Phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên

Trong những năm gần đây, thực trạng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận học sinh, sinh viên (HSSV) đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm.

Không ít HSSV có những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, lối sống dẫn đến đua đòi chạy theo những giá trị vật chất đơn thuần, ham hưởng thụ, mải mê sa đà vào những tệ nạn xã hội, bị cuốn hút vào các trò chơi thiếu lành mạnh thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2002 đến nay, tình trạng HSSV vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ phạm tội và mức độ nghiêm trọng, với khoảng gần 11 nghìn trường hợp, trong đó các hành vi gây rối trật tự công cộng hơn hai nghìn trường hợp, tội phạm ma túy 815 trường hợp, giết người 83 vụ, cướp tài sản 1.372 vụ và xâm hại sức khỏe, tính mạng là 1.117 vụ. Đáng chú ý, gần đây xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn với tính chất nguy hiểm như: học sinh nữ tụ tập đánh nhau, quay phim phát tán trên mạng, HSSV cầm dao chém nhau ngay trong khuôn viên trường, ký túc xá... gây tâm lý hoang mang cho cha mẹ học sinh và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng nói tục chửi bậy trở nên phổ biến, tình trạng học sinh sa đà vào các trò chơi điện tử, xao nhãng học tập cũng ngày càng gia tăng.

Theo Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Ngũ Duy Anh, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, các hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội cộng với sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền đã gây tác động xấu đến tâm lý, nhận thức của HSSV vốn là đối tượng nhạy cảm. Ngoài ra, một số gia đình còn thiếu sự quan tâm, chăm sóc con cái, nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le như cha mẹ ly hôn hoặc vi phạm pháp luật đã vô tình làm ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, lối sống của các em. Do đó, dẫn đến tình trạng các em bỏ nhà, bỏ học, sống lang thang, làm phát sinh các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, nội dung chương trình giáo dục đạo đức công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn. Phương thức tổ chức hoạt động ngoại khóa còn mang tính áp đặt, chưa lôi cuốn số đông học sinh chủ động tham gia. Đặc biệt, một bộ phận HSSV do kỹ năng sống còn kém, chưa nhận thức được việc phạm tội, vi phạm đạo đức của mình. Một số em, gia đình có điều kiện kinh tế, dù nhận thức được nhưng do thiếu ý chí phấn đấu vươn lên nên tự buông thả mình và trượt dài trên con đường phạm tội. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu tới suy nghĩ, hành vi của các em.

Trước tình trạng trên, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) TS Lê Thị Bích Hồng cho rằng: Công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng giáo dục HSSV. Gia đình là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho thanh, thiếu niên, là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thế nhưng, không ít các bậc phụ huynh lo làm giàu và mải mưu sinh mà thiếu quan tâm giáo dục con cái, phó mặc việc dạy dỗ, giáo dục con cái cho nhà trường và xã hội. Vì thế, gia đình và nhà trường phải luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc quản lý con em mình để tìm ra hướng xử lý tốt nhất. Mặt khác, gia đình, nhà trường cũng cần coi trọng sự ảnh hưởng của các tổ chức xã hội. Bởi trên thực tế cho thấy, gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội có tác động rất lớn tới sự hình thành nhận thức của thanh, thiếu niên, giúp HSSV nhận thức được đúng, sai. Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: Nhà trường đặc biệt chú trọng thực hiện việc tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho học sinh để các em nhận thức đúng, chủ động tích cực rèn luyện đạo đức. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú. Trong năm học, nhà trường lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các bài giảng như ghép nội dung Luật Giao thông đường bộ vào một số tiết học giáo dục công dân, lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy và HIV-AIDS vào một số giờ Sinh học... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của các lực lượng tham gia giáo dục đạo đức học sinh, nhận thức của mỗi học sinh đã có những chuyển biến tích cực, tạo động lực mạnh mẽ trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/giao-duc/ph-i-h-p-gia-inh-nha-tr-ng-va-x-h-i-trong-giao-d-c-h-c-sinh-sinh-vien-1.364421