Quân đội Mỹ đã lên kịch bản tấn công Xy-ri?

QĐND - Tại phiên điều trần ngày 18-7 trước Ủy ban Quân lực Thượng viện, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mác-tin Đem-pxi (Martin Dempsey) cho biết, chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma đang xem xét việc đưa quân đội Mỹ tấn công Xy-ri. Đây là lần đầu tiên, một vị tướng quân đội cấp cao của Mỹ đề cập tới khả năng Mỹ trực tiếp can dự vào cuộc xung đột ở quốc gia này...

Tướng M. Đem-pxi cho biết, ông đã có trong tay kịch bản can thiệp quân sự vào Xy-ri. Ông còn tiết lộ quân đội Mỹ đang tiến hành huấn luyện các biện pháp bảo đảm an toàn cho kho vũ khí hóa học ở Xy-ri trong trường hợp can thiệp quân sự từ bên ngoài xảy ra. Khoảng 1.500 lính dù Mỹ thuộc Sư đoàn kỵ binh bay 82 đã tiến hành luyện tập nội dung đổ bộ ban đêm. Ngoài ra, tất cả 4000 quân thuộc sư đoàn sẽ tham gia vào khóa huấn luyện nhằm chuẩn bị cho khả năng trên. Theo mô tả kịch bản của tướng M. Đem-pxi, sau khi chiếm giữ một sân bay, các binh sĩ sẽ tấn công vào một tổ hợp giả định có chứa vũ khí hóa học, phong tỏa hiện trường, trợ giúp các chuyên gia tiến hành khử độc và sắp xếp lại các chất hóa học. Mục đích nhằm không để số vũ khí hóa học này lọt vào tay các thế lực khủng bố. Nếu kịch bản chiến tranh này được thực hiện thì Sư đoàn kỵ binh bay 82 sẽ là lực lượng tiên phong.

Tướng M. Đem-pxi tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện. Ảnh: AP

Tướng M. Đem-pxi nói, đã trình lên Tổng thống B.Ô-ba-ma các phương án dùng vũ lực ở Xy-ri để chọn lựa, bao gồm cả tấn công bằng đường không. Cụ thể các phương án là tấn công bằng tên lửa vào những cơ sở hạ tầng liên quan đến vũ khí hóa học, chuyển nhiều vũ khí hơn cho phe đối lập, lập vùng cấm bay, sử dụng máy bay không người lái tấn công một số mục tiêu, thậm chí đưa khoảng 20 nghìn lính Mỹ từ Gioóc-đa-ni sang để thực hiện một cuộc tấn công đường bộ.

Còn nhớ trước đó, hồi tháng 3, chính tướng M. Đem-pxi từng phát biểu ám chỉ việc đưa lực lượng quân đội vào Xy-ri là một ý tưởng tồi và cần phải thận trọng trong việc này. Vậy vì sao tướng M. Đem-pxi lại thay đổi và góp phần vào chuẩn bị kịch bản chiến tranh ở Xy-ri với vai trò là người chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ?

Tại cuộc điều trần, tướng M. Đem-pxi cảnh báo rằng, Tổng thống Xy-ri An Át-xát có thể vẫn sẽ nắm quyền trong vòng một năm tới, trừ phi Oa-sinh-tơn tăng cường sự ủng hộ dành cho phe đối lập. Hiện quân đội chính phủ Xy-ri đang chiếm ưu thế trên chiến trường và các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ nhận định, khả năng ông An Át-xát “sẽ chiến đấu đến khi chết”.

Trong khi đó, kế hoạch viện trợ vũ khí cho phe đối lập của Mỹ đang gặp trắc trở sau khi bị quốc hội ngăn cản. Anh, đồng minh của Mỹ cũng đã từ bỏ kế hoạch vũ trang cho phe đối lập Xy-ri và tin rằng ông An Át-xát có thể sẽ tiếp tục nắm quyền trong vài năm tới. Còn đồng minh Pháp vẫn đang bỏ ngỏ khả năng sẽ chuyển vũ khí tới Xy-ri cho phe đối lập.

Có thể nói, kế hoạch tăng cường viện trợ cho phe đối lập Xy-ri của Mỹ cùng các đồng minh không được thực hiện như mong muốn và kết quả thu được thì lại càng đáng thất vọng, vì nó không giúp lực lượng này thay đổi được cán cân trên chiến trường. Trong khi đó, các nước vẫn chưa đưa ra được chiến lược nào khác để chấm dứt cuộc xung đột.

Thế nên, chuẩn bị sẵn một kịch bản chiến tranh là việc không thể khác đối với Mỹ và đồng minh. Ngay trước khi tướng M. Đem-pxi tuyên bố về kịch bản này, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Đa-vít Ri-sớt (David Richards) tuyên bố, nước Anh phải chuẩn bị “chiến tranh” với Xy-ri.

Tại cuộc điều trần, giữa tướng M. Đem-pxi và Thượng nghị sĩ Giôn Mắc Kên đã có cuộc “đôi co” gay gắt về vấn đề liệu chính quyền ông B.Ô-ba-ma đã hành động đủ để hỗ trợ cho lực lượng đối lập Xy-ri hay chưa. Ông Mắc Kên tỏ ra không thỏa mãn với câu trả lời của tướng M. Đem-pxi khi ông đặt câu hỏi: “Liệu ông có tin việc (Mỹ) không có hành động gì ở Xy-ri như hiện nay sẽ dẫn tới những tổn thất và rủi ro tồi tệ cho lợi ích an ninh quốc gia nhiều hơn là những tổn thất và rủi ro khi tiến hành các hành động quân sự hạn chế?”. Tướng M. Đem-pxi đáp rằng, chính quyền Mỹ đã năng động trong việc hỗ trợ cho lực lượng đối lập Xy-ri, đồng thời khẳng định vai trò của mình trong việc cố vấn cho tổng thống B.Ô-ba-ma về những rủi ro cũng như những lợi ích của các lựa chọn quân sự. Nhưng ông cũng lưu ý, mọi quyết định cuối cùng đều phụ thuộc vào Tổng thống B.Ô-ba-ma.

Kết quả là ngay sau cuộc điều trần, ông Giôn Mắc Kên tuyên bố ý định sẽ ngăn cản Tổng thống B.Ô-ba-ma tiếp tục bổ nhiệm tướng M. Đem-pxi làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân thêm một nhiệm kỳ nữa. Diễn biến căng thẳng này cho thấy, chính quyền ông B.Ô-ba-ma đang chịu rất nhiều áp lực buộc phải hành động quyết liệt hơn với Xy-ri. Nhưng kể cả khi đã chuẩn bị sẵn một kịch bản chiến tranh thì việc phải lựa chọn hành động vẫn sẽ là điều không dễ dàng với chính quyền Oa-sinh-tơn.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/102/102/253027/Default.aspx