Quá trình phát minh ra que diêm

Con người muốn đốt lửa để sưởi và nấu ăn, điều đó thúc đẩy họ phát minh ra các loại diêm. Người sống trong hang động đập đá cho tóe lửa với hy vọng đốt cháy lá khô.

Minh họa: An Phú

Đến mấy nghìn năm sau, người La Mã cổ cũng không tiến bộ hơn, họ vẫn chỉ biết đập hai hòn đá lửa rồi đốt đám gỗ vụn có quét lưu huỳnh. Ở thời trung cổ vẫn dùng cách đập đá lửa với gang để sinh tia lửa đốt cháy rêu khô hoặc nấm.

Năm 1681, một người Anh tên là Robert Poin lấy một que gỗ đã xử lý bằng lưu huỳnh rồi nhúng vào hỗn hợp lưu huỳnh và phốt pho để làm diêm. Nhưng loại diêm này rất dễ bốc cháy, không an toàn cho nên phát minh của ông không được ứng dụng.

Năm 1833, que diêm có đầu phốt pho dùng ma sát để bốc cháy đã được sản xuất tại Áo và Đức. Nhưng phốt pho trắng và phốt pho vàng rất nguy hiểm cho các công nhân sản xuất diêm. Do đó, theo quy định của Công ước quốc tế năm 1906, loại diêm này bị cấm sử dụng.

Cuối cùng, người ta dùng phốt pho đỏ là chất không độc. Như vậy đã phát minh ra diêm an toàn. Loại diêm này chỉ khi nào cọ xát vào bề mặt được xử lý đặc biệt thì mới bốc cháy.

HNM

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thieu-nhi/824842/qua-trinh-phat-minh-ra-que-diem