Quy định giới hạn về độ tuổi được ký HĐLĐ

Bà Nguyễn Thị Vinh (thivinh@...) hỏi: Lao động nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi được các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) trên 3 tháng có được đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc không và có bị khống chế độ tuổi của người lao động tham gia BHXH không?

Về vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Tại Điều 6 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) quy định người lao động (NLĐ) là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết HĐLĐ.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 145 BLLĐ và khoản 1, Điều 50 Luật BHXH thì NLĐ được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đã đóng BHXH như nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Đã đóng BHXH 20 năm trở lên.

Như vậy pháp luật về lao động có quy định giới hạn dưới về tuổi ít nhất được giao kết HĐLĐ và tuổi nghỉ hưu nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi. Nhưng không có quy định cụ thể giới hạn trên về tuổi cao nhất không được giao kết HĐLĐ. Đây là điều kiện mở, để những người có tuổi đời đã cao, nhưng còn khả năng lao động, có nhu cầu lao động tiếp tục giao kết HĐLĐ.

Theo khoản 3, Điều 4 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về HĐLĐ, thì đối với trường hợp NLĐ đã nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, nay tiếp tục ký HĐLĐ thì được giao kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo công việc có thời hạn dưới 12 tháng. Khi hợp đồng này hết hạn, nếu người sử dụng lao động có nhu cầu vẫn có thể tiếp tục ký HĐLĐ có thời hạn mới mà không phải chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định tại khoản 2, Điều 27 BLLĐ.

Vấn đề bà Nguyễn Thị Vinh hỏi, thực tiễn cho thấy NLĐ nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi được các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp ký HĐLĐ trên 3 tháng thường có hai trường hợp sau:

- Đối với NLĐ khi giao kết hợp đồng nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi, mà trước đây chưa có thời gian tham gia đóng BHXH. Theo nghiên cứu về sức khỏe, tuổi thọ trung bình, khả năng lao động của người cao tuổi Việt Nam thì đối tượng này chỉ có khả năng tham gia quan hệ lao động theo HĐLĐ ngắn hạn, nếu có tham gia BHXH thì thời gian đóng BHXH không nhiều.

Căn cứ khoản 1, Điều 5 Luật BHXH về nguyên tắc của BHXH thì mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH. Như vậy việc tham gia BHXH với thời gian ngắn của đối tượng này thực sự không mang lại lợi ích cho họ. Nếu tham gia BHXH thì việc hưởng các chế độ cũng phải căn cứ vào thời gian đóng BHXH. Ví dụ: Để được hưởng chế độ hưu trí phải có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên. Thời gian được nghỉ hưởng chế độ ốm đau cũng căn cứ vào thời gian đóng BHXH... Vì quy phạm pháp luật được xây dựng điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính phổ biến.

Trường hợp bà Vinh phản ánh là trường hợp cá biệt, do đó không thấy có quy định BHXH bắt buộc đối với trường hợp này. Do vậy, đơn vị sử dụng lao động có thể thỏa thuận trả một khoản tiền tương đương khoản tiền đóng BHXH, BHYT vào tiền lương hàng tháng cho NLĐ. NLĐ có thể tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện để được hưởng chế độ khám chữa bệnh khi ốm đau.

- Đối với NLĐ khi giao kết hợp đồng nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi, mà trước đây đã có thời gian tham gia đóng BHXH, đã nghỉ việc theo chế độ hưu trí, đã được hưởng lương hưu hàng tháng và đã được cấp thẻ BHYT thì theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP trường hợp HĐLĐ ký với người đã nghỉ hưu, thì khoản BHXH, BHYT, tiền tàu xe, nghỉ hàng năm được tính gộp vào tiền lương hoặc tiền công của NLĐ.

Theo đó, người đã nghỉ hưu và đang hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, tiếp tục ký HĐLĐ, thì ở giai đoạn này, NLĐ và đơn vị sử dụng lao động không phải đóng BHXH vào quỹ BHXH bắt buộc, bao gồm BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/quy-dinh-gioi-han-ve-do-tuoi-duoc-ky-hdld/20124/135821.vgp