Rắc rối của phương thuốc bí truyền

(PLO) - Có phương thuốc cai nghiện thuốc lá rất hiệu nghiệm, giúp hàng trăm người trong vùng đoạn tuyệt với thuốc lá, nhưng “thầy lang” Nguyễn Thanh Nghị (SN 1962, ngụ xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) lại có nguy cơ phải bỏ nghề vì không đáp ứng được những quy định pháp luật đối với những người hành nghề bốc thuốc Đông y.

Bài thuốc lạ từ miền núi phía Bắc

Ông Nghị quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, năm 1982 nhập ngũ, đóng quân tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Một thời gian dài trong quân ngũ, phải ăn gió nằm sương giữa rừng già, nhiều khi cô đơn nhớ nhà và người thân, thuốc lá là thứ duy nhất để “bầu bạn”, giúp người lính trẻ vượt qua những ngày dài đằng đẵng giữa rừng sâu.

Ông kể: “Thời trong lính, tiểu đoàn tôi 10 người thì hết 9 đã nghiện thuốc. Thuốc lá ngày đó là thứ duy nhất để bộ đội quên đi cảm giác trống trải mỗi khi nhớ nhà, nhớ người thân, cũng là thứ có thể xua đuổi được lũ muỗi mỗi khi ngủ ngoài rừng.

Trong môi trường ấy, sau một thời gian, tôi đã nghiện thuốc lá. Càng ngày tôi càng hút nhiều hơn, đặc biệt là những đêm canh gác, trên tay không lúc nào thiếu điếu thuốc. Chỉ một thời gian ngắn sau khi hút thuốc lá, tôi nhận ra sức khỏe tinh thần mình không được như trước. Biết đây là thứ độc hại, tôi quyết dứt bỏ nhưng không thể nào làm được”.

Tình cờ, trong một lần làm công tác dân vận ở một bản nghèo thuộc vùng núi tỉnh Lạng Sơn, anh bộ đội gặp một cụ già tuổi đã ngoài lục tuần, còng lưng gánh củi từ trên núi đi xuống. Thương tình, anh bộ đội chạy tới đỡ lấy gánh củi, cõng một mạch về đến nhà giúp cụ.

Khi đến nhà, cụ già xúc động mời cậu lính trẻ một tách trà. Trong lúc đang hàn huyên tâm sự, người lính buồn miệng, đốt thuốc liên tục. Thấy chú bộ đội tuổi đời còn trẻ mà đã nghiện thuốc nặng, cụ già khuyên nên cai thuốc. Biết lời khuyên của cụ già chân thành, nhưng người lính trẻ chỉ cười và cho biết mình đã nghiện thuốc quá nặng, nhiều lần cai nhưng vẫn không tài nào bỏ được.

Trước những lời tâm sự của người lính trẻ, cụ già cười hiền rồi bảo: “Không khó đâu, chỉ cần uống thuốc của già và quyết tâm cai thì sẽ làm được”.

Nói xong, cụ già vào lấy ra một chai nước màu đen, bảo người lính rằng cứ mỗi khi thèm thuốc lá, hãy ngậm thứ nước này thật kĩ, súc miệng thật sâu, chỉ vài ba ngày là có hiệu quả.

Khi dùng hết chai thuốc của cụ già đưa, cũng là lúc người lính trẻ đoạn tuyệt hẳn với thuốc lá. Nghĩ bài thuốc mình dùng thực sự có công hiệu, anh giới thiệu cho đồng đội tìm đến nhờ cụ già. Nhờ cụ già tận tình giúp đỡ, cho uống thuốc, nhiều chiến sĩ khác cũng hết cơn thèm thuốc.

Kiên trì xin được truyền phương thuốc

Thấy bài thuốc quá hay, người lính trẻ xin cụ già truyền dạy, mong muốn sau này sẽ có dịp giúp người khác. Tuy nhiên “năm lần bảy lượt” ngỏ ý, cụ già vẫn từ chối vì cho rằng đó là phương thuốc gia truyền, không thể tiết lộ cho người ngoài.

Ông Nghị bên loại thuốc Đông y giúp cai nghiện thuốc lá

Ông Nghị kể: “Cụ nói từng có thời gian sang bên Lào sinh sống, được một người phụ nữ sống độc thân nhận làm con nuôi. Khi về già, bà mới truyền dạy lại phương thuốc lạ trên. Mãi về sau, thấy tôi kiên trì, lại có duyên nên cụ đồng ý truyền nghề lại”.

