Pin không thể làm bánh chưng nhừ và giữ lá màu xanh

Khẳng định với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng thông tin luộc bánh chưng bằng pin không có cơ sở khoa học. Không có chuyện pin làm cho bánh nhanh nhừ và giữ lá còn xanh.

Thời gian gần tết là thời điểm rộ lên các thông tin về việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Điển hình trong số đó là thông luộc bánh chưng bằng pin với mục đích giúp cho bánh nhanh chín và có màu xanh bắt mắt. Theo đó, nhiều người bán hàng truyền tai nhau “bí quyết” để tiết kiệm thời gian nấu bánh. Đó là dùng lõi pin cho vào khiến bánh vừa nhanh chín, vừa có màu đẹp.

Thông tin trên khiến không ít người tiêu dùng hoang mang lo lắng, chị Hoàng My (Trung Kính – Hà Nội), đang xếp hàng chờ mua bánh ở một cửa hàng trên phố Hàng Trống cho biết: “Nhà tôi ở chung cư, không có điều kiện để gói bánh, mà ra chợ gần nhà mua thì sợ lắm, nghe đâu họ hòa cả bột trong quả pin để luộc bánh.

Chính vì thế nên tôi phải cất công đi gần chục cây số lên đây đứng chờ để mua bánh. Thôi thì thấy người ta kháo nhau là bánh ở cửa hàng này ngon, nên mình cũng tạm yên tâm về chất lượng”.

Những lo lắng của chị My cũng là lo lắng chung của rất nhiều người khi “tình thế” bắt buộc phải mua bánh chưng ở chợ về ăn Tết. Trước nhưng thông tin và lo lắng của người dân, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và Thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Luộc bánh chưng cùng pin nhanh chín là không có cơ sở khoa học.

Khẳng định với phóng viên PGS Thịnh cho biết, đây chỉ là những tin đồn thất thiệt mà không có cơ sở khoa học. “Không có chuyện quả pin làm cho bánh nhanh nhừ và giữ lá còn xanh, nếu nghe theo tin đồn này thì rất nguy hiểm vì trong quả pin có rất nhiều chất độc hại đối với cơ thể”.

Theo PGS Thịnh, trong pin chứa nhiều loại chất độc hại như thủy ngân, chì…đây là những chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến não và trực tiếp là bộ máy tiêu hóa khi ăn phải. Nếu ăn ít thì dễ dẫn đến ngộ độc, nhưng điều lo lắng nhất đó chính là sự tích tụ các chất độc hại này trong cơ thể, lâu dần sẽ gây nên những căn bệnh nguy hiểm như ung thư.

Cuối cùng, PGS Thịnh khuyến cáo người dân không nên nghe theo tin đồn mà cho pin vào để luộc cùng bánh chưng. Tối nhất nên luộc theo các truyền thống, còn nếu quá vội thì có thể cho bột ninh nhừ (NaHCO3) vào luộc cùng. Đây là chất được phép dùng trong thực phẩm.

Để nhận biết bánh chưng luộc bằng pin, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì rất khó phát hiện, tuy nhiên có thể dựa vào một số đặc điểm sau:

Về vỏ lá bên ngoài: Nếu vỏ lá bên ngoài có màu ánh tím hoặc màu xanh mướt thì nhiều khả năng đó là bánh chưng luộc bằng pin. Còn đối với bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống, thời gian luộc khoảng tầm 8 - 10 giờ, lá thường ngả màu, hơi vàng và không thể xanh mướt được.

Về vỏ bánh chưng: Với bánh chưng luộc bằng pin, vỏ bánh xanh rờn, nếp trong, bắt mắt hơn. Đối với bánh chưng luộc bình thường, vỏ bánh màu xanh nhạt hơn hoặc ngả thành màu hơi vàng. Nếp không được trong như bánh chưng luộc bằng pin.

Về nhân bên trong: Bánh chưng luộc bằng pin không được dền, vì ép chín nhanh nên không được dẻo, thơm mùi vị đặc trưng giống như bánh chưng luộc thông thường.

Lê Phương

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-nhanh/pin-khong-the-lam-banh-chung-nhu-va-giu-la-mau-xanh-c4a386467.html