Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Hưng Yên

ND - Những năm qua mối liên kết giữa "bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) được đẩy mạnh đã giúp cho sản xuất nông nghiệp ở Hưng Yên bước đầu có nhiều mô hình chuyển dịch thành công sang sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao...

Hiệu quả của sự hợp tác "bốn nhà" Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, trong những năm qua, sự liên kết giữa "bốn nhà" có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào sự thành công trong quá trình chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, thâm canh cao ở Hưng Yên. Đề án sản xuất lúa giống của tỉnh đã tập hợp được đông đảo kỹ sư, HTX nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân tham gia, hình thành nhiều vùng sản xuất thóc giống trên địa bàn tỉnh, cung cấp hơn 70% giống lúa tốt cho sản xuất nông nghiệp; giúp nông dân chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, với diện tích ngày càng lớn, chiếm khoảng 50% diện tích lúa của tỉnh; tập trung ở các huyện Yên Mỹ, Ân Thi, Mỹ Hào... Chương trình phát triển kinh tế vườn, cải tạo ruộng trũng được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, của các tổ chức đoàn thể, của nhà khoa học đã giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, hình thành những vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, có tổng diện tích lên tới gần 10 nghìn ha, cho sản lượng hàng trăm nghìn tấn quả mỗi năm. Điển hình là vùng trồng cam, bưởi, chuối ở các huyện: Khoái Châu, Văn Giang, vùng trồng nhãn lồng ở TP Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, Kim Động, vùng trồng vải lai ở Phù Cừ... Chương trình "nạc hóa" đàn lợn, "sin hóa" đàn bò đã tạo nên cuộc "cách mạng" cải tạo chất lượng con giống, các hình thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tiên tiến, hình thành và phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thực phẩm trong khu vực... Ở nhiều xã, mối liên kết, hợp tác giữa "bốn nhà" đã phát huy cao hiệu quả. Chủ tịch UBND xã Tam Đa (Phù Cừ) Hà Văn Xưởng cho biết, trước đây, Tam Đa là xã khó khăn nhất huyện. Sau nhiều cuộc bàn bạc tìm hướng phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết chuyển đổi cây trồng, chọn kinh tế vườn làm khâu đột phá, với cây vải lai chín sớm là cây trồng chủ lực. Các tổ chức đoàn thể căn cứ vào Nghị quyết của Đảng bộ xã phát động phong trào cải tạo vườn tạp, cải tạo ruộng trũng lập vườn trồng cây vải lai; đồng thời phối hợp các thôn, xóm mở lớp tập huấn mời kỹ sư, cán bộ khoa học hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Chính quyền xã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn, mua cây giống, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Giống vải lai có đặc tính chín sớm cho thu hoạch trước chừng nửa tháng so vải chính vụ nên được các tư thương thu mua với giá khá cao, bán trong nước hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc. Để nâng cao giá trị và chất lượng của quả vải lai, xã Tam Đa đang xúc tiến thành lập Hội trồng vải và xây dựng thương hiệu cho quả vải lai chín sớm. Sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các tổ chức chính trị, xã hội và nông dân đã đưa xã Tam Đa trở thành một vùng trồng vải lai chín sớm nổi tiếng với diện tích lên tới 130 ha (bao gồm cả diện tích vải quy đổi). Tiếp theo thành công của cây vải, xã Tam Đa tiếp tục phát động phong trào trồng cây vụ đông. Việc thu mua dưa chuột của xưởng chế biến dưa xuất khẩu trong xã đã khuyến khích nông dân trồng cây dưa chuột, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Cây dưa chuột trở thành một trong những cây trồng chính, góp phần mở rộng diện tích cây vụ đông lên tới 50% diện tích đất canh tác của xã. Sản xuất nông nghiệp xã Tam Đa đã thật sự chuyển sang sản xuất hàng hóa và đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Mô hình liên kết giữa "bốn nhà" trong sản xuất nông nghiệp phát triển rộng khắp dưới nhiều hình thức ở tỉnh Hưng Yên đã có tác động tích cực như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển nhanh, vững chắc; đóng góp vào tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn năm 2006 đến năm 2010 đạt bình quân 3,5%/năm. Giá trị thu nhập bình quân trên một ha canh tác tăng lên, đạt gần 90 triệu đồng/năm. Hình thành hơn 4.000 trang trại, vườn trại. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng sản xuất cây lương thực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, rau quả, cây công nghiệp, trong đó, cây lương thực chiếm 24%, rau quả, cây công nghiệp 30%, chăn nuôi, thủy sản 46%; đóng góp vào việc phát triển một số ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh... Hướng tới phát triển nông nghiệp hàng hóa Sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Hưng Yên tuy phát triển nhưng sản phẩm hàng hóa vẫn còn manh mún; quy cách, chất lượng, sản lượng nông sản phần lớn chưa ổn định, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, ít có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ. Bình quân ruộng đất trên đầu người thấp lại phân tán manh mún. Sự liên kết giữa "bốn nhà", nhất là giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trình độ sản xuất thâm canh của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa tâm huyết với nghề nông. Chăn nuôi phân tán trong khu dân cư vẫn còn lớn, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Diện tích vùng đất bãi ven sông rộng lớn chưa khai thác hết tiềm năng. Công tác quản lý thị trường vật tư nông nghiệp, chất lượng giống vật nuôi, cây trồng, chất lượng nông sản còn lỏng lẻo, yếu kém. Nông dân nhiều địa phương chưa tiếp cận được với cơ chế, thông tin thị trường, sản xuất vẫn theo kinh nghiệm cũ, thậm chí còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chất lượng lao động nông thôn chưa cao, lao động trẻ có trình độ trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp ngày một giảm... Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 17 xác định: "Phát triển nông nghiệp hàng hóa toàn diện, theo hướng CNH, HĐH gắn với xây dựng nông thôn mới" với mục tiêu giai đoạn năm 2011 - 2015, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4%/năm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp: cây lương thực 20%, rau quả, cây công nghiệp 35%, chăn nuôi, thủy sản 45%, giá trị thu nhập mỗi ha canh tác đạt hơn 120 triệu đồng/năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Minh Ngọc cho biết, để đạt mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Trước hết và quan trọng nhất là quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất cây, con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, trên cơ sở đó bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển mạnh những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường tiêu thụ; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, vùng thâm canh, chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng, an toàn có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Khuyến khích ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất gắn với quy hoạch vùng. Tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các mô hình sở hữu; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý một số sản phẩm có lợi thế. Tiếp tục thực hiện tốt liên kết "bốn nhà", tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, gắn với các chính sách hỗ trợ khuyến khích thu hút các dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Khuyến khích các mô hình nông nghiệp - công nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng "mỗi làng một nghề", chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng "ly nông bất ly hương". Khai thác các nguồn vốn đầu tư để cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn theo hướng hiện đại, kết cấu kinh tế, xã hội hợp lý, có quan hệ sản xuất phù hợp. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, phát triển các mô hình hợp tác, thực hiện các chính sách thúc đẩy kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, kinh tế tư nhân phát triển. Đổi mới và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, gắn với việc dồn thửa, đổi ruộng và tích tụ ruộng đất; tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cấp đào tạo phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bài và ảnh: PHẠM HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184931&sub=127&top=39