Phim ngắn tập trở lại: vui nhiều, lo không ít

SGTT.VN - Đài Truyền hình Việt Nam vừa khởi động dự án “Đổi mới phim cuối tuần trên VTV1”. Đây là cột mốc đánh dấu sự trở lại của thể loại phim ngắn tập sau nhiều năm gián đoạn.

Cố diễn viên Thu An đã có một vai diễn để đời trong phim truyền hình ngắn tập Mẹ chồng tôi (đạo diễn Khải Hưng). Ảnh: Trần Việt Đức

Sau hàng trăm bộ phim truyền hình lên sóng màn ảnh nhỏ trong hai thập niên qua, không mấy khán giả còn nhớ, cội nguồn của phim truyền hình Việt Nam thực ra là phim ngắn tập. Năm 1990, Lời nguyền của dòng sông đã đưa phim truyền hình trở thành hiện tượng ngay từ “phát súng” đầu tiên, đem về cho đạo diễn Khải Hưng giải thưởng Phim xuất sắc tại liên hoan phim Brussels (Bỉ) năm 1992. Ba năm sau đó là thời hoàng kim của phim ngắn tập với rất nhiều tác phẩm đến giờ còn in trong tâm trí người xem như Mẹ chồng tôi, Ba lẻ một, Không còn gì để nói… Nhưng, tới khi hàng loạt phim truyền hình nhiều tập, thậm chí hàng trăm tập của nước ngoài ồ ạt đổ lên sóng truyền hình Việt Nam, phần đông giới làm phim lẫn khán giả bắt đầu bối rối, và đi đến nhận định (biết đâu là ngộ nhận) rằng đây mới đúng là phim truyền hình. Cũng nhanh chóng như khi vụt sáng, các dự án phim ngắn tập thưa thớt dần, nhạt dần về chất lượng, rồi trở thành nỗi tiếc nuối của những đạo diễn gạo cội như Khải Hưng, Vũ Hồng Sơn… là những người luôn tin tưởng vào nét độc đáo riêng có của thể loại ngắn tập. Nhiều năm sau khi phim truyền hình ngắn tập không còn xuất hiện, đạo diễn Khải Hưng vẫn khẳng định: ưu thế của phim ngắn tập là ở cách làm rất gần phim truyện nhựa cùng nghệ thuật hình ảnh luôn được trau chuốt, đề cao. Song, thật trớ trêu, thể loại phim từng đốt cháy màn ảnh nhỏ suốt một thời gian dài cũng như giúp cánh truyền hình gặt hái khá nhiều Bông sen vàng, Bông sen bạc… cuối cùng chỉ còn đóng vai trò “lấp sóng”, và trở thành nơi ôn bài, thử sức của các đạo diễn trẻ mới ra trường, trước khi chính thức bị khai tử.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Vũ Hồng Sơn, chất lượng không hẳn là nguyên nhân chính khiến phim ngắn tập chết yểu. Cơn lốc phim dài tập không chỉ thay đổi thói quen thưởng thức của khán giả, mà còn đem về cho nhà sản xuất những khoản kinh phí hấp dẫn từ quảng cáo và các nhà tài trợ, thường chỉ tới tấp rót xuống những bộ phim dài tập. Nói vui như đạo diễn Vũ Hồng Sơn, một khi phải loại trực tiếp trên cán cân doanh thu, thì đối với phim ngắn tập, đó là cái chết được báo trước!

Triển khai từ tháng 1.2012, dự án sẽ đem đến cho khán giả những phim cuối tuần hấp dẫn, bao gồm các tác phẩm kinh điển của thế giới và các bộ phim chất lượng cao mới được sản xuất của Việt Nam.

Đều đặn lên sóng VTV1 vào 21 giờ hai ngày chủ nhật đầu tháng, bắt đầu từ 8.1.2012, các thể loại phim sẽ được sắp xếp, phát sóng thành ba mùa phim: tháng 1 – 4: phim kinh điển của thế giới; tháng 5 – 8: phim điện ảnh Việt Nam xuất sắc; tháng 9 – 12: phim mới do VTV sản xuất. Trong mùa phim cuối năm này, khán giả sẽ được gặp lại các tác phẩm từng trở thành hiện tượng trên sóng truyền hình đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

