Phong tục đi chúc tết cả xóm

Không biết ở những vùng miền khác như thế nào, chứ ở quê tôi có tục lệ đi chúc Tết cả xóm.

Ảnh minh họa

Phong tục được bắt đầu từ mồng hai Tết cho đến hết ngày mồng năm. Lý do người ta không đi chúc Tết ngày mồng một, tức ngày đầu tiên của năm mới là bởi vì kiêng cữ nhiều thứ, nên đa phần ở nhà dành thời gian cho gia đình và người thân hoặc đi chùa cúng bái cầu an.

Mồng hai Tết, chỉ mới từ hừng đông là mọi người đã tụ tập lại nhà một người trong trang phục chỉnh tề, rồi sau đó kéo nhau đi chúc Tết từ đầu đến cuối xóm. Nhất là cánh thanh niên, cả nhóm chừng 15-20 người mặc áo trắng lịch lãm, quần jeans hoặc tây. Vì cả xóm có rất nhiều hộ gia đình nên cần phải tranh thủ đi rất sớm, nếu không sẽ chẳng kịp thời gian. Ngoài ra, mọi người cũng cần phải phân bố thời gian sao cho hợp lý, chẳng ở lại một nhà nhưng cũng không nên đi quá vội như kiểu chạy giặc làm mất hay.

Chúc Tết được chia theo phe, nhóm, giới tính. Thường thì chia thành 4 nhóm: Thanh niên, con gái, phụ nữ trung niên - cao tuổi, đàn ông trung niên - cao tuổi. Tất nhiên cũng có nhiều người đi chúc Tết đánh lẻ vì lý do bận việc riêng, không thích ồn ào, hoặc xa quê về thăm nhà. Náo nhiệt nhất và vui nhất vẫn là nhóm thanh niên. Bởi do sự năng động, dí dỏm và tính chịu chơi, tức thích ăn nhậu và nhảy múa (khi đã say rượu) .

Thường trong nhóm sẽ chọn ra một người ăn nói có duyên thay mặt cho mọi người chúc gia chủ. Nhưng cũng cần lưu ý rằng tên người “đầu têu” phải mang ý nghĩa tốt đẹp. Cứ như những tên Xu, Hào, Bần, Hàn… thì một số nhà sẽ khó chịu vì quan niệm người “xông đất” như vậy thì cả năm sẽ nghèo khó, làm hoài không dư. Ngày Tết hầu như nhà nào cũng có tiết mục ăn nhậu nên đám thanh niên “khi đi quần áo bảnh bao/ Khi về say xỉn xuống ao, lên bờ”.

Vui và no bụng nhất là đi chúc Tết mồng ba. Mọi nhà đều cúng ông bà bằng con gà trống choai béo núc. Món ăn không chỉ có gà mà còn ê hề các thứ khác như: Thịt kho rệu, gỏi vịt, dưa cải, củ kiệu tôm khô, và nhiều món đặc sản khác ở quê. Sau màn chúc Tết, gia chủ sẽ mời dùng bữa và nhâm nhi chút rượu. Những năm gần đây kinh tế người dân được cải thiện nên từ rượu người ta đã chuyển lên thành bia theo phong trào. Vả lại, ai cũng hiểu tác hại của rượu, uống rượu quá say dẫn đến không kiểm soát lý trí gây ra tai nạn giao thông, đâm chém nhau, phá làng phá xóm. Bia là an toàn và hợp lý nhất.

Nói chúc Tết cứ tưởng đơn giản nhưng thực ra cần phải có bài bản đàng hoàng. Người được chọn tiên phong sẽ bước vào nhà gia chủ trước khi xin phép được chúc Tết rồi sau đó cả nhóm mới đi vào. Tiếp đến là cả nhóm cùng đốt nhang ông bà gia chủ, khấn vái những điều tốt lành. Sau đó gia chủ sẽ mời dùng nước trà, ăn bánh mứt và hàn huyên tâm sự (nếu gặp tiệc nhậu thì sẽ dùng rượu bia thay trà). Chỉ độ 10 - 15 phút thôi, cả nhóm đứng dậy chuẩn bị ra về. Trưởng nhóm sẽ không quên chúc gia chủ một câu ý nghĩa, đại loại như: “Năm mới con chúc gia đình chú phát tài, làm ăn khấm khá, mua may bán đắt, sức khỏe dồi dào…”. Tùy vào cái duyên ăn nói và câu chữ của từng người mà câu chúc sẽ phong phú và hoa mỹ hơn.

Có người còn sáng tác ra cả bài thơ lục bát vần điệu hẳn hoi để chúc Tết. Ngoài ra cần phải hiểu ý gia chủ để tránh đi những chuyện không hay. Ví dụ như người bán hòm thì không được chúc “bán đắt như tôm tươi” (dù biết rằng ai buôn bán cũng muốn thế) nhưng vì công việc kinh doanh này quá nhạy cảm. Chúc như thế chẳng khác nào trù ẻo trong xóm có nhiều người chết liên tục.

Phong tục này đã có từ lâu đời và được duy trì, phát huy cho đến ngày hôm nay. Thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, cứ thế mà làm. Mỗi năm, những người đàn ông, phụ nữ trung niên cứ đi chúc Tết là dẫn theo con nhỏ, một phần cho trẻ đi chơi và đặc biệt giúp trẻ làm quen với nét văn hóa này. Điều đó góp phần cho sự bền vững của phong tục đi chúc Tết cả xóm.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/cuoi/phong-tuc-di-chuc-tet-ca-xom-660006.html