Phút trải lòng của chiến sĩ Công an truy bắt tội phạm truy nã

Hàng loạt đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm đều được các chiến sĩ phòng PC52 bắt giữ thành công, các đối tượng đó đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Gặp Trung tá Nguyễn Vũ Hải, đội trưởng đội 3 phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Nam Định, chúng tôi như hiểu thêm được về những khó khăn vất vả mà các chiến sĩ phòng PC52 truy bắt các đối tượng truy nã.

Trong cái giá lạnh của mùa đông, bên ly trà nóng, Trung tá Hải đã chia sẻ với chúng tôi những công việc mà phòng PC52 đang làm.

“Toàn bộ đối tượng chúng tôi truy bắt thường là đối tượng nguy hiểm hoặc là đặc biệt nguy hiểm. Các đối tượng truy nã chủ yếu trốn ở vùng sâu, vùng xa hay biên giới. Trước khi ra lệnh truy nã thì cơ quan công an điều tra đã tập trung truy bắt nhưng không được nên chúng tôi mới truy bắt. Chúng tôi được giao nhiệm vụ trọng tâm truy bắt các đối tượng trốn truy nã từ 10 năm, 15 năm, 20 năm trở lên, các đối tượng mới thì nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm”, Trung tá Hải cho biết.

Sự khó khăn vất vả ở trong từng chuyên án luôn được các chiến sĩ phòng PC52 khắc phục.

“Trong quá trình truy bắt các đối tượng truy nã thì chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như lực lượng truy nã hiện nay khó tạo được ân uy với xã hội, thực tế thì chúng tôi không làm án nên khó tạo được uy với người dân. Bên cạnh đó, kinh phí cho chúng tôi thì rất ít, có những chuyên án kinh phí thấp nhưng chúng tôi vẫn phải khắc phục”, Trung tá Hải chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Vũ Hải, đội trưởng đội 3 - Phòng PC52.

Hàng loạt đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm đều được các chiến sĩ phòng PC52 bắt giữ thành công, các đối tượng đó đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Trong chuyên án bắt đối tượng Cường “trố” các chiến sĩ phòng PC52 đã phải theo đối tượng này vào Thanh Hóa, Nghệ An rồi tiếp vào đến Đắc Lắk, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận. Lần theo dấu vết của Cường “trố”, các chiến sĩ phòng PC52 đã phải đi nhiều chuyến rồi mới bắt được đối tượng đó trốn ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

“Có những đối tượng phạm tội nghiêm trọng như trộm cắp gây ra ảnh hưởng đến an ninh trật tự như đối tượng Nguyễn Ngọc Đương ở Văn Lâm, Hưng Yên trước đây có lệnh truy nã về tội đánh bạc của công an huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Sau đó, trốn sang Nam Định trộm đồ cổ và thành lập nhóm gồm 7 đối tượng chuyên đi trộm cắp.

Trong quá trình truy bắt thì đối tượng thì khó khăn vì đối tượng đó là tỉnh ngoài, rồi lại trốn truy nã bên Hưng Yên có kinh nghiệm chạy trốn. Chúng tôi đã xây dựng cơ sở, sàn lọc thông tin, qua đó phát hiện đối tượng đó có bồ ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Khi chúng tôi đến thì người phụ nữ này đã chuyển lên Bắc Giang rồi lại vào Mường Lát, Thanh Hóa

Chúng tôi vào đó xác minh, trên đường vào đó, đến nơi là 2h đêm, không có chỗ ngủ nên phải ngủ ở xe. Hôm sau, chúng tôi vào UBND xã nhờ xác minh, chúng tôi nhờ công an viên xã đó xác minh xem có phải hắn không vì chúng tôi không biết.

Sau đó, tôi quyết định phương án vây bắt đối tượng đó, xã trên đó giúp chúng tôi là chấn an người dân, sau đó, tôi và công an xã mỗi người cầm 1 khóa số 8, khi vào đó tôi ra hiệu ra sẽ bắt bập khóa vào hắn đồng thời cũng vào tay chúng tôi. Khi vào nhà thì tôi và phó công an xã đi thẳng vào trong buồng.

Tôi chỉ nói: “Đương, có phải là Đương không, anh ở Nam Định vào”, sau đó chúng tôi bập khóa vào, phủ khăn mặt lên tay là đưa thẳng ra xe về luôn”, Trung tá Hải kể lại.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều những chuyên án bắt các đối tượng truy nã được phòng PC52 thực hiện hành công. Có những hồ sơ của các đối tượng đã lâu năm, các chiến sĩ phòng PC52 đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ nào xem còn đấu tranh được nên sẽ xuống cơ sở xác minh, tìm kiếm. Có những đối tượng bỏ trốn vào trong nam đã thay tên đổi họ sinh sống, thậm trí còn lấy vợ sinh con. Có những đối tượng bỏ trốn 20 năm cuối cùng cũng bị bắt giữ.

Lệnh truy nã đối với đối tượng Trần Hung Kiên.

Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Hải chia sẻ: “Để tìm được thông tin đối tượng truy nã lẩn trốn thì trước tiên chúng tôi phải nắm chắc địa bàn, nắm chắc thân nhân lý lịch, đặc biệt là mối quan hệ đồng bọn, đặc điểm tâm lý thói quen để dựng lên một chân dung toàn bộ về đối tượng đó. Sau đó, ra soát rồi chọn ra điểm yếu để nắm bắt tình hình. Thậm chí, có những vụ chúng tôi phải tìm manh mối từ những người bị hại”.

Có một điểm các đối tượng bị truy nã ở Nam Định chủ yếu lẩn trốn ở các tỉnh biên giới phía bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, nếu trốn ở phía nam thì trốn ở khu công nghiệp như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.

“Ở Nam Định khi bắt các đối tượng không bỏ chạy, chỉ có tìm cách nhờ vả giúp đỡ chứ không bao giờ bỏ chạy. Khi chúng tôi bắt đều lên kế hoạch để đảm bảo an toàn cho anh em, nếu không an toàn thì chúng tôi không bắt. Chúng tôi bắt đối tượng luôn trong trạng thái bất ngờ chứ không để cho chúng có cơ hội phản kháng”, Trung tá Hải chia sẻ thêm.

Câu chuyện về những chuyên án bắt các đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm liên lục bị ngắt quãng do cơ sở liên tục báo tin về cho Trung tá Hải. Trước khi ra về, Trung tá Hải đã cho chúng tôi biết là hôm sau sẽ bay vào TP Hồ Chí Minh để bắt một đối tượng trốn truy nã lâu năm đang lẩn trốn trong đó.

Dù gặp nhiều khó khăn vất vả, thế nhưng các chiến sĩ phòng PC52 luôn cố gắng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ, bắt các đối tượng truy nã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Ngọc An

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/phut-trai-long-cua-chien-si-cong-an-truy-bat-toi-pham-truy-na-a225475.html