Ngay sau khi đài Truyền hình Việt Nam công bố dự án “Đổi mới phim cuối tuần trên VTV1”, với mục tiêu là hồi sinh phim ngắn tập, rất nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra. Tựu trung đều coi đây là một dự án mạo hiểm, nhất là khi khán giả hầu như đã lãng quên thể loại này. Trái lại, đạo diễn Khải Hưng tỏ ra rất hào hứng: “Đây là một tin vui. Biết đâu, tôi cũng tham gia các phim thuộc dự án”. Tuy thế, ông cũng khá băn khoăn về mức đầu tư cho tác phẩm. Ai cũng biết, nhiều bộ phim truyền hình dài vẫn được thực hiện với tốc độ chóng mặt, cùng khoản kinh phí hạn hẹp. Không phải ngẫu nhiên mà Lời nguyền của dòng sông đoạt giải quốc tế. Để chọn được bối cảnh ưng ý, đạo diễn Khải Hưng đã lang thang qua nhiều con sông, rồi chỉ chịu dừng chân khi bắt gặp những mái nhà rơm nằm ven một khúc quanh nhỏ của sông Cầu. Do tính chất đặc thù về mặt thể loại, ngày đó, mỗi một bộ phim ngắn tập thường phải quay cả tháng trời, thậm chí hơn thế, bằng thời gian quay hàng chục tập phim bây giờ. Ở thời điểm này, đó quả là sự đầu tư xa xỉ.

Triển khai từ tháng 1.2012, dự án sẽ đem đến cho khán giả những phim cuối tuần hấp dẫn, bao gồm các tác phẩm kinh điển của thế giới và các bộ phim chất lượng cao mới được sản xuất của Việt Nam.

Đều đặn lên sóng VTV1 vào 21 giờ hai ngày chủ nhật đầu tháng, bắt đầu từ 8.1.2012, các thể loại phim sẽ được sắp xếp, phát sóng thành ba mùa phim: tháng 1 – 4: phim kinh điển của thế giới; tháng 5 – 8: phim điện ảnh Việt Nam xuất sắc; tháng 9 – 12: phim mới do VTV sản xuất. Trong mùa phim cuối năm này, khán giả sẽ được gặp lại các tác phẩm từng trở thành hiện tượng trên sóng truyền hình đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

Dù ông Nguyễn Hà Nam, trưởng ban thư ký biên tập, đài Truyền hình Việt Nam khẳng định với dự án phi lợi nhuận này, đài đứng ra làm chủ đầu tư, không chạy theo số lượng và sẽ mạnh dạn “vung tiền cho những kịch bản chất lượng, những đạo diễn giỏi nghề, với mong muốn chất lượng sẽ là thỏi nam châm hút quảng cáo, đem lại doanh thu”, nhưng không ít người vẫn băn khoăn về hiệu quả thực tế của dự án. Xưa nay, hầu như quảng cáo chỉ đổ về phim dài tập. Nếu chỉ trông mong vào chất lượng mà bỏ qua các hoạt động truyền thông nhằm thu hút khán giả, thì rất có thể, phim ngắn tập sẽ lại có một cái chết báo trước.

Dù gì đi nữa, người xem, chứ không phải các nhà tài trợ hay quảng cáo, mới là nhân tố quyết định sự tồn vong của một chương trình truyền hình.

Đạo diễn Lê Bảo Trung

Tôi sẵn sàng tham gia dự án này

“Những bộ phim một tập, dài chừng 90 phút phát sóng trên truyền hình ra đời trong điều kiện không có nhiều kinh phí để làm dự án phim nhựa, lấy truyền hình làm những phim mang dáng dấp điện ảnh, đem không gian của điện ảnh cho khán giả truyền hình xem. Dự án này theo tôi rất hợp lý trong tình hình hiện nay, khi chúng ta có rất nhiều đạo diễn mà dự án phim nhựa mỗi năm, dù có tăng trong thời gian gần đây cũng là quá ít ỏi. Phim dạng này sẽ đáp ứng nhu cầu làm phim của số đông đạo diễn yêu nghề nhưng chưa có cơ hội làm phim nhựa.

Ở góc độ khán giả, có một bộ phận người xem không có đủ thời gian để theo dõi những bộ phim dài tập thì có chương trình phim một tập dành cho họ cũng rất thú vị. Tôi ủng hộ dự án này. Nếu có ai ngó ngàng đến thì tôi sẵn sàng tham gia”.

T. ANH (ghi)

“Những bộ phim một tập, dài chừng 90 phút phát sóng trên truyền hình ra đời trong điều kiện không có nhiều kinh phí để làm dự án phim nhựa, lấy truyền hình làm những phim mang dáng dấp điện ảnh, đem không gian của điện ảnh cho khán giả truyền hình xem. Dự án này theo tôi rất hợp lý trong tình hình hiện nay, khi chúng ta có rất nhiều đạo diễn mà dự án phim nhựa mỗi năm, dù có tăng trong thời gian gần đây cũng là quá ít ỏi. Phim dạng này sẽ đáp ứng nhu cầu làm phim của số đông đạo diễn yêu nghề nhưng chưa có cơ hội làm phim nhựa.

Ở góc độ khán giả, có một bộ phận người xem không có đủ thời gian để theo dõi những bộ phim dài tập thì có chương trình phim một tập dành cho họ cũng rất thú vị. Tôi ủng hộ dự án này. Nếu có ai ngó ngàng đến thì tôi sẵn sàng tham gia”.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/van-hoa/156966/phim-ngan-tap-tro-lai-vui-nhieu-lo-khong-it.html