'Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau'

Năm vừa qua nước Pháp đã hứng chịu khá nhiều biến cố do khủng bố gây ra. Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II, Tổng thống đương nhiệm và Chính phủ đã buộc phải ra nghị định thông báo “Tình trạng khẩn cấp” vào hôm sau của tối 13.11.2015, thời điểm diễn ra cuộc thảm sát đẫm máu tại những quán cà phê và nhà hát Bataclan trong quận X và XI ở Paris, khiến 130 người chết và hơn ba trăm người bị thương.

Dòng người đứng tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát ngày 13.11.2015.

Một nghị định chỉ đưa ra khi đất nước có chiến tranh. Và đúng như vậy, Thủ tướng đương nhiệm - Manuel Valls - trong bài phát biểu trấn an, và cũng để cảnh báo với dân chúng, đã nói “Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến, một cuộc chiến thực sự chống khủng bố...”.

Một năm đã qua kể từ vụ xả súng đẫm máu thảm sát 12 nhà báo và một cảnh sát ngay trụ sở tuần báo biếm họa Charlie Hebdo tại Paris, chắc chưa một người dân Pháp nào quên được cơn chấn động kinh hoàng ấy, và hình ảnh biển người xuống phố diễu hành hòa bình, tay cầm nến, biển hiệu để bày tỏ tình đoàn kết với thân hữu của các nạn nhân và lên án hành động ghê tởm của những kẻ giết người, chắc vẫn còn lưu lại nơi đông đảo các trái tim nhân hậu trên thế giới... Và họ hẳn sẽ chưa quên hình ảnh trên bốn chục nguyên thủ quốc gia đến từ nhiều châu lục, và các tôn giáo khác nhau, tay trong tay tuần hành ngay trên đường phố Paris để phản đối hành động hành động man rợ đó!

Nỗi đau hồi đầu năm 2015 mới chỉ chợt tạm lắng thì cuối năm lại xảy ra hàng loạt vụ xả súng. Là kẻ “ăn nhờ ở đậu” tại xứ sở này từ gần hai chục năm, nỗi đau của tôi hòa chung với nỗi đau của dân tộc Pháp, tôi đồng cảm với gia đình các nạn nhân. Ấy là chưa nói chính bản thân tôi đã tránh được thảm nạn, bởi trước đó, tầm 7 giờ tối, tôi chở con gái đi dạo ngay trước cửa nhà hát Bataclan... Đường rất đông, cộng thêm các tín hiệu đèn xanh đỏ gần đó rất nhiều, khiến giao thông trên đường ùn lại. Các quán cà phê và nhà hàng đầy ứ khách, và tôi đã kịp kìm được câu chửi thề khi chợt nhớ đó chính là tối thứ sáu. Cho xe vào ga-ra và về được đến nhà, chưa kịp thay áo quần, thì đài truyền hình đưa tin. Tôi đã vừa sợ vừa uất hận...

Ngay đêm đó, đêm xảy ra thảm nạn kinh hoàng có thể nói là chấn động địa cầu đó, vô số những bức thông điệp đề nghị được trợ giúp những người gặp nạn đã được gửi đi, hoặc trực tiếp, hoặc qua các mạng xã hội với dòng chữ ngắn gọn kèm địa chỉ chính xác và số điện thoại để liên lạc như: “Nhà tôi còn một phòng trống, nếu bạn cần...”, hoặc “Cà phê và bữa sáng chờ đón bạn tại nhà tôi...” hoặc chỉ đơn giản là “cánh cửa nhà tôi luôn rộng mở để đón các bạn...”. Một số chủ quán cạnh nơi diễn ra thảm nạn còn đề nghị được dọn bàn ghế để biến cơ sở của mình thành một bệnh viện sơ cứu tạm thời...

Nhiều người vẫn có cảm giác rằng, dân Paris lạnh lùng, dân Pháp chỉ sống lịch sự bề ngoài và họ thuộc lớp người “đạo đức giả”, nhưng tôi thấy điều này không đúng! Người Paris yêu đời, yêu cuộc sống, họ lãng mạn và yêu vẻ đẹp, điều này là hiển nhiên. Họ yêu thích dân chủ và đất nước này đã cho họ điều đó. Họ thích nói ra những điều họ nghĩ. Họ sống hòa đồng với nhiều sắc tộc, nhiều tôn giáo khác nhau. Tính hài hước của họ thì có thể là đệ nhất thiên hạ, họ thích châm biếm mọi người và trên hết là họ châm biếm chính họ... Và có lẽ chính những điều đó đã gây lên lòng đố kỵ ganh ghét những kẻ khủng bố.

