Quan điểm trái chiều về vụ án Nguyễn Thanh Chấn

Xoay quanh nghi án oan sai Nguyễn Thanh Chấn đã có không ít các ý kiến của các chuyên gia pháp lý về việc nên xem xét vụ án theo thủ tục tái thẩm hay giám đốc thẩm.

Trả lời tại buổi họp báo công bố Quyết định kháng nghị tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội Giết người, bà Nguyễn Thị Yến, vụ trưởng vụ III khẳng định: "Lý do kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là vì vụ án có thêm tình tiết mới. Một trong những cơ sở của tình tiết mới là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú".

Chuyên gia pháp lý nói

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì một trong những căn cứ để kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Trên báo Nguoiduatin.vn, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư Khánh Hòa) khẳng định: “Vụ giết người ở Bắc Giang không thể khởi tố vụ án mới, vì mỗi vụ chỉ được khởi tố bằng một quyết định khởi tố vụ án. Khi phát hiện tình tiết mới, cơ quan điều tra không thể căn cứ quyết định khởi tố vụ án trước đó đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực để khởi tố bị can đối với đối tượng mới phát hiện qua xác minh đơn tố cáo của gia đình người đã bị kết án oan.”

Ông Chấn ngày trở về.

Ông Chấn ngày trở về.

“Cơ quan điều tra cũng không thể khởi tố vụ án mới để xử lý đối với đối tượng mới đầu thú. Trường hợp này phải giải quyết theo trình tự tái thẩm, vì tình tiết mới làm thay đổi bản chất nội dung vụ án đã được quy định tại các điều 290,291 BLTTHS. Thẩm quyền kháng nghị tái thẩm vụ án này thuộc viện trưởng VKSNTC.”, luật sư Hồng Hà cho biết thêm.

TS. Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ: Nếu viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy cả hai bản án đã kết tội và tuyên phạt ông Chấn, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lại theo hướng tuyên bố ông Chấn không phạm tội, trả tự do cho ông thì Tòa phúc thẩm TANDTC là đơn vị thuộc TANDTC phải bồi thường mọi thiệt hại cho ông Chấn; đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý những người tiến hành tố tụng đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, gây oan trái cho ông Chấn. (Trả lời trên báo Giáo dục Việt Nam).

Còn TS Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thì khẳng định: “Rõ ràng ở đây là xuất hiện tình tiết mới. Tức là nếu trong quá trình xét xử ông Chấn và gia đình đi kêu oan mà Viện Kiểm sát tiếp nhận hồ sơ đó và ra quyết định xem xét lại vụ án thì phải là giám đốc thẩm”. (Trả lời trên báo Đất việt)

Cơ quan tiến hành tố tụng nói

Tuy nhiên, viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thì cho rằng: "Dù có tái thẩm hay giám đốc thẩm thì khi phát hiện những vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng nếu có, thì những vi phạm này vẫn bị xử lý, chứ không phải tái thẩm thì tránh được mà giám đốc thẩm thì không tránh được. Việc xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham gia quá trình tố tụng đều được đặt ra và xử lý nghiêm chứ không phải tái thẩm thì không đặt ra. Việc tái thẩm hay giám đốc thẩm thì kết quả cũng sẽ như nhau, chứ không phải giám đốc thẩm kết luận khác và tái thẩm cũng kết luận khác". (Trả lời trên báo Lao động)

Có phần đồng tình với quan điểm điểm của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Trần Văn Độ, phó chánh án tòa án nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Tái thẩm vụ án lưu ý: "Kết luận ông Chấn có tội hay vô tội là vội vàng, việc hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại là vừa phải". (Trả lời trên báo Dân trí).

Băng Tâm (tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/quan-diem-trai-chieu-ve-vu-an-nguyen-thanh-chan-a114435.html