Quy định về kê biên tài sản

(ANTĐ) - Hỏi: Vợ tôi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị tòa án quyết định kê biên tài sản thì các tài sản chung của tôi và vợ tôi được giải quyết như thế nào? Đối tượng nào bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản? Quy định về việc kê biên tài sản?

Trả lời: Kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo việc thi hành án. Trong thời gian kê biên, đối tượng bị áp dụng bị hạn chế quyền về tài sản. Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với đối tượng là với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên không phải tất cả các tài sản của những người thuộc các đối tượng trên đều bị kê biên. Khi tiến hành kê biên phải tuân theo các nguyên tắc sau: - Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. - Trong trường hợp có thể bị tịch thu toàn bộ tài sản thì kê biên vẫn phải để lại một phần tư liệu sinh hoạt tối thiểu, cần thiết cho gia đình bị can, bị cáo có điều kiện sinh sống như lương thực, thuốc, đồ đạc, dụng cụ sản xuất, chăn, màn, quần áo… - Chỉ kê biên phần tài sản thuộc quyền sở hữu của bị can, bị cáo hoặc người có trách nhiệm bồi thường. Nếu vợ bạn là đối tượng bị kê biên tài sản thì cơ quan có thẩm quyền kê biên tài sản chỉ được kê biên tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ bạn. Nếu vợ bạn không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành án thì kê biên phần tài sản của vợ bạn trong khối tài sản chung của vợ chồng bạn. Trước khi kê biên, cơ quan có thẩm quyền kê biên tài sản yêu cầu vợ, chồng bạn phân chia tài sản. Trường hợp vợ, chồng không phân chia hoặc không thỏa thuận được về phân chia và cũng không khởi kiện ra tòa án để phân chia tài sản, thì tùy theo số tiền, tài sản phải thi hành án và các yếu tố khác (như quyền, lợi ích của vợ, con chưa thành niên, người tàn tật...) để kê biên tài sản, nhưng không vượt quá 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm thi hành án. Nếu tài sản chung không thể phân chia, thì cơ quan có thẩm quyền kê biên tài sản có quyền kê biên toàn bộ tài sản và giải thích cho bạn quyền ưu tiên mua phần tài sản của vợ bạn theo quy định tại điểm d khoản 3 Mục 4 của Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC ngày 26-2-2001 của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Nếu bạn không mua thì sau khi bán, tài sản sẽ thanh toán lại cho bạn 1/2 giá trị tài sản và trích lại cho người phải thi hành án số tiền cần trợ cấp cho việc nuôi con chưa thành niên, người tàn tật hoặc những người khác mà người phải thi hành án đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có).

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=76683&channelid=13