Quốc hội với hoạt động lập pháp

Các Đại biểu QH thảo luận tại kỳ họp thứ Tám, QH khóa XII ( Ảnh: Thanh Chương )

Từ Quốc hội khóa I đến nay, trải qua 65 năm với 12 khóa Quốc hội, bên cạnh việc ban hành bốn bản Hiến pháp (các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992), thực hiện chức năng lập pháp của mình, Quốc hội các khóa đã thông qua tổng số gần 300 đạo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hơn 200 pháp lệnh (chưa kể các nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật). Các đạo luật, pháp lệnh này có ảnh hưởng, chi phối mọi lĩnh vực của hoạt động Nhà nước và đời sống xã hội, là cơ sở quan trọng để thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nhìn lại lịch sử 65 năm qua cho thấy, hoạt động lập pháp của Quốc hội luôn bám sát phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ. Trong thời kỳ chiến tranh (1946 - 1975), tuy ít có điều kiện họp thường xuyên, Quốc hội đã ban hành các đạo luật quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chẳng hạn như với việc ban hành Luật Cải cách ruộng đất (năm 1953) đã 'trả' ruộng đất về tay nông dân, tạo cơ sở phát triển sản xuất đóng góp của cải vật chất cho công cuộc kháng chiến giải phóng và thống nhất đất nước. Sau giải phóng, vào những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có nước ta rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1984) Luật Công ty (năm 1990), Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (năm 1991), v.v. Đây là các đạo luật chứa đựng tư duy và cơ chế quản lý mới, cho nên đã tạo cơ sở pháp lý giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác, phát huy được tiềm năng của đất nước mở đường cho kinh tế phát triển mạnh mẽ, đưa nước ta dần thoát khỏi khủng khoảng, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển sau này. Sau đó, nhất là từ những năm đầu của thế kỷ 21 đến nay, trên cơ sở của Hiến pháp năm 1992, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã thông qua rất nhiều đạo luật, pháp lệnh nhằm thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động lập pháp của Quốc hội cũng đã có bước chuyển cơ bản. Trước đó trong tám nhiệm kỳ, Quốc hội mới chỉ thông qua được tất cả khoảng 60 đạo luật, nhưng kể từ đó tới nay với gần bốn nhiệm kỳ, Quốc hội đã thông qua được khoảng 240 đạo luật. Đến nay, các đạo luật, pháp lệnh do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về cơ bản đã bao quát tất cả các lĩnh vực và điều chỉnh được phần lớn các quan hệ cơ bản của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo nền tảng cho việc quản lý xã hội bằng pháp luật - một trong những yêu cầu thiết yếu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Kết quả hoạt động lập pháp này của Quốc hội thể hiện cụ thể trên các mặt sau đây: Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước: Quốc hội đã ban hành và sửa đổi nhiều đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, v.v. dần hoàn thiện các thiết chế này theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời, cũng ban hành các đạo luật về cán bộ, công chức, viên chức, v.v. làm cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ này, góp phần nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ công cho nhân dân; Trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân: với việc ban hành Bộ luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới, Luật Luật sư, Pháp lệnh tôn giáo, Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, v.v. các quyền cơ bản về chính trị, dân sự của người dân tiếp tục được hoàn thiện và bảo đảm thực hiện; Trong lĩnh vực dân sự, kinh tế: với việc ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, v.v. đã tạo cơ sở quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết quả thực hiện các đạo luật này đã mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2006, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và gần đây các nước ASEAN cũng như nhiều nước khác trên thế giới đã công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường; Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ: Quốc hội đã ban hành Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, v.v. Đây là các đạo luật quan trọng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển báo chí cách mạng; nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển khoa học - công nghệ, nhất là phát triển các ngành khoa học mới, công nghệ cao, công nghệ sạch; Trong lĩnh vực lao động - xã hội: với việc ban hành các đạo luật, pháp lệnh như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, v.v. đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng, bảo vệ và nâng cao chất lượng của đội ngũ người lao động; bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và các đối tượng yếu thế trong xã hội; thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân của họ; Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội: nhiều đạo luật được ban hành để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, có sức chiến đấu cao; xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác. Cụ thể là các đạo luật, như Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, Bộ luật Hình sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, v.v; Trong lĩnh vực đối ngoại, hội nhập quốc tế: với việc ban hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Luật Tương trợ tư pháp, Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, v.v. đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết, gia nhập các điều ước và tổ chức quốc tế, trong đó có điều ước và tổ chức quốc tế quan trọng như WTO, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), Hiến chương ASEAN, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (FTA), v.v; góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; đồng thời, cũng tạo cơ sở pháp lý cần thiết để thực hiện một cách nhanh chóng, hợp lý và có hiệu quả các yêu cầu tương trợ tư pháp, v.v. Với kết quả hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua, nền tảng chính trị - pháp lý của nước ta ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển vững chắc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trước những yêu cầu, thách thức đặt ra của thời kỳ mới, hoạt động lập pháp của Quốc hội vẫn còn có những hạn chế nhất định, như: vẫn còn có văn bản luật, pháp lệnh chưa đồng bộ, thiếu thống nhất; nhiều quy định vẫn còn mang tính chất quy định khung, thiếu cụ thể; khả năng dự báo thấp, tính khả thi không cao, v.v. Do vậy, trong thời gian tới, hoạt động lập pháp của Quốc hội cần được tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường nhiều hơn nữa. Để làm được điều này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải đặc biệt chú trọng tới ba yếu tố sau đây: Thứ nhất, cần phải thay đổi tư duy, coi đầu tư cho hoạt động lập pháp nói riêng và đầu tư cho hoạt động xây dựng pháp luật nói chung là đầu tư cho phát triển; Thứ hai, cần có giải pháp hữu hiệu để tăng cường năng lực hoạt động của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Thứ ba, tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng, ban hành luật theo hướng chuyên nghiệp như Quốc hội nhiều nước trên thế giới. Với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, chắc chắn rằng hoạt động lập pháp Quốc hội trong thời gian tới sẽ sớm giúp nước ta xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện, vừa là cơ sở hữu hiệu để quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhưng cũng vừa là cơ sở để người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. NGÔ TRUNG THÀNH Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/chinh-tr/chinh-tr-tin-chung/qu-c-h-i-v-i-ho-t-ng-l-p-phap-1.280390