Nhưng người Pháp cũng rất bao dung! Một tuần sau thảm nạn, tôi bình tâm quay lại nơi đã diễn ra, nhà hát Bataclan đóng cửa im lìm, mấy quán cà phê kia cũng vậy, đây đó vẫn còn vương vết tích đau thương... Ấn tượng hơn cả là tại những nơi ấy, hàng trăm người xếp thành hàng dài đứng tưởng niệm trước chân dung các nạn nhân. Trong số khách đứng ở đó, tôi chắc sẽ có người thân của các nạn nhân. Họ không kêu gào đòi trả thù, mà họ chỉ đứng lặng, đặt hoa đốt nến và thì thầm những gì tôi nghe không rõ. Đây đó ngoài những bức thông điệp nhắn gửi đến nạn nhân và gia đình họ, trong nhiều thứ tiếng khác nhau, tôi còn nhìn thấy nhữn câu “Hãy tha lỗi cho những con người lầm lạc. Đấng tối cao sẽ che chở cho tất cả...”. Trong suốt nhiều tuần, chuông các nhà thờ Paris liên tục đổ dồn vào những giờ mà trước đây vốn chỉ dành cho ngày chủ nhật hoặc những ngày lễ lớn...

Người ta nói một con vật bị thương sẽ trở nên nguy hiểm, nhưng tôi nhận thấy một dân tộc bị tổn thương cũng trở nên độ lượng, thông minh và dễ gây xúc động. Điều đó được phản ánh rất rõ trong bức thông điệp của một thanh niên có tên Antoine Leiris gửi lũ khủng bố. Anh là cha của đứa trẻ mới hơn một tuổi, và vợ anh là một trong số 130 nạn nhân tử nạn tối hôm đó: “Tối thứ sáu vừa qua, các người đã lấy đi tình yêu của tôi, mẹ của con trai tôi, nhưng các người sẽ không có được sự hận thù của tôi. Tôi không biết các người là ai và tôi cũng không muốn biết. [...] Không đâu, tôi sẽ không tặng cho các người món quà mà các người mong muốn đâu: Lòng hận thù. Dẫu các người đã tìm kiếm lòng hận thù nơi chúng tôi nhưng đáp lại sự hận thù bằng cơn giận dữ, thì hẳn sẽ chẳng khác gì nhân nhượng chính sự u muội đã nhào lặn lên các người. Các người muốn tôi sợ ư, muốn tôi nhìn đồng loại xung quanh tôi với con mắt ngờ vực ư, rằng tôi sẽ chối bỏ sự tự do của mình để đổi lấy sự an toàn ư. Các người thua rồi. [...] Sáng nay tôi đã gặp lại cô ấy, sau nhiều đêm ngày chờ đợi . Cô ấy vẫn rất đẹp, hệt như lúc cô ấy rời khỏi nhà vào tối thứ sáu, cũng vẫn đẹp hệt như lần đầu tôi gặp và yêu say đắm cách đây 12 năm. Tôi biết cô ấy sẽ vẫn ở bên cha con tôi hàng ngày và chúng tôi sẽ gặp lại nhau trên cõi thiên đường dành cho những tâm hồn tự do, nơi mà các người không có chỗ... Tôi và con trai hơn một tuổi của tôi sẽ mạnh mẽ hơn tất cả các loại vũ khí của các người gộp lại. Con trai tôi mới mười bảy tháng tuổi, nó sẽ tiếp tục ăn, tiếp tục chơi như mọi ngày và sẽ như thế trong suốt cuộc đời nó, nó sẽ trực diện với các người bằng cuộc sống tự do và hạnh phúc của nó. Bởi với nó, các người chắc chắn cũng sẽ không bao giờ có được lòng hận thù”.

Tôn chỉ của tôn giáo là hướng thiện, muốn con người trở nên bao dung độ lượng hơn với người xung quanh, với thiên nhiên và những con vật... Tôi nhận thấy khi Tôn giáo dưỡng nuôi những con tim ăn năn, những trái tim bầm giập, thì tôn giáo là vô giá. Nhưng khi tôn giáo ấp ủ trong mình những tâm hồn èo uột, những bộ óc tăm tối ghen ghét u mê thì tôn giáo lại là cái nôi nuôi dưỡng những mối hiểm họa khôn lường...

Năm cũ qua, cầu mong cho năm mới tốt đẹp hơn, nhà nhà thái bình, Quốc thái dân an nếu không thì đâu đó trên quả địa cầu tiếng súng sẽ bớt nổ và máu chảy ít hơn.

Paris 11.1.2016.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/qua-con-hoan-nan-moi-hieu-long-nhau-516559.bld