Phát triển thương mại điện tử: Thiếu chế tài cụ thể

(HNM) - Thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng, hứa hẹn sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, từ mô hình kinh doanh này đã lộ diện không ít kẻ làm ăn bất chính.

Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp 4 đối tượng cầm đầu Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến (MB24), gồm Chủ tịch HĐQT và các Phó Chủ tịch HĐQT để làm rõ hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Theo kết quả điều tra bước đầu, đến nay mạng lưới của MB24 đã phát triển hơn 130.000 gian hàng trên cả nước với sự tham gia của hơn 40.000 người theo mô hình nhị phân đa cấp ăn chia hoa hồng. Riêng ở Hà Nội, có gần 20.000 người tham gia mua hàng tại hơn 59.000 gian hàng ảo. Tổng số tiền MB24 thu về khoảng 700 tỷ đồng và có dấu hiệu chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng.

Các nhà quản lý khuyến cáo: Không giao dịch khi chưa kiểm chứng được thông tin.

Nhiều người chưa quên vụ Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á tự xưng là công ty con của Tập đoàn Diamond Holiday (có trụ sở chính tại Mỹ) kinh doanh dịch vụ du lịch qua internet. Để trở thành thành viên của công ty, khách hàng phải nộp 375 USD, đổi lại sẽ được đi du lịch khắp thế giới. Đồng thời, nếu mời được nhiều người tham gia, các thành viên còn được hưởng hoa hồng từ 1.000 đến 15.000 USD. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, nhiều thành viên đã không được hưởng thỏa thuận như trong hợp đồng... Núp dưới danh nghĩa sàn TMĐT, nhiều kẻ lừa đảo đã thực hiện hành vi bán hàng đa cấp trá hình để kiếm tiền từ những người nhẹ dạ cả tin. Đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc đã xảy ra, trở thành bài học đắt giá cho sự thiếu hiểu biết về TMĐT của nhiều người.

Thực tế cho thấy, TMĐT là một lĩnh vực mới và phát triển khá nhanh, vì vậy nghị định về TMĐT ban hành từ năm 2006 có thể chưa bao quát đầy đủ thực tiễn kinh doanh trực tuyến. Hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) được giao cấp đăng ký cho các sàn giao dịch TMĐT. Nhưng việc cấp đăng ký cho các sàn chỉ căn cứ vào hồ sơ đăng ký kinh doanh của DN, có đối chiếu với thông tin thể hiện trên website tại thời điểm đăng ký, không thể bảo đảm về uy tín của DN hay chất lượng hàng hóa, dịch vụ quảng bá trên website. Bộ Công thương đã có Thông tư số 46/2010-BCT quy định trách nhiệm của DN tham gia cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT, hàng hóa, dịch vụ, song lại không khẳng định nghĩa vụ của chủ website phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp. Ngay cả Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin cũng chỉ đưa ra khuyến cáo người dân nên thận trọng khi tham gia và cần phản ánh hoạt động kinh doanh không đúng luật của các DN kinh doanh TMĐT với cơ quan chức năng để xử lý. Bên cạnh đó, việc quản lý các website kinh doanh qua internet rất khó khăn, vì các website không đăng ký với Sở Công thương, nên chỉ khi có phản ánh của người dân thì thanh tra sở mới vào cuộc…

Được biết, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin đang phối hợp với cơ quan hữu trách hoàn thiện văn bản pháp lý về quản lý TMĐT trình Chính phủ xem xét. Trong đó, quy định rõ phạm vi, yêu cầu của hình thức TMĐT đa cấp, bán gian hàng ảo, chiết khấu hoa hồng cho việc giới thiệu thành viên tham gia… nhằm bảo vệ quyền lợi của thành viên, không để bị lợi dụng.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng đưa ra được những chế tài cụ thể để bảo vệ quyền lợi của những người tham gia sàn giao dịch TMĐT, website được phép kinh doanh trực tuyến, người dân cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/cong-nghe/555485/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-thieu-che-tai-cu-the.htm/