Phú Thọ: Giảm hộ nghèo nhờ các cuộc vận động

Trước thềm Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của tỉnh Phú Thọ, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phù Tiêu - Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ xoay quanh việc triển khai thực hiện các cuộc vận động trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Thưa ông, ông có thể cho biết một số nét nổi bật về kết quả đạt được trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trong thời gian qua ở tỉnh Phú Thọ? Ông Trần Phù Tiêu: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã được các cấp Mặt trận triển khai sâu rộng và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua 15 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đạt được những kết quả khả quan. Toàn tỉnh có 98% khu dân cư triển khai đầy đủ và hiệu quả 6 nội dung của cuộc vận động. Hàng năm tỉnh đều tổ chức tốt việc đăng ký gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 245.537/314.792 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; 2.292/2.865 làng, khu, phố được các cấp công nhận danh hiệu văn hóa, 2.292 nhà văn hóa khu dân cư được xây dựng. Các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội đã được các cấp chính quyền phối hợp với Mặt trận quan tâm triển khai rộng khắp, thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Đặc biệt, hàng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn tốt việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC, qua đó đã tạo không khí phấn khởi, tinh thần đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đối với cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, trong 10 năm thực hiện, không chỉ kêu gọi sự sẻ chia của các nhà hảo tâm trong tỉnh mà còn nhận được sự ủng hộ, đóng góp của đông đảo cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Từ năm 2001 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” toàn tỉnh đã vận động được trên 127 tỷ đồng, góp phần mang tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Được biết, tỉnh Phú Thọ cũng đang nỗ lực thực hiện Chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Ông có thể cho biết bao nhiêu gia đình đã được ở trong những ngôi nhà vững chãi? Thực hiện Quyết định 167/TTg-CP của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, tháng 4-2010, tỉnh Phú Thọ tổ chức Chương trình “Nối vòng tay nhân ái - Vì người nghèo Đất Tổ” nhằm huy động thêm các nguồn lực trong xã hội để cơ bản xóa xong toàn bộ số nhà tạm trên địa bàn tỉnh trong năm 2010. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ, đăng ký ủng hộ của đông đảo các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp với số tiền trên 102 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, 1.320 hộ nghèo đã xây dựng xong nhà ở, 1.750 hộ đã khởi công xây dựng trên tổng số 6.752 số nhà cần phải xóa trong năm 2010. Số hộ gia đình còn lại đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẽ khởi công trong thời gian sớm nhất. Thiết nghĩ, để đạt được những thành công trên, vai trò của cán bộ MTTQ cơ sở là rất quan trọng. Phú Thọ có những biện pháp gì để tiếp tục nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ này? Trong hoạt động công tác Mặt trận, chúng tôi luôn quan tâm hướng về cơ sở. MTTQ tỉnh chủ động phối hợp mở các lớp bồi dưỡng tập huấn ở tỉnh và huyện cho đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở để nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ; kịp thời động viên và khen thưởng những cách làm hay, sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở. Quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và huyện, các cấp ủy Đảng đã quan tâm lãnh đạo, bố trí cán bộ chủ chốt Mặt trận khi có đủ điều kiện tiêu chuẩn thì đều bố trí cơ cấu tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ cấp ủy. Hiện nay, toàn tỉnh có 75% Chủ tịch MTTQ cấp xã tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ cấp ủy; trong đó gần 30% Chủ tịch MTTQ cấp xã tham gia Ban thường vụ cấp ủy. Cấp huyện có 12/13 đồng chí lãnh đạo MTTQ tham gia Ban Thường vụ cấp ủy. Điều đó thể hiện vai trò, vị thế của Mặt trận, cán bộ Mặt trận đã được nâng lên một tầm mới, đồng thời thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự tin cậy của nhân dân đối với hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay. Theo ông, thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh Phú Thọ cần tập trung vào các nội dung lớn nào để có thể nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào, các cuộc vận động? Tôi cho rằng, việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể nhân dân là rất cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 20/NQ-TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân đến năm 2015”, đồng thời, MTTQ các cấp tỉnh Phú Thọ tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết TƯ 7 (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, Phú Thọ đạt tỉnh nông thôn mới. Công tác Mặt trận đòi hỏi tính kiên trì, liên tục và bền bỉ bằng sức mạnh của tập thể, của toàn dân. Vì vậy MTTQ các cấp trong tỉnh Phú Thọ xác định tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động thông qua việc đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động nhằm khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp. Trân trọng cảm ơn ông! Đức Thắng - Hồng Ngoan (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=16988&menu=1367&style=1