Quy định dán tem CR trên đồ chơi trẻ em - Thị trường bị thả nổi

Ngày 15-9, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM ra quân kiểm tra việc dán tem kiểm định chất lượng (CR) đối với một số cơ sở kinh doanh các mặt hàng đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên tình trạng dán tem nhằm đối phó vẫn diễn ra công khai.

Phớt lờ quy định “Mẹ cho con xuống coi xe điện đụng nha mẹ”, tiếng bé Anh Minh (5 tuổi), con chị Nguyễn Võ Anh Thư, nhà ở quận 3 vang lên giữa dòng xe cộ đông đúc đang đứng chờ đèn đỏ tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - An Dương Vương (quận 5). Dù mẹ ra sức dỗ dành nhưng bé vẫn nằng nặc đòi xuống xem những món đồ chơi nhiều màu sắc đang được bày la liệt trên vỉa hè. Từ xe điện đụng, ô tô, xe lửa đến máy bay điều khiển từ xa, tất cả đều không có nhãn mác nhưng làm giống y như thật, khi lắp pin vào chạy còn phát ra ánh sáng và nhiều âm thanh réo rắt vui tai. Tương tự, dọc theo các tuyến đường Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi, Hồng Bàng (quận 5), Nguyễn Tri Phương (quận 10)… đồ chơi trẻ em không nhãn mác cũng được bày bán công khai trên vỉa hè. Khi được hỏi về quy định dán tem CR, những người bán ở đây đều cho biết: “Thấy hàng rẻ thì lấy về bán thôi chứ tụi tui cũng không quan tâm lắm đến chất lượng. Hơn nữa, bán ở vỉa hè lúc nào cũng phải né công an thì có tem hay không tem cũng chẳng khác nhau là mấy”. Ngay cả nhiều cửa hàng đồ chơi, siêu thị, nhà sách và một số chợ đầu mối cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dạo quanh một số khu chợ lâu đời ở TPHCM như chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6), đồ chơi trẻ em đa phần là hàng nhập lậu hoặc xách tay từ Trung Quốc, giá dao động từ 30.000 đến 150.000 đồng và hoàn toàn không có tem chứng nhận chất lượng. Chị Mai, một tiểu thương ở chợ Bình Tây, nơi được xem là trung tâm tập kết và phân phối đồ chơi trẻ em trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận, giải thích: “Hàng có tem chứng nhận chất lượng thường có giá cao hơn các sản phẩm cùng loại, màu sắc và mẫu mã lại không phong phú bằng hàng Trung Quốc nên khó bán”. Không chỉ người bán, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi thiếu nhi cũng bày tỏ: “Ai chẳng muốn mua đồ chơi đạt tiêu chuẩn chất lượng cho con nhưng khổ nỗi giá mắc quá. Tâm lý trẻ con lại mau thích mau chán nên không nhất thiết phải mua đồ chơi mắc tiền”. Một số người khác còn tỏ vẻ hoài nghi: “Giờ thiếu gì cách làm giả tem nên thật – giả chẳng biết đâu mà lần. Hơn nữa, tôi đã từng chứng kiến một chị tiểu thương ở chợ Bình Tây bán hàng cho khách, ai cần tem hợp quy thì chị lôi từ ngăn tủ ra một xấp tem dán theo yêu cầu của khách, người nào không cần thì trả tiền rồi thôi. Như vậy, dán tem hay không cũng có gì khác nhau?”. Thông tin ghi nhận được từ các đại lý và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TPHCM, hiện nay chưa có doanh nghiệp nhập khẩu hay nhà sản xuất đồ chơi nào đến các điểm bán lẻ thu hồi hàng không đạt chất lượng. Do đó, các đại lý và cửa hàng bán lẻ không thể biết được sản phẩm nào đã được chứng nhận hợp quy, sản phẩm nào chưa, nên việc mua tem về dán chủ yếu chỉ mang tính chất đối phó. Hơn nữa, những người kinh doanh mặt hàng này cũng bày tỏ lo ngại, chỉ nhận được thông tin đến 15-9 là thời hạn cuối cùng dán tem CR qua các phương tiện thông tin đại chúng, chứ chưa được một đơn vị hay cơ quan chức năng nào hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, ngay cả người bán còn chưa chắc phân biệt được tem thật – giả, huống chi người tiêu dùng. Vi phạm tràn lan Khi cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất tại cửa