơi, nên chừ gặp đất ẩm ướt cùng với nhiệt độ thích hợp là ùn ùn mọc lên.

Dưới những tán rừng tràm là những nụ nấm xinh xinh

Dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn chạy qua huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), bà con bày bán những rổ nấm tràm màu tím sẫm, béo múp. Có những cây nấm phát triển nhanh, trông như cái ô. Thấy chúng tôi rà xe đi chậm, o (cô) bán nấm đon đả cất tiếng mời “Chú ơi, mua nấm tràm đi chú. Mới mưa xong nên nấm ngon lắm”. Sau những lời chào hỏi, o Vân (tên người bán nấm) chia sẻ, trên địa bàn xã Hương Hóa (huyện Tuyên Hóa) có nhiều rừng và đồi nên đến khoảng cuối tháng 7, khi có những cơn mưa rào cũng là lúc loài nấm tràm đua nhau mọc. Lúc này, chị em trong thôn đều đi hái nấm để ăn, có người hái được nhiều nên đem ra cạnh đường để bán có thêm thu nhập.
Chỉ tay vào rổ nấm tràm tươi ngon, o Vân tiếp lời, để có rổ nấm này là công lao của sự kiên trì, chịu khó của 3 mạ con o dậy từ lúc sáng sớm để nhanh chân qua hái ở vùng rừng tràm cách nhà hơn 2km. Có những buổi gặp may mắn thì mạ con hái nấm nhanh đầy rổ, còn không thì đi miết đến mỏi nhừ cả chân. Cách đây 4-5 năm, nấm tràm mọc chưa nhiều và cũng chỉ có một số người dân hái về ăn. Nhà o đây, hái về ăn không hết nên đem ra chợ bán. Mỗi rổ nhỏ có giá từ 15- 20 ngàn đồng/kg, có thời điểm may mắn lên 40 ngàn đồng/kg. Nhưng cũng có những lúc, cả chợ la liệt nấm tràm thì giá lại rẻ. Mấy bữa nay, nhiều chị em đem nấm ra bán dọc đường để khỏi mang xuống chợ.

Khách đi đường dừng chân mua nấm tràm

Vừa là thức ăn, vừa có tiền đi học

Theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đi ngang qua xã Phú Định (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), mảnh đất xanh bạt ngàn rừng tràm, cao su. Cũng giống như ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, người dân ở xã Phú Định đưa nấm tràm ra bán bên cạnh lề đường. Đang bày bán 2 rá nấm tràm, 1 rá trái sim, ông Nguyễn Sắc (70 tuổi) giãi bày, để có tiền mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới, các cháu trong nhà đã đi hái nấm tràm để bán, mỗi ngày cũng được 50 đến 70 ngàn đồng.

Ông Nguyễn Sắc (ở xã Phú Định) đưa nấm tràm ra bán ven đường Hồ Chí Minh

Ông Sắc cho biết thêm, mùa nấm tràm thường kéo dài từ đầu tháng 7 đến hết tháng 10. Mỗi tháng nấm tràm mọc 3-4 đợt nên cây nấm đã trở thành nguồn thu không nhỏ của nhiều hộ gia đình nông dân. Mỗi ngày có nhiều người đi hái nấm tràm thu nhập cả trăm ngàn đồng. Cứ mỗi đợt nấm tràm mọc trong khoảng 5-7 ngày, nhiều gia đình đã để dành được một khoản tiền để lo sách vở, áo quần cho các cháu.
Chúng tôi về tới chợ Đồng Hới khi đã chập choạng tối. Đi dọc các lối bán hàng rau là những rổ nấm tràm được các o, các chị ở các xã Hiền Ninh, Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh) vượt hơn 30km đem về bán. Nấm tràm đầu mua nên người đi chợ mua tương đối nhiều. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Huế (ở phường Đồng Phú, Đồng Hới) cho biết: Ăn nấm tràm bữa đầu có vị đắng rất khó nuốt nhưng ăn vài bữa đâm ra “nghiện”.
Cơn mưa rào cuối ngày đang phảng phất hơi gió se se, là tín hiệu của mùa nấm tràm. Rủ nhau đi hái nấm tràm hay là cùng nhau đi nhận món quà của thiên nhiên ban tặng là lời nói trìu mến của người dân miền đồi núi Quảng Bình dành cho mùa nấm tràm. Và cứ đến mỗi mùa nấm, các chị các o lại nói cười tíu tít, mặt tươi hớn hở khi cầm những đồng tiền bán được từ những nụ nấm xinh xinh để lo toan cuộc sống.

Xuân Thi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ru-nhau-di-hai-nam-tram/61340