Phim "Ma rừng" và lời nhắn gửi bức thiết

Sau một thời gian thực hiện, Điện ảnh Công an nhân dân (CAND) chuẩn bị cho ra mắt bộ phim truyện mang tên "Ma rừng". Phim đề cập tới cuộc chiến đấu khốc liệt của lực lượng Công an với tội phạm ma túy trên "cung đường vàng ma túy" Tây Bắc. Với nội dung hấp dẫn, ê kíp làm phim chuyên nghiệp,"Ma rừng" hứa hẹn sẽ là một bộ phim hấp dẫn khán giả của Điện ảnh CAND.

Đạo diễn Đào Duy Phúc (bên phải) thị phạm diễn xuất cho diễn viên trước một cảnh quay.

Vừa trải qua những ngày tháng lăn lộn giữa bản làng Tây Bắc làm phim, chưa kịp nghỉ ngơi, Thiếu tá, đạo diễn Đào Duy Phúc lại tiếp tục lên đường tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 tại Quảng Ninh rồi ngay sau đó bắt tay vào làm hậu kỳ cho phim để kịp tiến độ. Gặp đạo diễn Đào Duy Phúc những ngày này, ngay cả đồng nghiệp, nhiều người suýt không nhận ra anh vì anh gầy, đen và hốc hác nhiều. Thực sự, những ngày tháng làm phim "Ma rừng" là những trải nghiệm thú vị nhưng cũng không kém phần vất vả, thậm chí nguy hiểm với đạo diễn trẻ năng nổ này. Phim được sản xuất bởi một ê kíp gồm nhiều người trẻ cả trong và ngoài Lực lượng Công an.

Cho đến thời điểm này, cuộc chiến đấu giữa lực lượng Công an với những kẻ đi gieo rắc "cái chết trắng" vẫn luôn cam go và khốc liệt. Nhiều chiến sĩ Công an vẫn đang từng ngày từng giờ hy sinh xương máu để bảo vệ cuộc sống của nhân dân trước sự tấn công của loại tội phạm nguy hiểm. Kịch bản phim "Ma rừng" đã được chắp bút bởi nhà biên kịch Cù Tất Dũng - Phạm Thu Hồng. Trong đó, Cù Tất Dũng được biết tới với nhiều giải thưởng trong các cuộc vận động viết về đề tài an ninh trật tự như giải nhì năm 2006 với kịch bản phim "Những điều không dễ nói", năm 2008 với bộ phim "Giải mã những bí ẩn"…

Cù Tất Dũng cho biết, anh dự định viết kịch bản phim về đề tài này từ năm 2001, sau một chuyến đi công tác tại cung đường số 6 dài nối các tỉnh: Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu. Đây còn được gọi "cung đường vàng" trong con đường ma túy của các tỉnh miền núi. Trong chuyến đi ấy, anh đã tới tận các bản như Na Ư, Na Hai - là những địa bàn nóng, nhức nhối về tệ nạn ma túy trong một thời gian dài. Chỉ một tuần sau chuyến đi ấy của anh, Thiếu úy Phạm Văn Cường - cán bộ PC17 (Công an tỉnh Điện Biên) - đã anh dũng hy sinh trong lần truy bắt nhóm buôn bán ma túy do tên Lý A Va cầm đầu.

Những chuyến công tác sau đó cũng đã để lại cho nhà biên kịch Cù Tất Dũng nhiều câu chuyện ám ảnh. Sau này, những ám ảnh ấy đã trở thành chất liệu để anh viết kịch bản phim "Ma rừng". Đó là ám ảnh về những bản "không chồng", bởi nhiều đàn ông bị dụ dỗ tham gia vào những đường dây buôn bán ma túy để rồi nếu không bị bắt, trả giá cho những sai lầm của mình bằng những năm tháng trong trại giam thì cũng lại nghiện ngập rồi chết vì sốc thuốc, vì HIV… Là câu chuyện về trưởng bản, cũng chính là những kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu. Trong nhà, họ thường nuôi rất nhiều chó để canh gác, luôn luôn cảnh giác trước sự xuất hiện của người lạ…

Một cảnh trong phim "Ma rừng".

Hơn mười năm công tác tại Điện ảnh CAND đã cho Cù Tất Dũng cơ hội được đi thực tế tại nhiều đơn vị Cảnh sát phòng chống ma túy, được trò chuyện, tâm sự với nhiều anh em trinh sát và được họ kể về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Đặc biệt, anh nhớ mãi lần tham dự buổi giao lưu giữa các điển hình tiên tiến trong lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy với các học viên khóa 1 của Học viện Cảnh sát, trong đó có không ít nữ chiến sĩ từng có đóng góp lớn trong sự thành công của nhiều chuyên án quan trọng. Nhiều đồng chí, ngay trong thời điểm đến với cuộc giao lưu thì họ vẫn đang tham gia một chuyên án ma túy nên các anh, dù rất muốn tôn vinh, cũng chỉ có thể sử dụng lời nói chứ không thể cho các chị xuất hiện trên màn hình. Những hy sinh thầm lặng ít người biết ấy đã là động lực để biên kịch Cù Tất Dũng bắt tay vào viết kịch bản "Ma rừng".

