Rộn ràng chợ hoa đêm Hồ Thị Kỷ

PN - Những ngày này, chợ hoa đêm Hồ Thị Kỷ (P.1, Q.10, TP.HCM) không khí hết sức rộn ràng, bởi nơi đây đã trở thành phố hoa, không chỉ kinh doanh mà còn phục vụ khách tham quan.

Ngay từ cổng chợ (đường Lý Thái Tổ), không khí đã tưng bừng khác hẳn mọi năm với dàn đèn trang trí nhiều sắc màu, băng rôn, biểu ngữ. Trải khắp các con đường nhỏ thuộc khu phố 1 (Trần Bình Trọng, Hồ Thị Kỷ, Lý Thái Tổ), các con hẻm lớn nhỏ đều được tráng xi măng sạch sẽ, có kẻ làn vôi giới hạn vì nơi đây, ngoài hoa tươi sẽ còn trưng bày thêm cây bonsai, cây kiểng cho khách tham quan. Hoạt động của chợ hoa bắt đầu từ 18g chiều đến 6g sáng hôm sau, nhưng nhộn nhịp nhất là từ 1 - 3g sáng, khi các xe hoa đông lạnh, hoa đóng thùng từ Đà Lạt, Hà Nội và các tỉnh đổ về. Lực lượng bốc xếp xuống hàng, chuyển hoa đến từng quầy, từng sạp phải chia hai ca/đêm (bốn giờ/ca) vào ngày cao điểm vì lượng hàng nhiều. Đáng ngạc nhiên là gần 80% người đứng bán, người làm các dịch vụ phụ trợ đều là nam giới. Công việc khuân vác, kéo xe, xuống và lên hàng đương nhiên là cần nam khỏe mạnh, nhưng những người bán hoa cũng lại là dân mày râu. Nhiều ngày dạo quanh chợ hoa đêm, chúng tôi mới nhận ra, khách hàng mua hoa chủ yếu là các bà, các cô. Phải chăng vì thế mà các hộ kinh doanh khai thác tối đa nguồn lao động nam? Nam giới đứng bán hoa tuy không mềm mỏng mời chào nhưng có sự chiều chuộng, chăm sóc các bà, các cô rất "thuận ý nhau". Một góc chợ hoa đêm Hồ Thị Kỷ Trước khi vào ca, một nhóm xe đẩy gần 10 thanh niên dân Gò Công, Tiền Giang giăng võng ngủ ngay tại sạp. Nguyễn Văn Tùng, Thanh Sơn, Quốc Phú (cùng xã Tân Tây, Gò Công, Tiền Giang) cho biết: "Chúng tôi vốn làm hồ nhưng hết việc nên theo người quen lên đây kiếm tiền mấy ngày Tết. Công việc ngủ ngày làm đêm, tranh thủ được giờ nào rảnh là lăn ra ngủ bù. Thu nhập tính theo sản phẩm, đẩy nhiều hàng, nhiều tiền, ít hàng ít tiền, chủ bao ăn và chỗ ở". Ở một nhóm khác, hai cậu thanh niên cùng 17 tuổi là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Hiếu (quê Phú Yên) cho biết: "Chúng em đang học lớp 10 nhưng gia đình khó khăn nên đi làm rồi mới tính chuyện học nghề tiếp. Cả hai mới vào Sài Gòn được năm - sáu tháng, thu nhập 1.500.000đ/người/tháng. Tết này phải phụ bán đến hết đêm 29, sáng 30 về quê, hy vọng có xe về kịp đón giao thừa với gia đình". Hộ chị Út Liên (kiốt C1-3) chuyên bán các loại phụ liệu, bình gốm, giỏ mây cho biết: "Chợ hoa tươi giờ phát triển đủ loại hình dịch vụ về hoa: hàng lưu niệm, làm hoa theo đơn hàng và cả kết hoa giả, phục vụ 24/24 giờ. Vào Tết, thời gian cao điểm nhất là khoảng bảy ngày, từ ngày 23 âm lịch trở đi, người đi như trẩy hội". Theo Ban quản lý chợ Hồ Thị Kỷ, chợ hiện có khoảng 100 hộ kinh doanh, trung bình mỗi hộ có từ năm - bảy lao động phụ, Tết "hút hàng, hút người", mỗi hộ sử dụng từ 13-15 thợ, lao động chủ yếu là người ngoại tỉnh. Tình hình trật tự khá tốt, không phức tạp về an ninh nên đội ngũ bảo vệ chợ chủ yếu là lo giữ gìn vệ sinh, giống như "cảnh sát môi trường", vì lượng rác từ hoa thải ra mỗi đêm rất lớn (1-5 tấn/ngày).Tùy ngày, mùa và tùy thời điểm, chợ hoa tiếp nhận trung bình một ngàn thùng hoa các loại (một thùng 150 bó), ngày Tết từ hai – ba ngàn thùng, sau đó tỏa ra các chợ đầu mối của thành phố và đi về các tỉnh miền Tây. Những loại hoa "đỏng đảnh" đắt tiền đi bằng "xe lạnh" đòi hỏi áp lực về thời gian vận chuyển nên việc khuân vác vì thế cũng phải nhanh gọn hơn. Anh Trần Văn Tiến (người có trên 10 năm chuyển hoa ở chợ) cho biết: "Chuyển hoa không nặng, chỉ cồng kềnh nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo. Sơ ý một chút là có thể hỏng cả thùng hoa. Trung bình bốn người/xe đẩy 8 - 10 thùng giá công từ 5.000đ – 10.000đ/thùng. Thợ chuyển hoa chỉ trông ngày Tết vì lượng hoa nhiều, giá đẩy cao nên làm gần như không có ngày nghỉ, mùng 1 - mùng 2 đã ra chợ lại. Thu nhập bình thường thấp nhất 50.000đ/đêm/người, nhưng Tết thì vài trăm ngàn đồng/đêm". Trời mờ sáng, những người buôn bán ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ sửa soạn lại những bó hoa sót lại trong đêm, trả lại mặt bằng đón bình minh. Các công việc vệ sinh, rác hoa cũng phải được thu dọn trước khi trời sáng. Tết đến, trong khi các gia đình khác sum họp đầm ấm đón giao thừa thì những người lao động ở chợ hoa đêm mới vội vã "sắm Tết" và chờ những chuyến xe muộn để kịp về quê, hoặc âm thầm đón giao thừa cùng công việc. Họ gần như không có Tết dù đã căng mình phục vụ cho những ngày Tết... Nguyễn Bay

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/ron-rang-cho-hoa-dem-ho-thi-ky.aspx