Phương Tây tung quân chặn Nga tại tử huyệt Baltic

Các nước phương Tây đang ráo riết triển khai vũ khí và quân ra biển Baltic nhằm ngăn chặn sức ảnh hưởng của Nga tại khu vực này.

Anh điều 5 tàu chiến tới biển Baltic ngăn chặn Nga

Ngày 10/2, báo The Guardian của Anh cho hay, London sẽ điều thêm 5 tàu chiến tới vùng biển Baltic như một phần trong kế hoạch tăng cường binh lực của NATO nhằm ngăn chặn Nga.

Bên cạnh đó, Anh cũng sẽ đóng góp một lực lượng đáng kể binh sỹ tham gia lực lượng NATO mới - dự kiến là 6.000 quân - để đồn trú theo cơ chế luân phiên tại 6 nước có chung biên giới với Nga.

Quyết định về quân số của lực lượng mới này sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vacsava (Ba Lan) mùa hè năm nay.

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Anh cũng như NATO đưa quân và vũ khí ra biển Baltic nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Nga tại khu vực này.

Hồi tháng 6 năm ngoái, 2 máy bay chiến đấu Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã liên tiếp chặn 1 phi cơ do thám Il-20M và 1 máy bay vận tải An-26 của Nga tại không phận phía trên biển Baltic.

Nhận định về vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết: “Chiến đấu cơ của Không quân Anh chặn máy bay quân sự Nga thể hiện cam kết của chúng tôi với NATO và an ninh của khu vực Baltic. Không quân Hoàng gia Anh đang làm những việc quan trọng để bảo vệ vùng trời quanh các quốc gia Baltic thuộc NATO”.

Anh đưa thêm 5 tàu chiến tới biển Baltic ngăn chặn Nga.

Vào trung tuần tháng 5, các máy bay chiến đấu Typhoon của RAF đã xuất kích để chặn 2 máy bay ném bom tầm xa của Nga gần không phận của Anh ở phía Bắc Scotland.

"Máy bay bị chặn, được xác định là Tupolev Tu-95, đã bị máy bay chiến đấu Typhoon theo sát cho tới chúng khi ra khỏi không phận của Anh”, thông báo của Bộ Quốc phòng Anh nêu rõ.

Trước đó, ngày 14/4, London cũng từng điều động các máy bay chiến đấu Typhoon để chặn 2 máy bay ném bom tầm xa của Nga sau khi các máy bay này bị phát hiện đang bay gần không phận Anh.

Ngoài những nỗ lực của Anh, NATO cũng tích cực đẩy mạnh các biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các máy bay của Nga trong vùng biển Baltic.

NATO hôm 17/3 đã ngăn chặn một nhóm gồm 8 chiến đấu cơ Su-27 và Su-34 cùng ba máy bay vận tải Nga trên vùng biển quốc tế.

"Các chuyến bay dân sự đi qua vùng Biển Baltic bị đe dọa trước hành động mờ ám của những chiến đấu cơ này", bà Viktorija Cieminyte, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Litva cho biết.

Theo báo cáo thống kê hàng tuần của Bộ Quốc phòng Litva, khoảng 16 máy bay quân sự khác của Nga, thuộc các chủng loại như máy bay thu thập thông tin tình báo, phi cơ tiếp liệu trên không và máy bay vận tải, đã bị lực lượng của NATO ngăn chặn trong năm 2015.

Nga biến Baltic thành tử huyệt với phương Tây?

Không phải ngẫu nhiên mà NATO cũng như các nước đồng minh dành nhiều nỗ lực trong việc cản trở và ngăn chặn các máy bay của Nga đi sâu vào vùng Baltic, khu vực kẹt giữa 2 vùng đất của Nga và là mắt xích tiến về phía đông của NATO.

Hồi tháng 3 năm ngoái, bất chấp việc Mỹ phản đối, Nga đã bắt đầu triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đến tỉnh Kaliningrad - nơi nằm giữa hai quốc gia Ba Lan và Lithuania là thành viên của NATO.

Thông tin này thực sự là ác mộng với phương Tây bởi từ năm 2013, ngay khi Nga mới hé lộ về bản kế hoạch triển khai này lập tức Mỹ và phương Tây đã có phản ứng gay gắt.

Tại thời điểm đó, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết Washington rất quan ngại về việc triển khai của Nga, đồng thời hối thúc Nga không có những bước đi có thể dẫn tới tình trạng bất ổn ở khu vực.

NATO và Mỹ đang ra sức tìm mọi biện pháp để ngăn chặn Nga tại vùng biển Baltic

“Chúng tôi kêu gọi Nga không nên có những động thái làm bất ổn khu vực”, bà Harf nhấn mạnh.

Ngoài ra, Mỹ và phương Tây cũng lo ngại rằng, các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật tiên tiến nhất Iskander-M của Nga khi được triển khai ở giáp biên giới NATO sẽ đe dọa trực tiếp kế hoạch triển khai các thành phần của hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa (AMD) của Mỹ ở Đông Âu, giáp với lãnh thổ Nga.

Bên cạnh đó, các chuyên gia quân sự cũng nhận định, sở dĩ phương Tây có phản ứng tiêu cực như vậy trước kế hoạch triển khai tên lửa Iskander-M tại Kaliningrad của Nga là bởi họ không có cách nào để hạn chế sức mạnh hủy diệt của loại tên lửa này nếu xảy ra xung đột vũ trang với Nga và Iskander-M được khai hỏa.

Rõ ràng, NATO và phương Tây đang hết sức quan ngại, dè chừng với Nga tại khu vực biển Baltic. Việc Moskva có thêm sức mạnh tại đây là mối đe dọa hàng đầu với những nước này.

Ngọc Hoàng (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/phuong-tay-tung-quan-chan-nga-tai-tu-huyet-baltic-3300073/