Phát triển nghề nuôi tôm càng xanh ở Sóc Trăng

ND - Từ hơn mười năm nay, nghề nuôi tôm đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân Sóc Trăng, đưa kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng GDP ở tỉnh này vượt lên. Nhưng để nghề nuôi tôm càng xanh phát triển bền vững, còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Tôm càng xanh "giúp" người dân khá giả Khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Sóc Trăng nói riêng có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản, cả nước mặn, lợ và nước ngọt, đặc biệt là nuôi tôm. Nhưng nhiều năm nay người nuôi gặp khó khăn về nguồn vốn, lại thêm lo ngại giá đầu ra luôn biến động, nên mật độ thả thưa, khiến năng suất đạt thấp, lãi không cao. Mấy năm trước đây, ngoài con tôm sú thì ở vùng nước lợ thuộc huyện Mỹ Tú, Châu Thành, Mỹ Xuyên... có nhiều người nuôi tôm càng xanh có lãi khá, nhưng chỉ với hình thức nuôi quảng canh trong mương vườn, ruộng lúa, còn con giống thì thu gom từ những người đi chài, đi lưới, nên không chủ động được mùa vụ, quy mô, hiệu quả không cao. Nay phong trào nuôi tôm càng xanh ở Sóc Trăng phát triển khá nhanh, với gần 600 ha, hình thức nuôi cũng rất phong phú, từ quảng canh, quảng canh cải tiến đến nuôi công nghiệp, hiệu quả đạt khá cao. Đặc biệt, nông dân xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh nhằm sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước làm tăng thu nhập. Về ấp Hòa Đức, xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên) gặp chú Trần Thanh Tùng, trước đây chú nuôi tôm sú trên ruộng lúa cũng khá, nhưng vài năm nay gặp khó khăn vì môi trường không thuận lợi, nên chuyển sang nuôi tôm càng xanh. Năm rồi, sau khi thu hoạch hai ha lúa đông xuân, chú thả nuôi 100 nghìn con tôm càng xanh giống. Qua sáu tháng thả nuôi, chú thu được gần 2,6 tấn tôm thương phẩm, bán được 340 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 180 triệu đồng. Ở huyện Mỹ Xuyên, không chỉ có chú Tùng mà nhiều bà con xã Gia Hòa 2, Thạnh Quới, Ngọc Đông... còn thả nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được hơn 250 ha, với năng suất từ 300 đến 350 kg/ha, với giá 150 nghìn đồng/kg hiện nay, nông dân thu nhập trên dưới 45 triệu đồng/ha. Nhớ lần về thăm vùng nuôi tôm càng xanh ở ấp Cống Đôi, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành), được nông dân nơi đây kể chuyện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nghe mà thấy thích. Gặp chúng tôi, anh Trần Thanh Vân, cho biết: "Từ năm 2009, vợ chồng tôi bỏ nghề nuôi cá lóc chuyển sang nuôi tôm càng vào vụ hè thu thấy rất hiệu quả. Tính ra, lãi cũng được gần 100 triệu đồng". Nghề nuôi tôm càng xanh tuy chỉ mới phát triển khoảng hai năm trở lại đây, nhưng bước đầu đã có gần 30 ha đất ruộng ở ấp Cống Đôi được thả nuôi tôm càng xanh và hầu hết đều có lãi 40 - 45 triệu đồng/ha. Bắt đầu từ cuối năm 2009, nông dân các huyện Mỹ Tú, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Ngã Năm cũng đã thu hoạch tôm càng xanh trên chân ruộng, cho năng suất khá. Đây là một trong nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của địa phương đạt hiệu quả cao. Vì, tôm thương phẩm hầu hết được thương lái mua ngay tại ruộng, với giá tương đối cao từ 150 đến 170 nghìn đồng/kg, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Thêm một mùa tôm bội thu, người dân vùng nước lợ Sóc Trăng đón một cái Tết Nguyên đán sung túc và tự tin chuẩn bị cho vụ tôm mới. Xuân năm nay như đến sớm hơn trên vùng tôm-lúa, không chỉ có sắc mai vàng mà còn có cả những nụ cười rạng rỡ của người dân nơi đây. Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm càng xanh Phần lớn nông dân vùng nước lợ nuôi tôm càng xanh chỉ là quảng canh cải tiến, còn nuôi công nghiệp chủ yếu tập trung vùng nước mặn thuộc huyện Long Phú, Vĩnh Châu. Ông Trần Văn Nhỏ, ở ấp Trà Teo, xã Hòa Đông (Vĩnh Châu) có 6 ha đất nuôi tôm càng xanh, thu lãi cao. Năm rồi, ông nuôi hơn một triệu con tôm giống càng xanh, thu về 2,1 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư, tiền giống, thức ăn và công chăm sóc khoảng hơn một tỷ đồng, lãi 900 triệu đồng. Về cách nuôi, ông Nhỏ cho biết: "Tôi có 12 ao nuôi tôm, mỗi cái rộng 5.000 m2, trước đây nuôi tôm sú lợi nhuận thấp, có lúc lỗ nặng nên chuyển sang nuôi tôm càng xanh. Được cán bộ khuyến ngư hướng dẫn, tôi chỉ thả nuôi sáu ao, với mật độ 40 con/m2. Còn cách nuôi đơn giản hơn tôm sú nhiều, thức ăn gồm có cơm dừa, cám, tấm, ruốc (tép nhỏ phơi khô) nấu chung vắt từng cục, bỏ vào chong để xuống đáy ao cho tôm ăn. Hai tháng đầu, ngày cho ăn hai lần, sau đó mỗi tháng tăng thêm một lần. Sau hai tháng nuôi kéo tôm lên, tôm đực chuyển sang sáu ao còn lại, tôm cái giữ lại. Cách chuyển như vậy làm tôm lớn rất nhanh, đến tháng thứ năm bắt đầu thu hoạch dần, tôm lớn (loại 8 - 10 con/kg) bán trước, tôm nhỏ (loại 11- 15 con/kg) bán sau, khoảng cách mỗi lần bán từ 10 đến 15 ngày. Tính đến cuối vụ, tôi thu hoạch gần 15 tấn tôm càng xanh thương phẩm, tùy loại giá từ 140 đến 170 nghìn đồng/kg. Nếu so với tôm sú, nuôi tôm càng xanh có nhiều cái lợi, mức đầu tư thấp, dễ nuôi, ít rủi ro mà hiệu quả lại cao hơn, thị trường dễ tiêu thụ, giá bán hấp dẫn...". Nhiều hộ dân ở xã Khánh Hòa, Hòa Đông, Lai Hòa (Vĩnh Châu); Liêu Tú, Tổng Cán, Trung Bình (Long Phú)... cũng bắt đầu áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trên đồng đất của mình. Từ kinh nghiệm của nông dân nuôi tôm càng xanh ở Sóc Trăng cho thấy con tôm càng xanh không chỉ sống được ở môi trường nước ngọt, lợ mà còn sống và phát triển nhanh ở trong ao nuôi tôm sú công nghiệp, có độ mặn đến 15%o. Tuy nhiên, để phát triển bền vững mô hình nuôi tôm càng xanh công nghiệp, ngoài việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Sóc Trăng cần đẩy mạnh các hoạt động khuyến ngư thông qua tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi, phòng trị bệnh, xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức tham quan, học tập, hội thảo đầu bờ... Đồng thời, khuyến khích người nuôi tôm dần đi vào chiều sâu, ưu tiên tăng sản lượng hơn là tăng diện tích. Đặc biệt, phải chú trọng đến tôm giống. Hiện nay, nguồn giống tại địa phương thiếu rất nhiều, nên phải nhập từ ngoài tỉnh, giống trôi nổi, xuất xứ không rõ ràng, chất lượng giống không đồng đều, pha tạp, không qua kiểm dịch... đổ dồn về Sóc Trăng đã làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tôm nuôi. Vì vậy, cần quy hoạch bố trí các vùng sản xuất, ương nuôi giống nhằm đáp ứng nhu cầu về tôm giống, cũng như bảo vệ tốt môi trường để phát triển bền vững. Mặt khác, ngành nông nghiệp cần phối hợp với ngân hàng khảo sát các vùng nuôi tôm theo quy hoạch, nắm rõ nhu cầu vay vốn của các loại hình nuôi tôm để giúp người dân được vay vốn, mạnh dạn cho vay bằng tín chấp dựa trên những dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; không để người dân nuôi tôm một cách ồ ạt, bất chấp các điều kiện cần và đủ... ĐỖ NAM

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=168447&sub=56&top=38