Phát triển nhân viên công tác xã hội trong khu công nghiệp: Giảm bớt tổn thương cho nhóm lao động yếu thế

Từ góc độ của công tác xã hội (CTXH), việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ tại các KCN-CX và con cái của họ đang được thực hiện như thế nào là vấn đề được nhiều người quan tâm. Một lần nữa, vấn đề này, nhất là vai trò của CTXH lại được đặt ra tại hội thảo “CTXH trong lĩnh vực bảo vệ NLĐ và con em NLĐ tại các KCN-CX” do Trường Đại học Công đoàn tổ chức ngày 10.11.

Một phòng trọ của CNLĐ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: H.A

Cần phát triển nhân viên CTXH trong các KCN

Miêu tả thực trạng sức khỏe tâm thần ở NLĐ trong các KCN, các ThS Lê Thị Thủy và Phạm Thị Bích Hồng - giảng viên khoa CTXH (Đại học Công đoàn) - dẫn kết quả nghiên cứu, khảo sát do Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 phối hợp với Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai thực hiện trên 840 CNLĐ ở KCN Biên Hòa cho thấy: 14,3% số CNLĐ trong diện khảo sát được xác định có bệnh lý rối loạn tâm thần (RLTT). Tỉ lệ nữ CNLĐ bị RLTT là 64%, trong khi nam chỉ là 32,8%. CNLĐ ở các ngành dệt, may mặc có RLTT cao gấp 2-8 lần so với CNLĐ các ngành nghề khác. Nghiên cứu cũng cho thấy phần lớn CNLĐ ở các KCN bị RLTT có cuộc sống rất khó khăn. Mức thu nhập của họ rất thấp, kéo theo đó là việc chi trả cho các dịch vụ thiết yếu của cuộc sống cũng không đủ và các dịch vụ tinh thần khác hầu như chưa có. Phần lớn CNLĐ có RLTT đều phải thuê nhà ở, điều kiện nhà ở, phòng trọ, điều kiện tại nơi làm việc của CNLĐ cũng không đảm bảo. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe tâm thần của NLĐ.

Có thể thấy rất rõ bệnh về sức khỏe tâm thần ở NLĐ trong các KCN đang ngày càng trở nên phổ biến, gây khó khăn cho cá nhân bị bệnh cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội. Do đó, nhân viên CTXH chuyên nghiệp có vai trò rất lớn trong việc từng bước hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ. Vì vậy, ý kiến cho rằng phát triển nhân viên CTXH trong các KCN là việc làm cần thiết được nhiều người đồng tình. Điều này cũng có nghĩa cần những nghiên cứu sâu về mặt chính sách, về công tác đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là những can thiệp kịp thời của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, của CĐ, của nhân viên xã hội nhằm bảo vệ các quyền được đối xử công bằng, tạo cơ hội việc làm bền vững, an toàn cho lao động di cư.

Đảm bảo sinh kế bền vững cho lao động yếu thế

CNLĐ tại các KCN-CX hiện gặp rất nhiều khó khăn, một trong số đó là chỗ gửi con. Đơn cử như tại Hà Nội, hiện khu nhà ở CNLĐ Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), thành phố đầu tư xây dựng 1 trường mầm non với 9 phòng học có thể đáp ứng được gần 300 cháu. Trong khi đó KCN Thăng Long có khoảng 60.000 CNLĐ, phần lớn đều ở trọ tại xã Kim Chung, đóng góp GDP của địa phương, nhưng nhà trẻ, trường mầm non CNLĐ không đủ (NLĐ lại không có hộ khẩu tại địa phương) nên phải gửi con trường tư với giá rất cao. ThS Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội - cho biết, tại Trường Mầm non Sakura Hoa Anh Đào, trong khu nhà ở CNLĐ Kim Chung, hiện đang có 6 lớp với hơn 120 cháu, tiền gửi mỗi trẻ là 1,1-1,5 triệu đồng/tháng. Còn gửi trẻ tại nhà dân phải mất 2-2,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù không muốn nhưng do tiền gửi trẻ quá cao nên nhiều CNLĐ phải gửi con về quê ở với ông bà.

Trao đổi về đảm bảo sinh kế bền vững (SKBV) cho nhóm lao động yếu thế, TS Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện CN&CĐ - khẳng định: Mặc dù chúng ta có không ít chính sách nhằm tạo dựng sinh kế cho lao động yếu thế, nhưng nhìn chung đời sống, việc làm của phần lớn lao động yếu thế còn nhiều khó khăn, bấp bênh. Đây vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của tính dễ bị tổn thương và nghèo đói. Do vậy, việc ban hành và thực thi các chính sách với họ cần gắn với khung SKBV đặt trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, hướng về lao động nghèo. Trong đó, lao động nghèo ở vị trí trung tâm của các tác động qua lại giữa những yếu tố trong khung sinh kế nhằm nhấn mạnh trách nhiệm xây dựng hành động để hỗ trợ và để lao động yếu thế đối phó, vượt qua yếu tố dễ bị tổn thương và nghèo đói một cách bền vững. Ở đây, nhóm lao động yếu thế là những NLĐ có đặc tính, đặc thù bản thân hoặc do bối cảnh, điều kiện tự nhiên - xã hội làm cho họ gặp hạn chế đáng kể trong tiếp cận các cơ hội để tạo lập, tìm kiếm và duy trì việc làm đàng hoàng trên thị trường lao động so với nhóm lao động thông thường khác.

“CTXH trong lĩnh vực bảo vệ NLĐ và con em NLĐ tại các KCN-CX” là phiên thứ nhất trong 3 phiên của chương trình hội thảo “CTXH Việt Nam - thách thức tính chuyên nghiệp trước nhu cầu hội nhập và phát triển”. Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm Ngày CTXH thế giới lần thứ 18 do Trường Đại học Công đoàn đăng cai.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/giam-bot-ton-thuong-cho-nhom-lao-dong-yeu-the-395636.bld