Câu chuyện kể về chiến công lớn của lực lượng Công an triệt phá đường dây buôn ma túy lớn, trong đó nổi bật sự mưu trí dũng cảm của hai trinh sát trẻ Hoàng, Hùng. Song song với đó là câu chuyện tình cảm của hai người lính với cô bác sĩ trẻ Thanh Hà. Cù Tất Dũng chia sẻ, anh hoàn toàn yên tâm khi giao "đứa con tinh thần" của mình cho đạo diễn Đào Duy Phúc, bởi đó là đạo diễn trẻ, có tài, say nghề và khẳng định được tài năng của mình qua nhiều bộ phim.

Trò chuyện với Thiếu tá, đạo diễn Đào Duy Phúc, chúng tôi được biết, bối cảnh chính của phim được chọn là một bản tại huyện Yên Châu, Sơn La. Đoàn làm phim phải cất công tới tận vùng sâu, vùng xa bởi anh em muốn tìm chất "mộc" trên những ngôi nhà sàn, những con đường trong bản hay cây cầu qua suối. Hiện nay, cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào nhiều bản làng. Nhiều ngôi nhà sàn được quây kín phần dưới bằng tường ốp gạch men, cửa kính, lắp máy lạnh, ăng ten chảo, bồn nước inox…

Không dễ để tìm được những bản làng nguyên sơ. Gần một tháng quay phim với bối cảnh trải dài từ Hà Nội - Mai Châu (Hòa Bình) tới Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu của tỉnh Sơn La nên đoàn làm phim khá vất vả. Là đạo diễn của nhiều bộ phim thuộc nhiều thể loại khác nhau như "Chiến dịch trái tim bên phải" dành cho tuổi teen, "Sinh mệnh" - phim về đề tài chiến tranh, "Thái sư Trần Thủ Độ" - phim truyền hình về đề tài lịch sử nhưng với đạo diễn Đào Duy Phúc, đây là lần đầu tiên anh làm phim về thể loại phim hình sự. Với anh, đây không chỉ là một thách thức mà còn là một trải nghiệm mới khi quyết định "đầu quân" vào lực lượng những người làm điện ảnh Công an.

Vì phần lớn cảnh quay tại vùng núi nên đạo diễn Đào Duy Phúc và êkíp rất vất vả. Đoàn làm phim thường xuyên quay đến 11 - 12h đêm, có hôm tới 3 - 4h sáng, trong khi đó bà con dân bản đi ngủ rất sớm nên việc phối hợp với diễn viên quần chúng hay sử dụng bối cảnh cũng gặp không ít khó khăn. Chưa kể tới việc, chỉ sau vài ngày quay, anh em trong đoàn liên tục ốm, sốt do không quen thời tiết, khí hậu, thức ăn cộng với cường độ làm việc liên tục.

Đạo diễn Đào Duy Phúc chia sẻ, trước khi chuyển câu chuyện văn học thành hình ảnh, anh đã nhiều lần đi thực tế tại các đơn vị Cảnh sát phòng chống ma túy, tới một số nơi từng là điểm nóng để hiểu được mức độ phức tạp của loại tội phạm này. Và sau những chuyến đi ấy, anh thực sự cảm thông, chia sẻ với những hy sinh, vất vả của các đồng đội đang từng ngày, từng giờ đối mặt với hiểm nguy, kiên quyết truy bắt những kẻ đang gây cái chết trắng, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Điều mà đạo diễn Đào Duy Phúc nhắc đi nhắc lại là lời cảm ơn trước sự giúp đỡ rất lớn của các đơn vị trong lực lượng Công an. Nếu không có sự hỗ trợ tận tình ấy, rất khó để thực hiện được bộ phim. Trong quá trình đoàn phim đi thực tế, các chiến sĩ Cảnh sát đã không ngại mang theo những công cụ hỗ trợ để đạo diễn có thể mục sở thị những địa bàn phức tạp. Khi triển khai sản xuất, đoàn phim lại nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình về bối cảnh quay, chỗ ăn, nghỉ cho anh em nghệ sĩ. Đó là những tình cảm nồng ấm mà Đào Duy Phúc không thể quên được.

Đến với nghề đạo diễn tình cờ và muộn mằn sau những lênh đênh của công việc, với đạo diễn Đào Duy Phúc, trở thành người làm điện ảnh trong lực lượng Công an giúp anh có thêm những trải nghiệm mới trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Sự say nghề, thậm chí cả liều lĩnh khi dám lao vào những đề tài khó đã giúp Đào Duy Phúc trở thành một đạo diễn được nhiều nhà sản xuất săn đón. Biệt danh "lính đánh thuê thiện chiến" mà anh được đồng nghiệp yêu quý đặt cho cũng bởi niềm đam mê công việc, sự cộng tác với khá nhiều hãng phim của anh. Với Đào Duy Phúc, tiêu chí của phim dù ở bất kỳ thể loại nào đều phải cuốn hút và gửi gắm thông điệp nào đó tới khán giả. Và "Ma rừng" cũng không nằm ngoài quan niệm sáng tác ấy.

Phim “Ma rừng“

Kịch bản: Cù Tất Dũng - Phạm Thu Hồng

Đạo diễn: Đào Duy Phúc

Quay phim: Trần Hoàng Linh - Đoàn Tiến Mạnh

Họa sĩ: Nguyễn Quang Vinh - Nguyễn Đạt Phú

Các diễn viên: Phú Đôn, Bình Xuyên, Hoàng Tùng, Thiện Tùng, Linh Chi, Tô Dũng, Khương Duy, Mạnh Hưng…

Hiện phim đang ở giai đoạn hậu kỳ và dự kiến hoàn thành sau 1 tháng nữa.

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/doisongvanhoa/2013/10/58518.cand