Robot thông minh - cuộc cách mạng mới trong ngành công nghệ

Ngành công nghiệp robot thông minh thể hiện qua các thiết bị điện tử nhỏ gọn, luôn bên bạn một cách vô hình để giúp cuộc sống trở nên tiện nghi hơn.

Cuộc cách mạng di động mà chúng ta đang thụ hưởng hiện nay được xem là chương cuối của ngành công nghiệp điện toán đã kéo dài hàng thập kỷ qua. Một chương mới sắp mở ra, đó là ngành công nghiệp robot thông minh, nhưng nó hoàn toàn không như những gì bạn nghĩ.

Cuộc cách mạng đó được thể hiện qua các thiết bị điện tử nhỏ gọn, luôn bên bạn một cách vô hình để giúp cuộc sống trở nên tiện nghi hơn. Một số người dùng cụm từ "trí tuệ nhân tạo" hoặc "trợ lý số" để mô tả cuộc cách mạng này. Số khác gọi đó là các thiết bị "thông minh". Nhưng tất cả đều không thể hiện được mức độ lan rộng và tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng này.

Đó không chỉ là chiếc máy pha café tự động bật lên vào mỗi buổi sáng bạn thức giấc, hoặc bộ điều nhiệt tự động điều chỉnh nhiệt độ căn phòng khi bạn bước vào, mà là các mảnh ghép công nghệ trong cuộc sống kết hợp với nhau để sẵn sàng phục vụ bạn bất cứ khi nào cần tới. Những con robot hiện diện khắp nơi và ở bất cứ thời điểm nào.

Theo chu kỳ cứ mỗi 10 hoặc 15 năm, sự hội tụ những tiến bộ kinh tế và kỹ thuật sẽ khởi phát cho một cuộc cách mạng về điện toán. Đã có những thay đổi căn bản về văn hóa, nhiều thói quen mới được tạo ra, các công ty trị giá hàng tỉ USD cũng xuất hiện, trong khi nhiều công ty khác hay thậm chí cả ngành công nghiệp bị ảnh hưởng hoặc bị triệt tiêu.

Cho tới nay, chúng ta đã trải qua 3 cuộc cách mạng số, đó là cách mạng PC những năm 80 của thế kỷ trước, cách mạng Internet những năm giữa 90 và cách mạng di động từ năm 2007. Giờ chúng ta hãy cùng điểm qua các cuộc cách mạng này.

Cách mạng PC: Được khởi phát với sự xuất hiện lần đầu những chiếc máy tính Apple rồi sau đó là máy tính IBM và tiếp sau là những chiếc PC nhân bản. Trong cuộc cách mạng này, Microsoft và Intel là kẻ chiến thắng còn IBM thua cuộc. Cuối cùng, giấc mơ "máy tính sẽ hiện diện trên mỗi bàn làm việc và trong từng gia đình" của Microsoft đã trở thành hiện thực.

Các mạng Internet: Được bắt đầu với sự chuẩn hóa các giao thức Internet, tiếp sau bởi cuộc chiến trình duyệt, sự bùng phát và tan vỡ của bong bóng "dot-com". Amazon và Google là kẻ thắng cuộc lớn nhất. Các ngành công nghiệp dựa vào giải trí truyền thống như ngành thu âm và băng đĩa là kẻ thua cuộc lớn nhất. Cuối cùng, mọi người đều có thể online và ý tưởng kinh doanh không cần có website trở nên lỗi thời.

Cách mạng di động: Bắt đầu với sự xuất hiện của chiếc điện thoại iPhone. Trong cuộc cách mạng này, Apple và Samsung đã chiến thắng, còn Microsoft thua cuộc, đặt dấu chấm hết cho sựcai trị suốt 20 năm của hãng này trong ngành điện toán cá nhân.

Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên.

Cuộc cách mạng di động đang đến hồi kết. Hơn một tỉ chiếc smartphone được bán ra mỗi năm. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Apple bán được iPhone ít hơn năm trước. Đã từng có nhiều loại hình doanh nghiệp mới và quy mô được xây dựng trên ý tưởng lấy smartphone làm gốc. Chẳng hạn như Uber, sẽ chẳng là gì nếu không có smartphone. Rồi đến Facebook, sự lây lan như "bệnh dịch" của mạng xã hội này sẽ không thể có nếu thiếu smartphone.

Điều đó không có nghĩa smartphone sẽ biến mất hoặc Apple bị lu mờ. Thế nhưng, smartphone giờ đang được coi là rất bình thường, thậm chí còn tẻ nhạt và không còn là cuộc cách mạng nữa. Mỗi cuộc cách mạng trên đều tự phân hóa sức mạnh và chuyển giao sức mạnh đó cho cá nhân.

Đồng sáng lập Microsoft, Paul Allen và Bill Gates, với cỗ máy điện toán khi còn học tại trường phổ thông.

Chẳng hạn, PC đã vượt ra khỏi ranh giới môi trường doanh nghiệp để có mặt tại các hộ gia đình. Còn Internet đã mang kho tàng thông tin từng được cô lập trong các thư viện, cơ sở dữ liệu riêng tư, hoặc các định dạng kế thừa (chẳng hạn đĩa CD) tới tất cả mọi người, miễn là họ có một chiếc máy tính và đường điện thoại.

