Quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Thái Nguyên

Lớp đào tạo cán bộ công nghệ thông tin tại Đại học Thái Nguyên. ( Ảnh: PHƯƠNG CƯỜNG )

Đánh giá đúng cán bộ

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, những năm qua, các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị ở Thái Nguyên đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ. Trong đó, coi trọng khâu đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, xem đây là tiền đề, yếu tố bắt buộc thực hiện dựa trên ba tiêu chí cơ bản: năng lực thực tiễn; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; triển vọng phát triển. Khâu đánh giá được thực hiện theo quy trình, với từng bước cụ thể, trên tinh thần thẳng thắn, công khai để cán bộ được quy hoạch rèn luyện, phấn đấu, cấp ủy, lãnh đạo có cơ sở theo dõi, giám sát. Ý kiến đánh giá toàn diện về cán bộ được thể hiện bằng văn bản và công khai trong tập thể ban thường vụ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, lãnh đạo cơ quan. Việc đó còn được thông báo cho cán bộ thuộc diện quy hoạch được biết. Công tác quy hoạch có sự kế thừa và phát triển, với phương châm "mở" và "động", hằng năm có sự rà soát, điều chỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ điều kiện và bổ sung những nhân tố mới, có triển vọng. Một số đồng chí có khả năng phát triển tốt nhưng chưa đạt chuẩn vẫn có thể xem xét, sau đó đào tạo, bồi dưỡng thêm...

Qua buổi làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, chúng tôi được biết, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhiệm kỳ 2010-2015 tại Thái Nguyên cơ bản đạt số lượng, cơ cấu, độ tuổi; các tiêu chuẩn về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên rõ rệt. Quy hoạch Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 có 80 đồng chí, trong đó, 12,5% số cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là 17,5%, dưới 40 tuổi là 3,8%. Các chức danh lãnh đạo chủ chốt đều bảo đảm mỗi chức danh quy hoạch từ hai đồng chí trở lên; tất cả các đồng chí được đưa vào quy hoạch đều có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học, trình độ lý luận chính trị từ cao cấp trở lên. Ở cấp huyện, lần lượt là 16,3%; 24% và 14,2%... Các chức danh chủ chốt đều bảo đảm quy hoạch mỗi chức danh hai đến ba đồng chí... Qua đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, phần lớn các đồng chí trúng cử đều trong quy hoạch, với số phiếu tín nhiệm cao. Đảng bộ TP Thái Nguyên có 97,8% số thành ủy viên trúng cử trong quy hoạch; cấp cơ sở có hơn 80%. Tại kỳ họp thứ nhất của HĐND thành phố, 100% số chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND nhiệm kỳ 2011-2016 trúng cử nằm trong quy hoạch; ở xã, phường là 97,7%.

Quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng

Một trong những giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo nguồn cho tương lai, đáp ứng thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH ở Thái Nguyên là chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng chí Nguyễn Vy Hồng, Bí thư Huyện ủy Phú Lương nêu cách làm, Phú Lương là huyện miền núi giàu tài nguyên, khoáng sản, nếu cán bộ, nhất là các đồng chí giữ chức danh chủ chốt không đủ năng lực, trình độ sẽ dễ xảy ra sai phạm ở một số lĩnh vực như quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, giám sát chất lượng công trình... Bởi vậy, bên cạnh việc học tập nâng cao kiến thức lý luận, cán bộ trẻ cần được bồi dưỡng các kỹ năng quản lý, điều hành theo yêu cầu công việc và thực tế địa bàn đòi hỏi. Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lương Phạm Hữu Hoàn, một cán bộ trẻ (sinh 1977), năng động, được đào tạo cơ bản tại Trường ĐH Nông - Lâm Thái Nguyên, là một thí dụ. Qua thực tiễn công tác, gắn bó với cơ sở, tích cực hoạt động phong trào, đồng chí được cấp ủy, lãnh đạo và quần chúng tín nhiệm, được kết nạp Đảng năm 2006 và quy hoạch làm cán bộ nguồn; được cử đi học cao cấp lý luận chính trị, củng cố nền tảng kiến thức, để có thể đảm nhiệm cương vị mới.

