“Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam”

(VOV) - Đây là tên đề tài cấp Nhà nước vừa được Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức đánh giá, nghiệm thu sáng 16/6 tại Hà Nội

Đề tài do Giáo sư - Tiến sĩ Dương Xuân Ngọc, Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm chủ nhiệm. Đề tài đã tập trung làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị. Đồng thời khẳng định, kinh tế phát triển là cơ sở đảm bảo vững chắc cho ổn định chính trị xã hội, ngược lại sự ổn định chính trị xã hội là tiền đề, điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế. Xuất phát từ tư duy và nhận thức đổi mới, Đảng ta từng bước vận dụng đúng đắn và giải quyết sáng tạo quan hệ giữa kinh tế và chính trị, nhờ đó sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thực chất của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa với xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ Xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Qua đó, đảm bảo mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc cũng như hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Đề tài cũng gợi mở, trong mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị cần phát huy hơn nữa sức mạnh của dân tộc, của thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đổi mới chú trọng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật…/. Nguyễn Huy Nam

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/quan-he-giua-doi-moi-kinh-te-va-doi-moi-chinh-tri-o-viet-nam/20106/146840.vov