Quảng Nam: Cấp phép khai thác vàng trái pháp luật?

Thời gian gần đây, dư luận, công luận đã phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép, hủy hoại tài nguyên rừng và gây ô nhiễm môi trường ở Quảng Nam ngày càng phức tạp. Thực ra, các doanh nghiệp khai thác vàng có phép hẳn hoi, nhưng suy cho cùng việc cấp phép này trái pháp luật...

Quảng Nam là một tỉnh có diện tích đất rừng khá lớn, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều tài nguyên rừng phong phú. Trên cơ sở kết quả thăm dò địa chất và từ năm 2006 trở lại đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký nhiều quyết định cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến vàng gốc ở các địa phương trong tỉnh. Xin nêu một trường hợp minh chứng: Tại Quyết định 3234/QĐ-UBND ngày 03-10-2008 đã thu hồi 14,17ha đất rừng do các hộ dân đang sử dụng tại khu vực Hố Chuối, thôn 2, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, cho Công ty TNHH khoáng sản Phúc Thuận (Cty Phúc Thuận) thuê để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản, chế biến vàng gốc. Quyết định có hiệu lực ngay kể từ ngày ký và giao cho UBND huyện Hiệp Đức thực hiện việc cắm mốc, giao đất, thu hồi đất; phối hợp với Cty Phúc Thuận bồi thường thiệt hại cho chủ sử dụng đất bị thu hồi. Tuy Quyết định 3234/QĐ-UBND căn cứ Luật Khoáng sản sửa đổi, bổ sung năm 2005, nhưng thực chất việc thu hồi đất để cho thuê đất khai thác vàng gốc là trái với Luật Khoáng sản quy định: "UBND cấp tỉnh cấp phép khai thác tận thu đối với khoáng sản còn lại ở mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý hoặc bãi thải trong khai thác, chế biến của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ” (Điểm d, Khoản 1, Điều 3b; Điểm b, Khoản 1, Điều 56; Khoản 1, Điều 49). Và Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Điểm c, Khoản 4, Điều 12 quy định: "UBND cấp tỉnh tổ chức chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 56 của Luật Khoáng sản sau khi được HĐND cùng cấp thông qua”.

Quyết định 3234/QĐ-UBND không phải thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định tại Điều 39 Luật Đất đai năm 2003. Việc cho Cty Phúc Thuận thuê đất khai thác khoáng sản vì lợi ích kinh tế thì không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 40 Luật Đất đai năm 2003 và trên cơ sở cho thuê đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện cho nhà đầu tư thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại về đất và tài sản gắn liền với đất với người đang quản lý sử dụng đất mới bình đẳng quyền lợi hợp pháp giữa bên thuê với bên cho thuê đất. Trong trường hợp này, quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh giao cho Cty Phúc Thuận phối hợp với UBND huyện Hiệp Đức bồi thường thiệt hại về đất, cây cối, hoa màu và vật kiến trúc gắn liền trên đất theo đúng phương án được duyệt là không đúng với Khoản 2, Điều 52 Luật Khoáng sản.

Quyết định 3234/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày ký và giao cho UBND huyện Hiệp Đức trực tiếp thu hồi đất của người đang quản lý sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhưng UBND huyện Hiệp Đức chưa triển khai thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản. Vô hình trung, UBND tỉnh Quảng Nam cho thuê đất khai thác vàng gốc tùy tiện đối với diện tích đất của người dân đang quản lý sử dụng trước khi bị thu hồi là không đúng nguyên tắc, trái thẩm quyền theo quy định của Luật Khoáng sản và không biết HĐND cùng cấp có đồng tình với UBND tỉnh trong việc cho thuê đất khai thác, chế biến khoáng sản vàng gốc này hay không?

Cũng trong năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định cho phép Công ty cổ phần Quảng Cường (Khối 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) khai thác, chế biến vàng gốc tại thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc. Sau khi có giấy phép khai thác, chế biến vàng gốc trong tay, Công ty cổ phần Quảng Cường ký hợp đồng cho ông Nguyễn Năm (hộ khẩu thường trú tại SN 48, Khu phố 5, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) thuê lại để hưởng chênh lệch 40% giá trị sản phẩm khai thác, chế biến thu được. Điều lạ là, doanh nghiệp và cá nhân nêu trên ký hợp đồng thật mà thấy như đùa. Bởi, hình thức của hợp đồng là căn cứ Pháp lệnh hợp đồng kinh tế của Hội đồng nhà nước ban hành năm 2007, nhưng năm 2007 làm gì còn cơ quan "Hội đồng nhà nước”? Và căn cứ Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-01-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989. Hai văn bản này đã được bãi bỏ kể từ ngày 01-01-2006, khi Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực thi hành. Hơn nữa, hợp đồng kinh tế này không được công chứng thì không thể có giá trị pháp lý theo quy định của Luật Công chứng năm 2007, nhưng nó vẫn tồn tại và làm phương tiện cho doanh nghiệp, cá nhân mặc sức phá rừng.

Đây là 2 trong 9 trường hợp cụ thể chứng minh cho việc cấp phép khai thác, chế biến vàng gốc trái quy định của pháp luật về khoáng sản. Vô hình trung chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường sinh thái trên các vùng núi ở tỉnh Quảng Nam. Hy vọng những người có trách nhiệm ở địa phương này có câu trả lời trước công chúng, đồng thời có biện pháp khắc phục hậu quả đã và đang xảy ra để trả lại môi trường sống và sự bình yên của núi rừng.

Thân Phước Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=59503&menu=1390&style=1