Phát triển nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao trong lân lũng đá vôi

Huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, có tiềm năng nông, lâm nghiệp khá phong phú. Diện tích rừng có gần 57 nghìn ha, chiếm 3/4 diện tích toàn huyện, trong đó đất lân lũng chiếm diện tích lớn; khí hậu ẩm mát rất thích hợp cho việc trồng và phát triển các loại cây quả đặc sản và cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Khai thác lợi thế đó, Bắc Sơn đang từng bước chuyển đổi cây trồng để khai thác tiềm năng diện tích đất trên núi đá vôi, khai thác đất hoang hóa trong lân lũng.

Phát huy những lợi thế về tài nguyên đất rừng núi đá vôi, Bắc Sơn đã hình thành vùng quýt chuyên canh ở các xã: Chiến Thắng, Nhất hòa, Vũ Sơn,… đưa tổng diện tích cây quýt toàn huyện lên trên 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 10 nghìn tấn. Số hộ thu nhập từ cây quýt mỗi năm từ 50 đến 100 triệu đồng, chiếm 20% số hộ trong toàn huyện. Khi nói đến sản vật của Bắc Sơn, không ai không chú ý tới các loại cây ăn quả đặc sản như: quýt, lê, mận, mơ… Đặc biệt là đối với cây quýt là cây ăn quả nổi tiếng đã vượt qua phạm vi trong huyện và tỉnh. Qua khảo sát tại các vườn quýt trong huyện cho thấy, nếu cây quýt được chăm sóc theo đúng quy trình thì một cây trồng được 15 năm sẽ cho năng suất từ 120 đến 150 kg. Nhiều vườn quýt trồng cách đây trên 50 năm nay năng suất vẫn đạt 150 đến 200kg/cây. Với năng suất này, một ha có thể đạt tới 60 tấn quả/ha (400 cây/ha), chỉ cần năng suất đạt 30 tấn/ha thì hàng năm sản lượng quýt của Bắc Sơn sẽ đạt từ 60 đến 75 nghìn tấn quả. Chỉ tính giá thấp nhất là 10.000đ/kg ở thời điểm tháng 11/2010 tại Bắc Sơn, thì một ha mỗi năm cũng cho thu nhập 300 triệu đồng trở lên. Nhờ giá trị kinh tế cao, nên trong nhiều năm qua, ở 10/20 xã, thị trấn trong huyện đã tập trung đầu tư, phát triển mạnh cây quýt và trở thành cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Nằm trong vùng núi đá vôi nên huyện Bắc Sơn có diện tích lân lũng thường xuyên bị ngập nước, hàng năm thường bị ngập từ 2 - 3 lần, nước ngập sâu từ 0,2 đến 1,8 m và mỗi lần ngập kéo dài từ hai ngày đến hơn nửa tháng nên việc trồng những cây lâm nghiệp, hoa màu là rất khó khăn. Trong khi phần đất dốc xung quanh lân lũng đã được phát huy tiềm năng như trồng cây quýt, lê, mận... thì phần đất khá bằng phẳng lại ngập nước, bỏ hoang trên 200ha vì thường bị hạn về mùa khô, ngập nước về mùa mưa, quá trình ngập nước làm rửa trôi các chất màu xuống tầng sâu, thoái hóa đất canh tác. Do đó, việc tìm ra những loại cây có đặc điểm sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương là việc rất quan trọng. Thông qua Trạm Khuyến nông huyện, từ năm 2007, người nông dân sống cùng lân lũng Bắc Sơn đã được tiếp cận, phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tràm- loại cây có thể chịu được đất phèn ngập nước 6 tháng trong mùa mưa, có khả năng sinh trưởng tốt ở vùng núi đá vôi, trên các loại đất bán ngập nước hoặc khô hạn. Sau mấy năm triển khai, các hộ dân trồng tràm ở thôn Minh Quang, xã Long Đống – Bắc Sơn cho biết, cây tràm một tuổi đã ra hoa kết quả, cây bốn tuổi đã có thể lấy hạt giống. Việc trồng thành công mô hình trồng cây quýt, lê, nậm, mác mật, măng tre... trên đất núi đá và thêm cây tràm trong thung lũng đá vôi bị ngập nước, bỏ hoang đã giúp người dân trên địa bàn Bắc Sơn tận dụng tối đa tiềm năng đất đai vùng núi đá vôi và có thể nhân rộng ra các lân lũng khác trong tỉnh Lạng Sơn./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=459232&co_id=30065