Quản lý rủi ro tín dụng trong ngân hàng

QĐND - Quản lý rủi ro là một nội dung quan trọng gắn liền với mọi hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM). Quản lý rủi ro tín dụng không có nghĩa là né tránh rủi ro, mà là xác định một mức rủi ro có thể chấp nhận được, trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp để bảo đảm rủi ro tín dụng của ngân hàng không vượt quá mức xác định trước đó.

Tại Việt Nam, có vô vàn những nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng ngân hàng, như do môi trường kinh tế không ổn định, nhất là những biến động lớn về thời tiết, khí hậu gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh (đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp). Rủi ro cũng có thể do môi trường pháp lý chưa thuận lợi. Chẳng hạn, khi có sự thay đổi về chính sách xuất, nhập khẩu vật tư thiết bị, sẽ ảnh hưởng tức thời và trực tiếp đến chi phí và doanh thu của doanh nghiệp, làm giảm doanh thu, từ đó gây khó khăn cho việc trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, nguyên nhân rủi ro chủ yếu vẫn là do chính các khách hàng gây nên. Khi xây dựng dự án vay vốn, doanh nghiệp nào cũng tìm đủ “trăm phương nghìn kế” để thuyết phục ngân hàng. Thậm chí, có ngân hàng đã bị lừa hoặc được bảo lãnh bởi những “cú phôn”… bên lề! Có những khách hàng vay vốn với động cơ làm ăn trong sáng, nhưng do yếu kém trong quản lý, điều hành, gặp bất lợi trong sản xuất kinh doanh, bị đối tác “chơi xấu”, bị đối thủ cạnh tranh…, cũng dẫn đến rủi ro cho ngân hàng.

Rủi ro cũng có thể do chính ban lãnh đạo ngân hàng chấp nhận cho vay những dự án mạo hiểm để thu về lợi nhuận cao; những cán bộ, nhân viên ngân hàng cố ý làm sai quy trình tín dụng, bỏ sót một vài bước trong quy trình để nhận được những khoản "hoa hồng" từ khách hàng.

Để khắc phục tình trạng nợ xấu hoặc hạn chế sự rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, điều cần thiết là bản thân các NHTM phải nâng cao năng lực quản lý của ban lãnh đạo, trình độ chuyên môn của nhân viên, đặc biệt là đạo đức của những người làm công tác tín dụng. Việc thay đổi các chính sách của Nhà nước cũng cần được công bố rõ ràng và có thời gian cần thiết để chuyển đổi phù hợp; từng bước hiện đại hệ thống thông tin quốc gia công khai; xây dựng hệ thống các chỉ tiêu trung bình ngành; tăng cường công tác thanh tra hoạt động tín dụng của các NHTM. Hiện nay, việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại các NHTM còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần giao cho Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng hệ thống các chỉ tiêu trung bình của mọi ngành kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), bởi đây là một trong những kênh thông tin giúp ngân hàng đối phó với vấn đề thông tin không cân xứng, góp phần nâng cao chất lượng phân tích tín dụng, phòng ngừa từ xa những rủi ro có thể xảy ra.

Nguyễn Thanh Vân

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/26/26/169261/Default.aspx