Theo đồng chí Phạm Hoàng Sơn, chuẩn bị bổ sung nguồn cán bộ kế cận, từ nay đến năm 2016, Thái Nguyên đã xây dựng và thực hiện đề án, đào tạo 80 thạc sĩ, 20 tiến sĩ thuộc các chuyên ngành, bằng ngân sách. Triển khai thực hiện đề án, mỗi năm lựa chọn 50 suất học bổng toàn phần cho học sinh đỗ thủ khoa các trường THPT để đào tạo đại học trong nước, theo một số ngành mà tỉnh đang cần, với cam kết sẽ trở về tỉnh làm việc ít nhất năm năm. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách từ cấp huyện trở lên được sử dụng 10% trên tổng biên chế để tạo nguồn, áp dụng với những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường đại học hệ đào tạo tập trung, được hưởng chế độ công chức, nếu hoàn thành nhiệm vụ được thi tuyển, xét tuyển vào các cơ quan của đảng, chính quyền theo quy định. Đề án chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã yêu cầu với các chức danh chuyên môn cần có bằng đại học tại chức chuyên môn trở lên. Công chức cấp xã đi học được giữ nguyên lương, thêm hỗ trợ hệ số 0,3 (so mức lương tối thiểu). Mỗi xã được hợp đồng hai người (tổng số 181 xã) là sinh viên, tốt nghiệp đại học hệ chính quy với các chuyên ngành đào tạo về nông lâm nghiệp, kinh tế, văn hóa... Đề án đã được thực hiện từ năm 2002, đến nay nhiều trường hợp đã trở thành cán bộ chủ chốt cấp xã.

Trên cơ sở quy hoạch nhiệm kỳ 2015- 2020, từ năm nay, Thái Nguyên triển khai đề án tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã. Theo đó, mỗi xã chọn hai đồng chí dưới 40 tuổi, tốt nghiệp đại học chính quy, quy hoạch chức danh bí thư, chủ tịch UBND xã, cử tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị một năm và ba tháng về quản lý hành chính nhà nước. Cán bộ thuộc diện này được hỗ trợ học phí bằng 0,5 hệ số lương cơ bản, 0,3 cho chi phí đi lại... Dự kiến từ nay đến năm 2016, tỉnh sẽ mở bốn lớp để đến nhiệm kỳ 2015-2020, tất cả bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã đều tốt nghiệp đại học chính quy. Thái Nguyên cũng đã xây dựng cơ chế đặc thù để giữ và thu hút nhân lực trình độ cao về làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh.

Nắm vững mục đích luân chuyển cán bộ

Để đáp ứng yêu cầu tăng cường cán bộ cho cơ sở và đào tạo, bồi dưỡng toàn diện kiến thức, năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị cho lớp cán bộ trẻ, sáu năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện luân chuyển gần 400 lượt cán bộ từ tỉnh xuống huyện, cơ sở và ngược lại. Tất cả các huyện ủy, thành ủy, thị ủy đều có cán bộ luân chuyển. Một số cán bộ trẻ là trưởng, phó phòng, ban trong quy hoạch ở các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, dưới 40 tuổi đã được luân chuyển xuống cấp huyện, và ngược lại hoặc luân chuyển sang ngành khác có chuyên môn phù hợp, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác... qua luân chuyển nhiều đồng chí cán bộ đã trưởng thành rõ nét và có triển vọng đảm nhiệm cương vị cao hơn.

Ở phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Đức Lượng và Chủ tịch UBND phường Trịnh Xuân Luyện, là hai cán bộ tăng cường từ thành phố về. Phường Tân Thịnh được chia tách từ năm 2004. Khi đó, nguồn cán bộ tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu, Thành ủy đã tăng cường những cán bộ trẻ về giữ các chức danh chủ chốt. Từ thực tiễn công việc, hai đồng chí cho rằng, với cán bộ luân chuyển, mặt thuận lợi là từng công tác ở cấp thành phố, đã trải qua một số cương vị, có quan hệ công tác với các đầu mối ban, ngành nên khi về địa phương sẽ tạo những thuận lợi nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định mà cán bộ tăng cường phải học hỏi thêm vì đầu việc ở cơ sở rất nhiều, lại đòi hỏi phải giải quyết kịp thời nên cần sự phối hợp nhịp nhàng, ý thức cộng đồng trách nhiệm giữa cán bộ tại chỗ và cán bộ tăng cường trong quản lý, điều hành công việc.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Thái Nguyên Hà Nhân Hoan cho biết, kinh nghiệm trong công tác quy hoạch cán bộ là thực hiện đồng bộ các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và luân chuyển cán bộ. Hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thành phố, các cấp ủy đảng cơ sở, đánh giá đội ngũ cán bộ, trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy hoạch, lựa chọn cán bộ trong quy hoạch xem xét việc luân chuyển cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, để đến cuối nhiệm kỳ này, TP Thái Nguyên có hơn 40% số xã, phường, thị trấn có cán bộ luân chuyển.

Kế thừa và phát triển kết quả đã đạt được trong công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ thời gian qua, Tỉnh ủy Thái Nguyên tiếp tục ban hành Nghị quyết về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, phấn đấu đến đầu nhiệm kỳ đại hội 2015-2020, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong đội ngũ cấp ủy viên các cấp bảo đảm quy định, với độ tuổi bình quân trẻ hơn, chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/2.670/quy-ho-ch-ao-t-o-va-s-d-ng-i-ng-can-b-l-nh-o-qu-n-l-thai-nguyen-1.362778