Phong tục đón Tết của người H'Mông ở bản Lềnh - Văn Chấn -Yên Bái

Tại Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái, người H’ Mông vẫn đón Tết trong bóng tối mà không có điện. Đối với họ điện soi sáng cho ngôi nhà chính là mặt trời của núi rừng, của đại ngàn.

Trong khi xã hội phát triển, điện là nhu cầu không thể thiếu đối với con người thì ở nhiều nơi khác giữa núi rừng đại ngàn, đến tận năm 2016, họ vẫn chưa được biết đến điện là gì. Có lẽ điện để soi sáng cho ngôi nhà chính của họ là ánh sáng của mặt trời mỗi ngày.

Cách xã Sơn Thịnh chỉ 4km nhưng điện vẫn chưa thể về với những người dân bản Lềnh. Có chăng những nhà khá hơn tự chế trạm thủy điện mini đặt ở các khe suối để nối điện về. Tuy nhiên, trạm thủy điện mini tự chế này cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu của họ, đó chỉ được gọi là tạm đủ cho nhu cầu hạn hẹp. Hầu hết các gia đình vẫn phải đun bằng bếp củi với khói cay nhòe mắt, thắp sáng bằng nến, hoặc đèn dầu.

Mọi người quây quần bên bếp lửa.

Năm nào cũng vậy, những người dân bản Lềnh vẫn đón Tết mà “không cần” đến điện. Năm nay cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, dù không có điện đón Tết nhưng họ vẫn rất vui vẻ, hòa chung niềm vui đón xuân của đất nước.

Ở bản Lềnh, hầu hết người dân ở đây đều là người H’ Mông vì vậy phong cách đón Tết của người H’ Mông cũng không giống với người Kinh. Nếu như trước đây người H’ Mông đón Tết Dương thì giờ đây, khi được nhà nước quan tâm, họ cũng đã đón Tết giống người xuôi, ăn Tết theo lịch âm.

Tết của người H’ Mông khác rất nhiều so với người Kinh. Người Mông không trang trí nhà cửa quá cầu kỳ. Từ trước Tết, họ đã chọn mua những tờ giấy bạc, rồi cắt thành hình những đồng tiền dán vào bàn thờ và các cột trong nhà, chuồng bò.

Người Mông quan niệm đó chính là vàng, là bạc là tiền cầu phúc cho năm mới với mùa màng bội thu đồng thời cũng là vật xua đuổi ma quỷ, cầu mong cho trẻ con khỏe mạnh, mau lớn.

Những tờ giấy dán trên vách nhà sẽ được giữ đến tết năm sau mới được thay giấy mới.

Lễ cúng năm mới của người Mông cũng rất công phu bao gồm cả lễ sống và lễ chín.

Gà được đem cúng sống.

3 chòm lông ở cổ của con gà chấm tiết rồi dán lên bàn thờ.

Trưởng họ sẽ lựa chọn con gà trống đẹp nhất, sau khi khấn vái thần linh rồi đem mổ, họ sẽ nhổ lấy 3 chòm lông ở cổ của con gà chấm tiết rồi dán lên bàn thờ. Điều này mang ý nghĩa bảo vệ cho mọi người đặc biệt là trẻ em trong nhà tránh được tai ương, bệnh tật.

Sau khi cắt tiết gà, phụ nữ sẽ đảm nhận nhiệm vụ vặt lông, mổ và luộc gà.

Gia chủ dán giấy lên cuốc, dao,... để cho chúng được nghỉ ngơi.

Trong ngày Tết, người Mông sẽ cất hết cuốc, súng, thuổng, những vật dụng làm nương... vào nhà và dán giấy vào những vật dụng đó. Trong 3 ngày, những vật dụng này sẽ được nghỉ ngơi, không ai được mang ra sử dụng.

Những thanh niên khỏe mạnh sẽ thay nhau để giã bánh dày. Đây là công việc mọi người rất thích thú.

Giã bánh dày cho đến khi cầm chày kéo lên tạo được độ dính và độ dẻo như thế này tức là bánh dày đã được.

Đối với người Mông Tết dù to hay bé cũng không thể thiếu món bánh dày. Người Mông quan niệm, hai cái bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời và tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.

Bánh dày được làm rất công phu. Nguyên liệu chính là gạo nếp nương thơm. Trong đó, gạo đãi sạch rổi đem đồ xôi sao cho thật dẻo. Sau đó mang ra máng gỗ và dùng chày gỗ để giã.

Sau khi giã bánh dày xong, phụ nữ sẽ cạo bánh dày ra và chia thành những miếng nhỏ.

Bánh dày sẽ được gói vào lá chuối và có thể để được 3 tháng, chỉ cần bóc lớp vỏ cứng ở ngoài.

Khi các chàng trai khỏe mạnh lực lưỡng giã bánh thì các bà các cô chuẩn bị lá chuối để gói bánh. Bánh giã xong được chuyển ra mẹt đã láng lòng đỏ trứng gà cho khỏi dính.

Bánh dày của người Mông khác hoàn toàn với người Kinh, bánh dày to không có nhân và có thể để được hàng tháng trời. Bánh dày cũng được coi là món ăn truyền thống, không thể thiếu trong ngày Tết. Đối với họ, Tết thiếu bánh dày thì không được gọi là Tết.

Sau khi gà đã chín, bánh đã dẻo, tổ tiên đã được con cháu kính mời, mọi người quây quần bên bên mâm cơm cùng với ông bà, cha mẹ ăn những món ăn truyền thống.

Trong ngày đầu năm mới, trẻ em được người già trong họ cầu chúc những lời chúc tốt lành cho một năm mới chăm ngoan, học giỏi.

Hồng Nhung

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/phong-tuc-don-tet-cua-nguoi-mong-o-noi-khong-dien-ban-lenh-van-chan-d5959.html