Quy định mới về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học: Giáo viên và phụ huynh nói gì?

(VH)- Sau khi Văn Hóa (số 1792, ra ngày 13.1.2010) đăng bài Nỗi lo học sinh giỏi “ảo”, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của giáo viên và phụ huynh để rộng đường dư luận, chúng tôi trích đăng một số ý kiến xung quanh nội dung này. Vì lý do tế nhị, có ý kiến xin không nêu rõ tên, chức danh.

Khuyến khích các em... lười hơn Tâm lý HS lứa tuổi tiểu học không giống như người lớn, các em chưa hiểu hết rằng học là để tích lũy kiến thức cho bản thân mà rất thích thi đua, nhìn nhau để học... Một khi không còn quan trọng phần điểm số các kỳ thi đầu nữa thì các em dễ có tâm lý ỷ lại, chán học, lơ là. Thật sự mà nói, nếu em nào thích học thì dù có thay đổi quy định, cách tính điểm ra sao cũng không ảnh hưởng, các em vẫn học tốt, thậm chí không cần tổ chức thi cũng được, còn các em không thích học rồi mà làm cách này còn “khuyến khích” các em lười hơn. Khi các em chưa đủ bản lĩnh tự giác thì đánh giá bằng điểm số là cần thiết để tạo động lực, vấn đề là đánh giá ra sao để không gây áp lực cho các em. Khi áp dụng quy định mới này phải đảm bảo rằng tất cả học trò lúc nào cũng phấn đấu, không có em nào lười học thì mới được, vì nếu không, dễ tạo điều kiện cho một bộ phận HS “ung dung” học kỳ đầu, để rồi sẽ bị hổng kiến thức, mà nếu đã hổng thì các em có theo kịp chương trình nữa không? Vì thế, đánh giá liên tục cả năm vẫn là hay nhất, điều này sẽ hướng các em luôn luôn cố gắng. Nếu cho rằng cách làm trước đây gây áp lực cho HS và giáo viên thì cách làm mới chưa hẳn hiệu quả, điều quan trọng là chúng ta tổ chức thi như thế nào, chương trình ra sao để giáo viên và HS không nhận thấy quá tải mà thôi. (Một giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm TP.HCM) Cách tính mới này rất khoa học và khách quan! Cách tính mới này rất khoa học và khách quan, ở chỗ nào? Thế này, một em mà học thật giỏi ở học kỳ I được 10 phẩy, sang học kỳ II em học yếu chỉ có 2 phẩy thôi, cộng lại chia ra em này được 6, có phải là đủ điều kiện lên lớp không. Tuy nhiên, em này đủ điểm mà trình độ không đủ để học lên nữa vì lượng kiến thức nối tiếp của em không đủ. Còn một trường hợp khác, em này học dở ở học kỳ I nên được 2 phẩy, sang kỳ II em cố gắng được 9 phẩy, vậy trung bình em được 5,5 còn thấp hơn em kia nhưng lượng kiến thức của em vững hơn rất nhiều. Cho nên, dùng điểm thi học kỳ II để xét lên lớp là khoa học. Chúng ta nên tập dần cho các em một quan niệm mới như những thí sinh thi ĐH, dù có học giỏi các lớp dưới thế nào thì thi ĐH rớt vẫn rớt, không cộng trừ quá trình gì hết. Điều này để các em cố gắng học giỏi toàn diện và phấn đấu tiến bộ dần để đến cuối năm thi một lần sẽ được kết quả cao. (Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM) Sẽ được cho... thi lại! Cái phụ huynh lo nhất là sợ con em bệnh vào những ngày thi sẽ ảnh hưởng đến công trình học tập cả năm thì cũng đúng. Tuy nhiên, nếu các em có lý do hợp lý thì sẽ được cho thi lại, hoặc thi điểm dưới trung bình cũng sẽ thi lại. Còn chuyện nếu vì học lơ là mà không đủ kiến thức cho lần thi cuối năm (thay vì trước đây còn ỷ một tí vào điểm học kỳ I) thì phải chịu thôi, vì cách tính mới này nhằm khuyến khích sự tiến bộ của HS và cũng đánh giá theo sự tiến bộ này. (Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) Sẽ có “mưa” học sinh giỏi! Tôi thấy không ổn lắm với quy định mới này. Liệu những người soạn quy định có đảm bảo rằng chất lượng học tập của HS sẽ tốt hơn không với cách lấy điểm mới. Làm như vậy người bị căng thẳng và áp lực nhất chính là phụ huynh, còn thầy cô giáo thì sẽ khỏe hơn vì không phải cộng điểm và sơ kết các thứ, nhưng quan trọng nhất là chúng tôi sợ HS sẽ lơ là việc học hơn vì thiếu “chế tài”. Ở cách làm tròn điểm mới tôi thấy cũng có nhiều băn khoăn. Cách làm tròn này sẽ dẫn đến “cơn mưa” HS giỏi mà nếu như cách tính cũ thì không có. Chẳng hạn, ở môn Tiếng Việt, làm tròn có khi tới 3 lần. Môn này có 4 cột điểm nhỏ: Điểm đọc (gồm đọc thành tiếng được 4 điểm, đọc thầm 4,5 điểm) là 8,5 điểm, làm tròn thành 9; Điểm viết (chính tả được 4, tập làm văn 3,5) là 7,5 điểm, làm tròn thành 8. Cộng hai cột lớn lại của điểm đọc và điểm viết được 17, chia 2 thành 8,5, làm tròn là 9 điểm. Vậy hiển nhiên học lực môn này xếp loại giỏi. Nhưng nếu làm tròn sau khi cộng tất cả thì kết quả chỉ ra 8, xếp loại khá: một sự chênh lệch rất lớn.(Anh Mai Văn Mẫn, Q.8, TP.HCM) Xác suất “hên – xui” rất lớn Theo lý giải của những nhà quản lý giáo dục, cách đánh giá mới này vừa khoa học vừa khách quan. Nhưng chỉ lấy một lần điểm để đánh giá thì xác suất “hên – xui” rất lớn. Mà đã là “hên - xui” thì liệu có còn khoa học. Còn cách tính làm tròn điểm thì liệu có khách quan? Khi mà HS đạt 10 “chẵn” cũng giống HS đạt 10 phẩy “làm tròn”. Kiến thức là phải có quá trình tích lũy liên tục, cách đánh giá này không giúp các em học để tích lũy kiến thức mà học để thi. Ngay cả bậc đại học cũng tính điểm một lần thi hết môn nên đã biến đại đa số sinh viên thành những “tỉ phú thời gian”, chờ cho đến kỳ thi mới học, học chỉ cho qua kỳ thi, xong kiến thức xin “trả lại" cho quý thầy. Hãy cẩn trọng, tất cả vì tương lai con em chúng ta! (Bà Lê Phương, phụ huynh HS lớp 3 – Gò Vấp) Thùy Trang thực hiện

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/giaoduc/23286.vho