Smartphone hội tụ cả 2 đặc điểm trên và đặt chúng gọn ghẽ trong túi áo hoặc ví người dùng.

Tương lai ngày mai

Tại hội chợ CES 2016 hồi đầu năm, mọi người ai cũng muốn thấy những thứ lớn lao nhưng rốt cuộc không có thứ gì thực sự nổi bật. Ở đó có xe hơi thông minh, nhà thông minh, thiết bị không người lái, thực tế ảo, thiết bị đeo để theo dõi tập luyện, giường thông minh, ví thông minh và robot có gương mặt thân thiện với giọng nói dễ thương.

Thế nhưng, nếu đặt những thứ đó trong bối cảnh chung kết hợp với những công nghệ, giải pháp sáng tạo mà nhiều hãng lớn đang thực hiện, bạn sẽ thấy một bức tranh lớn hơn.

Cảm biến và các thành phần linh kiện đang rẻ tới mức cho không, từ GPS, cảm biến chuyển động, camera, microphone tới các thành phần kết nối như Bluetooth, Wi-Fi, LTE… Chúng giúp các thiết bị, vốn dĩ là vật thể vô tri trước đây, có thể thu thập đủ loại dữ liệu và gửi tín hiệu kết nối tới nhau.

Các công ty công nghệ lớn đang bị ám ảnh bởi cái gọi là trí tuệ nhân tạo. Hầu hết trong số họ đều đang phát triển công cụ trợ lý ảo và trí tuệ nhân tạo. Trong khi Microsoft có Cortana thì Google có Google Now, Apple có Siri, Amazon có Echo, thậm chí Facebook cũng có trợ lý số Facebook M. IBM và các doanh nghiệp lớn khác cũng có những đầu tư đáng kể trong lĩnh vực này. Đó là chưa kể tới hàng chục các công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm khác.

Xã hội thì cũng đã sẵn sàng, và đây chính là điểm quan trọng nhất. Hãy thử nghĩ mà xem, xã hội chúng ta hiện nay đang bận bịu hơn rất nhiều so với 10 hoặc 20 năm trước đây. Mọi người làm việc nhiều hơn, phải bươm chải hơn để kiếm sống. Nền kinh tế "theo yêu cầu" thay vì chỉ được các trang blog kinh doanh nhắc tới thì giờ đây đã trở thành một phần cốt lõi của cuộc sống thành thị. Các loại hình kinh doanh kiểu như Uber ngày càng thịnh hành hơn. Đây chính là tình huống kinh điển trước cuộc cách mạng điện toán – tất cả mọi người đều cần một thứ gì đó nhưng họ không biết rõ mình cần gì.

Búp bê Barbie phiên bản trí tuệ nhân tạo biết cách học sở thích của trẻ.

Vì thế hãy tưởng tượng thế này. Trong 10 năm nữa, bạn sẽ có một trợ lý cá nhân thông minh được cài đặt trên điện thoại. Nó sẽ thu thập tất cả thông tin về bạn như các hoạt động, liên lạc và nhiều thứ khác rồi bắt đầu học hỏi xem bạn cần những gì. Sau đó, trợ lý ảo sẽ kết nối với hàng chục thiết bị và dịch vụ khác nhau để phục vụ và giúp cho cuộc sống của bạn thêm tiện nghi hơn.

Nói cách khác, sức mạnh điện toán sẽ không còn nằm trong túi áo nữa và chúng bao phủ toàn bộ môi trường sống xung quanh bạn. Đồng hồ báo thức sẽ được đặt tự động. Bạn không cần phải viết ra danh sách các việc cần làm, bởi chúng sẽ được thực hiện tự động. Bạn cũng không cần phải gọi Uber vì xe sẽ xuất hiện chính xác lúc bạn cần, và tài xế cũng biết đích xác các điểm dừng chân của bạn.

Các phương tiện bay không người lái sẽ phổ biến khắp nơi.

Nếu bạn đói bụng và đang bận việc, bạn cũng không cần phải gọi đồ ăn – trợ lý ảo sẽ hỏi bạn muốn dùng món gì cho bữa tối hoặc hỏi xem nếu bạn đi gặp đối tác thì sẽ tự động đặt trước bàn ăn. Các bản nhạc ưa thích sẽ theo bước chân bạn từ phòng này sang phòng khác, từ tòa nhà này sang tòa nhà khác. Các phương tiện không người lái cá nhân sẽ bay lượn lờ trên vai bạn, ghi âm thanh hoặc truyền tải video nếu bạn muốn liên lạc với ai đó.

Nghe như có vẻ một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng hoàn toàn có cơ sở. Chưa ai từng phát minh ra cách thức thông thường để tất cả những thiết bị này có thể nói chuyện với nhau, cũng giống như trí tuệ nhân tạo có thể kiểm soát chúng và gắn kết với nhau. Cuộc cách mạng này phải mất nhiều năm nữa mới thực sự bùng nổ, nhưng tương lai sẽ không còn xa nữa.

Gia Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/robot-thong-minh--cuoc-cach-mang-moi-trong-nganh-cong-nghe-post625502.html