Năm 1991, ông Nghị lập gia đình rồi đưa vợ con vào Tây Nguyên lập nghiệp. Ngoài công việc trên nương rẫy, thỉnh thoảng ông vẫn điều chế vài chai thuốc cai nghiện thuốc lá để biếu bà con chòm xóm. Một số người nghiện thuốc lá nặng, sau khi dùng thuốc của ông Nghị đã dứt hẳn cơn thèm và cai nghiện thành công.

Trao đổi với PL&TĐ, anh Mai Minh Vương (SN 1989, Công an thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) cho biết: “Tôi nghiện thuốc lá cách đây đã bảy năm. Trước đây mỗi ngày tôi đốt gần một gói thuốc. Thế nhưng sau khi sử dụng thuốc của ông Nghị thì cảm giác thèm thuốc không còn nữa, mỗi lần hút thuốc là có cảm giác khó chịu. Sau năm ngày dùng thuốc Đông y, tôi đã từ bỏ được thuốc lá”.

Trường hợp khác, anh Nguyễn Văn Minh (SN 1987, ngụ TP. Buôn Ma Thuột) cũng cho hay: “Thuốc của ông Nghị chỉ cần súc miệng vài phút rồi sau đó nhổ ra. Khi đó miệng có cảm giác cay cay. Mỗi khi hút thuốc, ở khoang miệng có cảm giác chát đắng, rất khó chịu. Trước đây tôi nghiện thuốc rất nặng, nhưng sau khi súc miệng bằng thuốc của ông Nghị, đúng ba ngày là “vĩnh biệt” hẳn với thuốc lá cho đến nay”.

“Bật mí” về bài thuốc, ông Nghị cho biết: “Thật ra bài thuốc của tôi được bào chế từ các loại thảo dược, là “công cụ hỗ trợ” giúp những người có ý định cai nghiện thuốc lá quên đi cảm giác thèm thuốc, chứ không có độc chất, không có tác dụng phụ gì, hàng trăm người đã thành công và xác nhận điều này”.

Rắc rối vì không bằng cấp

Cũng từ đây, ông Nghị lại gặp phải rất nhiều khó khăn vì những quy định của pháp luật trong việc hành nghề Đông y.

Ông Nghị tâm sự: “Từ khi bà con tới mua đông, tôi phải chịu rất nhiều áp lực. Mới đây, tôi nghe bạn bè nói, Phòng Y tế huyện và Sở Y tế tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra, đưa thuốc của tôi đi kiểm nghiệm lâm sàng để xác định thành phần của thuốc và những tác dụng phụ đối với người dùng. Việc kiểm tra về bài thuốc thì tôi không sợ, tôi chỉ sợ bị cấm hành nghề vì bản thân không có bằng cấp, không đăng ký kinh doanh, không giấy phép hành nghề”.

Vai trò của Hội Đông y ở đâu trong trường hợp này, khi ông Nghị cũng là thành viên của Hội? Giải thích câu hỏi này, ông Lê Xuân Ngọc, Hội trưởng hội Đông y huyện Cư M’Gar cho biết:

“Theo nguyên tắc hoạt động của Hội và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các hội Đông y phải cố gắng bảo tồn, lưu giữ những cây thuốc hay, bài thuốc quý của hội. Ông Nghị không có bằng cấp, không có giấy phép hành nghề nhưng đã tham gia hoạt động và là hội viên chính thức của Hội đông y huyện hơn năm năm nay. Khi ông Nghị đưa ra bài thuốc cai nghiện thuốc lá, Hội đã tạo điều kiện để đưa vào thực nghiệm, theo dõi người sử dụng thuốc, lập danh sách, báo cáo lên cơ quan thẩm quyền”.

Vậy vì sao vẫn có nguy cơ cấm bị hành nghề? Theo lời vị hội trưởng, một người muốn hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, trước tiên phải đăng ký tại Sở Y tế tỉnh để được hướng dẫn làm hồ sơ. Sau đó Sở Y tế cấp tỉnh sẽ kiểm nghiệm lâm sàng bài thuốc đã được đăng ký, đạt yêu cầu thì mới đưa vào sử dụng.

Cái khó là quá trình đăng ký đến kiểm nghiệm lâm sàng phải mất rất nhiều thời gian. Ông Ngọc kiến nghị: “Trong quá trình theo dõi, chúng tôi nhận thấy người dùng thuốc đều có những phản hồi tích cực, nhiều người đã dứt được cơn thèm thuốc. Mong sao các cơ quan ban ngành tạo điều kiện tốt nhất, cho ông Nghị tiếp tục điều chế thuốc, giúp người dân cai nghiện”. /.

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/rac-roi-cua-phuong-thuoc-bi-truyen-232158.html