QH thảo luận về Luật Nuôi con nuôi: Tránh “lách luật” bằng cách cho con đi làm con nuôi

(SGGPO).- Sáng 26-5, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Nuôi con nuôi và thảo luận về dự luật này.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng đối tượng được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định đối tượng và độ tuổi để được nhận làm con nuôi như vậy là hợp lý, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết quốc tế. Liên quan đến việc chấm dứt nuôi con nuôi, dự thảo Luật quy định theo hướng, việc chấm dứt nuôi con nuôi chỉ đặt ra khi con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt mối quan hệ này. Đây cũng là nội dung kế thừa quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành. Pháp luật về nuôi con nuôi của Trung Quốc và một số nước cũng có quy định tương tự. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như dự thảo Luật. Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng, quy định “người trong nước không nhận nuôi mới giao cho người nước ngoài nuôi” là không hợp lý bởi vì trên thực tế “nhiều con nuôi nước ngoài đã thành đạt, trở thành chính khách lẫy lừng”. Cũng theo ông Hồng, vấn đề cốt lõi là làm sao tránh cho trẻ không bị lợi dụng, xâm hại và có được người nuôi dưỡng, chăm sóc tốt. Đại biểu Phạm Thương Lượng (Yên Bái) lưu ý đến quy định cấm ông bà nhận cháu làm con nuôi, anh chị em nhận nhau làm con nuôi và cho biết, ở vùng dân tộc thiểu số, loại hành vi này khá phổ biến. Đại biểu đề nghị: “Nên cấm người có quan hệ ruột thịt trước (ông bà ruột, anh chị em ruột), sau quá trình tuyên truyền giáo dục rồi xóa bỏ hẳn, chứ quy định ngay như vậy thì trái với tập tục của đồng bào dân tộc và sẽ không khả thi”. Đại biểu Lượng và nhiều đại biểu cho rằng, việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới không nêu chi tiết trong Luật, mà giao Chính phủ quy định cụ thể là đúng đắn, nhưng Việt Nam cần sớm đàm phán với các nước láng giềng để thống nhất xử lý các trường hợp này. Đại biểu Tống Văn Thoóng (Lai Châu) đồng tình: “Việc nhận nuôi con nuôi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá phổ biến, nay theo dự thảo Luật thì hồ sơ, thủ tục hành chính hơi rườm rà. Đơn cử như việc chứng minh điều kiện kinh tế, khả năng chăm sóc... sẽ khó. Nuôi con nuôi trong nước nên đơn giản hóa thủ tục”. Riêng về trường hợp chấm dứt nuôi con nuôi, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đặt câu hỏi: “Dự thảo luật có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Trường hợp chỉ có một bên đề nghị chấm dứt nuôi con nuôi thì giải quyết như thế nào? Luật không quy định rõ”. Đây cũng là thắc mắc của nhiều đại biểu khác. Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi nói: “Nếu trong hai người cha mẹ nuôi chỉ người chồng hoặc người vợ muốn chấm dứt nuôi con nuôi thì có được không? Trường hợp con nuôi không xúc phạm, gây tổn hại trực tiếp cho cha mẹ nuôi, nhưng gây tổn thương cho con đẻ của họ thì có được chấm dứt nuôi con nuôi”? Đáng lưu ý, nhiều đại biểu đề nghị Luật có cách thể hiện “kín kẽ” hơn để tránh trường hợp các cặp vợ chồng cố tình cho con đi làm con nuôi để vi phạm pháp luật về kế hoạch hóa gia đình. ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2010/5/226877/