Phố rút căm xe

PNCN - Phố rút căm xe là định danh cho khúc đường Trần Quang Diệu (Q.3 - ảnh), dài 200m, đoạn giới hạn bởi đường Lê Văn Sỹ (Q.3) và Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận), nơi tập trung gần 20 điểm rút căm xe. Ở phố rút căm, có những chuyện lý thú mà… ai không đến rút căm thì không biết!

Sài Gòn tứ trụ rút căm Những năm 1960, phương tiện đi lại chủ yếu của người Sài Gòn là xe đạp. Người giàu hơn thì đi xe Solex (Pháp), Mobylette (Pháp), xe Goebel với máy Sachs của Đức, rồi xe Puch ba đèn (Áo)… Đến năm 1964, có thêm dòng xe Honda, nhưng chỉ rải rác vài chiếc được nhập lậu về Sài Gòn. Mãi đến năm 1966, Sài Gòn mới tràn ngập các xe máy hai bánh của Nhật. Ngoài Honda, các hãng Suzuki, Kawasaki, Yahama cũng xuất hiện và hầu hết các loại xe này đều sử dụng bánh căm. Tuy nhiên, những năm ấy, người Sài Gòn đổ xô đi rút căm xe tại bốn điểm của “tứ trụ Sài Gòn rút căm”. Một là ông già câm ở Q.1, trụ ngay góc Trần Quang Khải - Hai Bà Trưng. Nghề chính của ông là vá xe, nhưng xe sụp ổ gà, niềng cong hình số 8 mang đến, ông cũng làm luôn. Ở Q.3, có ông “giám đốc rút căm”. Ông vốn là giám đốc kỹ thuật hãng xe đạp Phi Long (sau là hãng xe đạp Cửu Long). Khi đại lý hãng xe Goebel và Puch phá sản, ông chuyển về Trần Quang Diệu (Q.3) mở cơ sở rút căm Hoàng Anh. Một ông già thợ máy khác chuyên sửa đồng hồ tính tiền các loại xe tắc xi thì mở thêm cơ sở rút căm xe đạp ở góc Vĩnh Viễn - Nguyễn Tri Phương (Q.10). Khi ông mất, con rể duy nhất của ông từng là thợ sơn máy bay tiếp tục thế vai. “Trụ” thứ tư là ông già Tàu bán há cảo ngay góc Tạ Uyên - Nguyễn Chí Thanh (Q.5). Cuối những năm 1980 và đầu 1990, các ông già lần lượt qua đời, tuy vậy, “thế tứ trụ” của nghề rút căm vẫn còn lưu giữ cho đến giờ nhờ “cha truyền con nối”. Ngoại trừ ông già câm ở góc Trần Quang Khải, vì không có gia đình, nên khi mất, chỗ rút căm của ông được người khác “xí phần” làm nơi bơm hơi vá ép, “tam trụ” còn lại đều được các thế hệ con cháu kế thừa và phát huy. “Trụ” của ông già Tàu ở Q.5 có đến tám người con, bảy trong số đó là gái và một trai út. Vì vậy, suốt một thời gian dài, ngoài ông ra, người ta còn thấy thường xuyên sáu cô con gái và cả người vợ ngồi phụ ông rút căm. Khi ông mất, các con gái tiếp tục nối nghiệp cha để nuôi mẹ. Sau đó, khi các cô lần lượt theo chồng định cư ở nước ngoài, đến lượt cậu con út cùng cô con dâu tiếp tục ra đường treo bảng “Minh rút căm” để giữ nghề. Năm 1969, vợ chồng ông Đặng Hoàng Năm (giám đốc kỹ thuật hãng xe đạp Phi Long) và bà Nguyễn Thị Anh về Trần Quang Diệu mở tiệm rút căm Hoàng Anh thì cả năm người con trai của hai vợ chồng ông lần lượt trở thành thợ rút căm lành nghề, dù họ từng là giáo viên, là kỹ sư Bách khoa… Gia đình ông già sửa đồng hồ tắc xi Vĩnh Viễn cũng vậy, tuy ông có một con gái duy nhất, nhưng bà là người theo cha học nghề và truyền lại cho chồng. Sau khi thất nghiệp, chồng bà bỏ nghề sơn máy bay rồi căng hiệu “Bé rút căm” - trụ ngay vị trí cũ của bố vợ. Nghệ tinh - thân vinh Những bảng hiệu Út, Tâm, Tùng, Toàn, Hoàng Anh rút căm… nằm liền kề trên đoạn ngắn con đường Trần Quang Diệu không chỉ dễ khiến làm người ta liên tưởng đến câu “buôn có bạn, bán có phường”, mà còn cho thấy đó là một nghề có thể sống được nếu…. hành nghề có tâm. Sự tồn tại hiện nay của khoảng 20 điểm rút căm trên đoạn đường này là những cơ sở có uy tín vì đã trải qua một cuộc chọn lọc khắc nghiệt của khách hàng. Anh Đặng Ngọc Sơn, cơ sở rút căm Hoàng Anh nói: “Gọi là rút căm nhưng thợ phải biết luôn việc sửa niềng. Có thể hành nghề rút căm sau sáu tháng nhẫn nại học nghề, nhưng không phải bao giờ cũng có hàng mới để rút, mà không ít trường hợp phải nhận những chiếc niềng cong queo do sụp ổ gà, do xe tông nhau… Công việc khi đó không chỉ đơn thuần là rút căm mà còn phải cân chỉnh làm cho chiếc niềng trở về trạng thái ban đầu”. Vợ chồng anh Trần Phúc Minh, người nối nghiệp rút căm của các chị gái ở góc Tạ Uyên - Nguyễn Chí Thanh nói: “Người giỏi nghề, chỉ cần nhìn cái niềng là biết lỗi gì. Biết niềng bị đụng từ hướng nào… và nhanh chóng chỉ cho khách biết cách khắc phục và giá cả”. Tất nhiên, kinh nghiệm thường được thể hiện qua thao tác và tiền công. Tiền công thường tỷ lệ thuận với kinh nghiệm. Nói cách khác, kinh nghiệm tỷ lệ thuận với thu nhập. Anh Minh cho biết: Bình quân công rút một cặp niềng hiện nay ở TP.HCM dao động từ 70.000đ - 100.000đ. Một ngày, vợ chồng anh hoàn thành ít nhất cho 10 cặp như vậy. Nghe thấy mê, nhưng hỏi chuyện học nghề, ông già Vĩnh Viễn mỉm cười: “Cậu cứ đến đây, rồi ngồi suốt ngày, chưa cần phải làm gì. Nếu ngồi như vậy cả tuần mà vẫn đứng lên được thì mới tính tiếp…!”. Nguyễn Thiện

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/vieclam/2010/Pages/pho-rut-cam-xe.aspx