hàng kinh doanh đồ chơi số 144, 146 Ngô Nhân Tịnh (phường 13, quận 5), rất nhiều sản phẩm bị thu giữ như: lồng đèn Trung thu, máy tính nhựa kèm điện thoại đồ chơi… Lý do không dán tem hợp quy CR, dán tem photo trắng đen, có dán tem nhưng không xuất trình được hồ sơ, giấy chứng nhận hợp chuẩn… Giải thích nguyên nhân sai phạm này, chị Danh Thị Ngọc Trang – chủ cơ sở số 144 Ngô Nhân Tịnh cho biết: “Cơ sở chúng tôi thường nhận hàng từ công ty ký gửi. Các mẫu tem do đơn vị đặt hàng gửi tới. Do vậy, khi thiếu tem chúng tôi phải photo những con tem công ty gửi để dán vào các sản phẩm khác”. Tình trạng dán tem bát nháo cũng diễn ra tương tự tại một số trung tâm siêu thị điện máy như Nguyễn Kim, Ideas, Chợ Lớn, Thiên Hòa…; nhà sách Phương Nam, Fahasa… Tại Trung tâm điện máy Thiên Hòa, đa số các mặt hàng điện – điện tử đều dán tem; riêng mặt hàng ấm đun nước siêu tốc không dán tem. Hoặc có dán thì tem lem mực, khó đọc chữ. Ở Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, mặt hàng bàn ủi điện không dán tem CR. Siêu thị điện máy Ideas chỉ có một số ít bình đun siêu tốc dán tem… Khi thẩm định tem của Công ty cổ phần Thiết bị vật tư du lịch, chuyên sản xuất lồng đèn Trung thu (địa chỉ 192A Lý Tự Trọng, quận 1, nhà phân phối: 146 Ngô Nhân Tịnh, phường 13, quận 5) và Công ty TNHH Khang Hữu (địa chỉ 460 Hồng Bàng, phường 16, quận 11), một cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), khẳng định: “Các cơ sở kinh doanh này không kiểm tra chất lượng sản phẩm tại trung tâm chúng tôi nhưng trên tem CR ghi Quatest 3 là hoàn toàn giả mạo”. Bên cạnh đó, vị cán bộ này cũng cho biết, hiện tại Trung tâm Quatest 3 không chứng nhận hợp quy cho bất kỳ lồng đèn Trung thu nào. Trao đổi về việc xử phạt các hành vi vi phạm dán tem CR đối với các cơ sở kinh doanh, ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, tùy mức độ mà có thể phạt tiền, buộc gắn dấu hợp quy theo quy định trước khi đưa hàng hóa ra thị trường; thu hồi sản phẩm, hàng hóa không phù hợp đang lưu thông trên thị trường; buộc tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm... Về việc tem của Quatest 3 bị làm nhái, ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Quatest 3 cho biết là do sơ hở của nhà quản lý. Các đối tượng buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm dán tem giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mặc dù quy định sau thời điểm 15-9 tất cả đồ chơi trẻ em không dán tem CR sẽ bị tịch thu, nhưng trên thực tế vẫn còn hơn 90% sản phẩm lưu thông trên thị trường chưa có tem hợp quy. Thu Tâm - Thi Hồng Cùng ngày 15-9, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã đồng loạt kiểm tra 9 điểm gồm kho, cửa hàng, công ty có chứa trữ và kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn các quận 5, 6, 10, Phú Nhuận… Đơn vị kiểm tra đã tạm giữ hơn 1.000 cây súng đồ chơi thuộc danh mục đồ chơi bạo lực, hàng cấm kinh doanh; hơn 4.700 đơn vị sản phẩm và 20 thùng carton (chưa kiểm đếm) không có tem hợp quy CR, không có hóa đơn chứng từ. Cũng theo quy định của Bộ KH-CN, từ 15-9, có 6 loại thiết bị điện, điện tử (dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc khác, ấm đun nước, nồi cơm điện và quạt điện) khi lưu thông trên thị trường đều phải gắn dấu hợp quy. Theo công bố mới nhất của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, đến cuối tháng 8-2010 cả nước có 262 đơn vị nhập khẩu, 28 đơn vị sản xuất trong nước và 470 đơn vị kinh doanh được chứng nhận hợp quy cho 6 mặt hàng này. T.Lưu Thông tin liên quan Nhiều cửa hàng tự dán tem hợp quy CR photo để đối phó

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhipcaubandoc/2010/9/237364/