Phụ gia "bẩn" đầu độc thực phẩm

(TNO) Có đến 42% người kinh doanh, 68% người tiêu dùng chưa hiểu biết đúng cách sử dụng phụ gia thực phẩm (PGTP); tràn lan PGTP nhập lậu không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường; thậm chí vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm thay thế PGTP bằng phụ gia công nghiệp.

Đó là những mối nguy hại cho sức khỏe người dân được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế khẩn cấp cảnh báo.

Theo thống kê của Cục ATVSTP tại hội thảo “Phụ nữ nói không với kinh doanh và sử dụng PGTP không an toàn” diễn ra hôm nay 24.8 ở TP.HCM, VN hiện cho phép sử dụng 23 nhóm với 337 chất PGTP, bao gồm cả hương liệu.

PGTP không an toàn hay phụ gia công nghiệp được bày bán tràn lan không kiểm soát

Trong đó, PGTP sản xuất trong nước chỉ chiếm lượng rất nhỏ, khoảng 5 - 10% (trong tổng số lượng PGTP tiêu thụ ở VN). Các cơ sở sản xuất PGTP chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.

Bên cạnh đó, có khoảng 20 công ty chuyên nhập khẩu chính ngạch PGTP từ Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc (hàng xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 30%).

Theo Ủy ban Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế), trên thế giới hiện có 700 loại PGTP và hơn 2.000 loại hương liệu được phép sử dụng. Mỹ mỗi năm sử dụng khoảng 30.000 tấn, với 2.933 chất PGTP, cho khoảng 20.000 mặt hàng thực phẩm. Nhật Bản sử dụng 1.100 chất PGTP mỗi năm. Trung Quốc sử dụng 1.524 chất PGTP mỗi năm. Ngoài danh mục Codex, mỗi quốc gia còn có thể sử dụng nhiều loại PGTP khác nhau.

Còn lại, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục ATVSTP, thừa nhận có một lượng lớn PGTP được nhập lậu bằng con đường tiểu ngạch mà các cơ quan chức năng không thống kê được.

Đặc biệt, hầu hết PGTP nhập lậu từ Trung Quốc. Nhóm hàng nhập lậu này thường dùng trong sản xuất thực phẩm ở các cơ sở nhỏ lẻ.

PGTP là chất được đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm như: tạo nhiều màu sắc, mùi vị, kéo dài thời gian bảo quản, giữ chất lượng thực phẩm đến hạn sử dụng...

Việc sử dụng PGTP đã tồn tại lâu đời và bản chất không nguy hiểm. Tuy nhiên, điều đáng nói là gần đây nhiều cơ sở sử dụng PGTP không an toàn hay dùng phụ gia công nghiệp thay thế cho PGTP đang “đầu độc” thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ông Phong dẫn chứng, PGTP không an toàn có thể gây ngộ độc cấp tính nếu liều cao, như 1 g hàn the hấp thụ vào cơ thể có thể gây tiêu chảy, nôn mửa, nặng hơn có thể gây tử vong. Với liều thấp, những PGTP không an toàn có thể gây ngộ độc mãn tính như: 15% PGTP hấp thụ vào cơ thể sẽ tính lũy ở mô mỡ, mô thần kinh gây giảm cân, rụng tóc, suy thận…

Khảo sát từ năm 2008 - 2011 của Cục ATVSTP cho kết quả: Khu vực phía Bắc có đến 15,6% mẫu phở, bánh giò được kiểm tra dương tính với hàn the; 12,5% mẫu nước giải khát có chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép; 12% mẫu nước giải khát, mì ăn liền có phẩm màu kiềm.

Tại phía Nam, có đến 17,2% mẫu tôm tươi, bún dương tính với formol. Miền Trung: 18% mẫu thực phẩm có chứa chất bảo quản vượt ngưỡng; 5,7% mẫu thực phẩm dương tính với hàn the. Trong khi đó, tại Tây nguyên, 22,7% sản phẩm bánh, mứt, kẹo sử dụng phụ gia vượt ngưỡng cho phép...

"Ngộ độc" vì thiếu hiểu biết và lợi nhuận

Theo điều tra của Cục ATVSTP, có đến 42% người kinh doanh, 68% người tiêu dùng chưa hiểu biết đúng về PGTP dẫn đến vi phạm trong việc chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm không an toàn.

Một tiểu thương chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), cho biết: “Người tiêu dùng luôn đòi thực phẩm phải có màu sắc đẹp, bắt mắt, mùi phải thơm tho, vị phải đậm đà, phải dai, phải giòn… Vậy nên người sản xuất cứ theo yêu cầu đó mà "cải thiện" thực phẩm của mình bằng các loại PGTP”.

Ngoài ra, “PGTP đắt hơn nhiều lần phụ gia công nghiệp vì yêu cầu độ an toàn, độ tinh khiết; tác dụng mạnh (sát khuẩn, màu sắc). Do đó, nhiều người sản xuất kinh doanh đã vì lợi nhuận mà bất chấp ATVSTP, thay thế PGTP bằng phụ gia công nghiệp”, ông Phong nói.

Cơ quan chức năng kiểm tra nhiều loại thực phẩm được ướp phẩm màu, lạm dụng phụ gia để bắt mắt và bảo quản lâu

“Lợi ích kinh tế đã ăn sâu vào tiềm thức của người kinh doanh nên tuyên truyền thì họ nghe vậy thôi chứ vẫn làm (sử dụng PGTP không an toàn, sử dụng phụ gia công nghiệp). Vì vậy, phải có chế tài xử phạt thật nặng với người sai phạm”, bà Lưu Thị Lý, Trưởng ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) có ý kiến.

Các tiểu thương cho rằng cơ quan chức năng cần cấp chứng nhận kinh doanh thực phẩm , PGTP an toàn cho các hộ kinh doanh đảm bảo ATVSTP, quảng bá các hoạt động kinh doanh thực phẩm an toàn để người kinh doanh chân chính có quyền lợi, làm tốt hơn.

Hôm nay 24.8, 17 hộ kinh doanh ngành hàng PGTP tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), chợ đầu mối lớn về kinh doanh phụ gia, hóa chất tại TP.HCM, đã ký cam kết với Cục ATVSTP, Bộ Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM với nội dung: “Không kinh doanh các mặt hàng PGTP không an toàn”.

Cục ATVSTP cho biết, tại chợ Kim Biên, năm 2009, kiểm tra 21 quầy thì cả 21 quầy chưa có chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Đến năm 2011, kiểm tra 17 quầy hàng của chợ, cả 17 quầy đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

Bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng Ban quản lý chợ Kim Biên, cho biết: Ban quản lý chợ đã bố trí lại các ngành hàng đảm bảo tính khoa học và thương phẩm. Riêng ngành hàng PGTP được tập trung lại thành một khu vực. Tuy nhiên, do mặt bằng kinh doanh tại chợ nhỏ hẹp, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế nên việc bảo quản hàng PGTP tại chợ chủ yếu ở nhiệt độ thường làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Vì vậy, Ban quản lý chợ yêu cầu các hộ hạn chế trưng bày hàng hóa tại sạp, chỉ trưng bày hàng mẫu, hàng hóa mua bán để trong kho lưu trữ đúng quy định nhằm đảm bảo điều kiện bảo quản và chất lượng hàng hóa.

Bài, ảnh: Nguyên Mi

>> Thực phẩm bị “bỏ độc”, xử lý còn bỏ ngỏ

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120824/phu-gia-ban-dau-doc-thuc-pham.aspx